Sau thời gian hưng phấn với thông tin nới room, thị trường đã chịu áp lực chốt lời, nhất là khi VN-Index tiếp cận đỉnh cũ 640 điểm. Áp lực chốt lời ở các mã lớn như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, nhất là ở nhóm bảo hiểm khiến VN-Index bị đẩy lùi ở lại một cách nhanh chóng xuống dưới ngưỡng 620 điểm. Tuy nhiên, sau đó, nhờ lực cầu khối ngoại được duy trì tốt, giúp thị trường lấy lại được sự cân bằng và hiện đang tích lũy để tìm hướng đi tiếp theo.
Các công ty chứng khoán và một số chuyên gia chứng khoán vẫn đánh giá cao xu hướng trung, dài hạn của thị trường và cho rằng, thị trường khó điều chỉnh giảm sâu, mà sẽ tích lũy một thời gian để bước vào chu kỳ tăng mới.
Trở lại với phiên giao dịch sáng nay, cú hụt chân cuối phiên trước đó tiếp tục kéo sang đến đầu phiên giao dịch sáng nay. Sự thận trọng được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu, khiến thị trường mở cửa trong sắc đỏ với thanh khoản thấp.
Cụ thể, kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,58 điểm (-0,25%), xuống 629,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,96 triệu đơn vị, giá trị 38,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dường như mốc 630 điểm hiện đang là điểm tựa vững vàng của VN-Index trong giai đoạn hiện nay, nên ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, lực dư bán giá thấp nhanh chóng được hấp thụ hết, giúp VN-Index hồi phục trở lại.
Dù vậy, lực bán mạnh ở nhóm bảo hiểm, đặc biệt là tại BVH, trong khi nhóm ngân hàng đang có sức ì khá lớn khiến VN-Index không thể bứt phá, dù sắc xanh chiếm thể chủ đạo trên bảng điện tử.
Thị trường sau đó đi ngang trong biên độ hẹp với thanh khoản không quá lớn khi sự kỳ kèo giữa 2 bên bán và mua diễn ra quyết liệt.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 1,23 điểm (+0,19%), lên 632,49 điểm với 99 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64,82 triệu đơn vị, giá trị 1.317 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,57 triệu đơn vị, giá trị 71,34 tỷ đồng.
Trên HNX, dù độ rộng của thị trường nghiêng về phía tiêu cực, nhưng HNX-Index lại có được sắc xanh ngay từ đầu phiên và duy trì mức tăng khá tốt nhờ sự hỗ trợ của một vài mã dầu khí như PVC, PGS, cùng với mức tăng nhẹ của nhóm chứng khoán, cũng như 2 mã ngân hàng là ACB và SHB.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,21%), lên 86,49 điểm với 67 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,32 triệu đơn vị, giá trị 346 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp rất khiêm tốn.
Tại các mã cụ thể, BVH sau khi hồi phục và có được mức trần trở lại trong phiên thứ Năm tuần trước, đã nhanh chóng giảm trở lại trong phiên cuối tuần và bước vào phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu này tiếp tục chịu áp lực bán lớn ngay từ đầu tiên.
Chỉ sau gần 1 giờ giao dịch, BVH đã bị đẩy xuống mức sàn 52.500 đồng, kéo theo các mã khác như BIC, BMI, PGI giảm theo, dù PGI mở cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên, sau đó, BVH cũng hồi nhẹ trở trở lại, chốt phiên ở mức 53.500 đồng, giảm 4,46%.
Nhóm ngân hàng cũng đã túc tắc phục hồi, chốt phiên sáng nay không còn mã nào giảm giá, trong đó CTG, BID, STB tăng nhẹ và 3 mã còn lại đóng cửa ở tham chiếu.
Một số cổ phiếu lớn khác như GAS, PVD, MSN, VNM giảm nhẹ cũng cản đà tăng của VN-Index. Trong đó, sau thông tin bất ngờ thay thế Chủ tịch HĐQT, VNM giảm ngay khi mở cửa phiên, sau đó, dù nỗ lực hồi phục trở lại tham chiếu, nhưng cuối cùng, cổ phiếu này cũng đóng cửa với mức giảm 0,82%, xuống 121.000 đồng.
Trong khi đó, 2 mã chứng khoán lớn là SSI, HCM lại tăng khá tốt, trong đó SSI dẫn đầu về thanh khoản với 4,19 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 2,57%, lên 27.900 đồng. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự hỗ trợ của một số bluechip khác như HPG, GMD, REE, DPM, FPT…, trong đó REE tăng tới 4,59%, lên 29.600 đồng với 2,42 triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, sau nửa phiên đầu duy trì đà tăng khá tốt, KVC đã bị chốt lời mạnh sau đó, kéo mã này từ sắc xanh chuyển dần sang sắc đỏ và kết thúc phiên ở mức sàn 35.500 đồng với 1,94 triệu đơn vị được khớp, đứng sau SCR với 2,2 triệu đơn vị, mã này còn dư bán giá sàn hơn 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, thị trường lại nhận được sự hỗ trợ của một số mã chứng khoán, cùng PVC, PGS, SHB, trong khi ACB đã trở lại mức tham chiếu khi chốt phiên.
FIT, SCR và KLF đều đóng cửa ở mức tham chiếu, trong đó ngoài SCR, 2 mã còn lại được khớp khá khiêm tốn, chỉ trên 1 triệu đơn vị.