Phiên giao dịch sáng 27/3: Dòng tiền thận trọng, QCG vẫn nóng

Phiên giao dịch sáng 27/3: Dòng tiền thận trọng, QCG vẫn nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù có nhiều nhận định lạc quan về xu hướng thị trường, từ các nhà đầu tư “cá mập”, đến các chuyên gia phân tích, nhưng nhà đầu tư cá nhân lại tỏ ra khá thận trọng trong những phiên gần đây.

Trong nhận định của mình, người đứng đầu các quỹ đầu tư lớn như ông Lã Giang Trung, Giám đốc Passion Investment, hay ông Petri Deryng, Giám đốc PYN Elite Fund đều có cái nhìn rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, ông Lã Giang Trung nhận định, xu hướng chính của thị trường năm nay vẫn sẽ là đi lên và VN-Index có khả năng trở lại đỉnh 1.500 điểm trong năm nay.

Trong khi đó, trong bức thư gửi nhà đầu tư ngày 26/3, ông Petri Deryng cho rằng, Việt Nam không cần làm gì để VN-Index tăng trưởng trong năm 2024, bởi tất cả các yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng mạnh mẽ đã hiện diện. Theo đó, các yếu tố cốt lõi đối với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam là tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, triển vọng kinh tế tích cực, nợ công thấp, định giá cổ phiếu thấp và xu hướng phù hợp của thị trường tài chính.

Nhiều chuyên gia công ty chứng khoán cũng có chung quan điểm khi cho rằng, năm 2024 là năm tăng trưởng tốt của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dù các nhà đầu tư lớn và chuyên gia đánh giá lạc quan, nhưng nhà đầu tư cá nhân lại tỏ ra thận trọng trong những phiên gần đây sau phiên thanh khoản kỷ lục ngày 18/3. Đặc biệt, trong phiên hôm qua (26/3), dù thị trường hồi phục, nhưng thanh khoản lại sụt giảm mạnh so với các phiên trước đó. Sự thận trọng này tiếp tục duy trì trong phiên giao dịch sáng nay khi diễn biến thị trường không mấy sôi động, VN-Index do đó cũng chỉ giằng co trong biên độ hẹp quanh tham chiếu. Các nhóm ngành có sự phân hóa và các mã cũng chỉ biến động trong biên độ hẹp, ngoại trừ một vài mã đơn lẻ.

Trong đó, có thể kể đến QCG khi bất ngờ có chuỗi 2 phiên tăng trần liên tiếp đầu tuần này và tiếp tục duy trì sức nóng trong phiên sáng nay. Dù lực cung gia tăng sau 2 phiên khởi sắc, khiến sắc tím không còn chắc chắn như trước, nhưng lực cầu vẫn đủ lớn để giữ QCG ở mức giá cao.

Ngoài QCG, sáng nay cũng có một số sắc tím tại VCF, SMA, CLW và SVD, nhưng các mã này có thanh khoản rất thấp.

Ở các nhóm ngành dẫn dắt, thép đang là nhóm tích cực nhất với sắc xanh chiếm thế áp đảo. Trong đó, SMC tăng mạnh nhất hơn 5,5%, tiếp đến là HSG tăng 3,6%, POM cũng tăng gần 2%; HPG và NKG dù tăng khiêm tốn hơn nhưng cũng trên dưới 1,5%. HSG và HPG là 2 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE, NKG cũng nằm trong Top 6 thanh khoản.

Dòng tiền chậm lại ở nửa sau của phiên, giao dịch cũng trở nên thận trọng hơn, trong khi lực bán cũng đã gia tăng, dù không quá lớn nhưng cũng đã khiến VN-Index đảo chiều giảm nhẹ về dưới tham chiếu.

Chốt phiên, sàn HOSE có 179 mã và 247 mã giảm, VN-Index giảm 3,56 điểm (-0,28%), xuống 1.278,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 436 triệu đơn vị, giá trị 11.317,3 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 53,4 triệu đơn vị, giá trị 2.242 tỷ đồng, trong đó, đáng kể là hơn 22,5 triệu cổ phiếu MSN, trị giá hơn 1.567 tỷ đồng.

Sắc đỏ lấn át trong rổ VN30, nhưng đà giảm cũng chỉ ở mức thấp, với GVR dẫn đầu cũng chỉ mất 1,9% xuống 33.250 đồng. Giảm hơn 1% cũng chỉ còn VPB, TCB, VRE và VIB.

Trong khi ở chiều ngược lại, MSN là mã tăng tốt nhất dù cũng chỉ +1,5% lên 75.100 đồng, MWG nhích 1,4%, SAB +1,1%, còn GAS, BVH, HPG, VJC chỉ tăng từ 0,12% đến 0,98%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hạ nhiệt, chỉ còn lác đác vài cái tên hút dòng tiền và tăng kịch trần như VRC, QCG và SVD, với QCG khớp lệnh cao nhất với gần 3 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu ngành thép là tâm điểm đầu phiên sáng cũng đã chững lại, ngoài HPG nêu trên thì HSG +3,2% lên 24.250 đồng, NKG chỉ còn +1,2% lên 26.300 đồng, TLH nhích 1,8% lên 8.960 đồng, POM tăng nhẹ hơn 1% lên 12.300 đồng và SMC còn giữ được mức tăng tốt +4,7% lên 12.300 đồng. Trong số này, hai mã HSG và HPG khớp lệnh dẫn đầu thị trường với 19,6 triệu và 16,1 triệu đơn vị.

Một số những cái tên riêng lẻ khác có sức bật tốt như DPG +4,4% lên 47.000 đồng, TNT +4,1% lên 6.050 đồng, CTR +3,9% lên 140.300 đồng, LSS +3,9% lên 12.050 đồng, HBC +3,7% lên 9.050 đồng, D2D +3,5% lên 45.950 đồng, BMP +3% lên 111.700 đồng…

Ở chiều ngược lại, không mã nào giảm sâu đáng chú ý khi nhà đầu tư tiếp tục tiết cung giá thấp, ngoài AGM -4,1% xuống 7.000 đồng, HPX -3,5% xuống 8.010 đồng, khớp 6,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nhịp tăng đầu phiên cũng đã yếu đà và về sát mốc tham chiếu vào cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 58 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,01%), lên 242,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,6 triệu đơn vị, giá trị 913,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 53,2 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh và hầu hết các mã lớn, nhỏ chỉ biến động nhẹ về giá. Trong đó, ở những mã tăng có những cái tên như PVS, TIG, PVC, HUT, MBS, TNG, VGS, MBG, IDC, DXP.

Trái lại là CEO, VC7, GKM, TVC, VFS, APS, LAS với mức giảm chỉ trên dưới 1%, ngoại trừ GKM khi -3,2% xuống 30.600 đồng.

Những mã khác như SHS, DVM, MST, NRC, IDJ, VC3, AMV, DDG đứng giá tham chiếu, trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 9,4 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giằng co nhẹ đầu phiên và có nhịp bật tăng sau đó và cũng như hai chỉ số chính, khi hạ nhiệt vào những phút cuối.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,11%), lên 91,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23 triệu đơn vị, giá trị 282,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,76 triệu đơn vị, giá trị 24,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là HHG khi khớp lệnh đứng thứ hai trên UpCoM với 2,2 triệu đơn vị và có lúc đã tăng kịch trần, trước khi kết phiên còn +10% lên 2.200 đồng.

Các cổ phiếu AAS, NED, QNS, VHG, VGI, DRI, BOT, KVC, PXS nhích từ 2% đến hơn 4%, thanh khoản từ 0,35 triệu đến hơn 1,75 triệu đơn vị.

Cổ phiếu BSR vẫn là mã hút thanh khoản nhất khi có hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh, giá giảm nhẹ 0,5% xuống 19.200 đồng.

Tin bài liên quan