Sau tuần giảm sâu, thị trường đã hồi phục tích cực tuần qua, chỉ số VN-Index bật tăng mạnh 3,5% và có thời điểm vượt đỉnh cũ vào tháng 7/2016 nhờ lực đỡ từ các cổ phiếu bluechip. Tín hiệu tích cực nhất trong tuần qua là sự trở lại xu hướng mua ròng của nhà đầu tư ngoại sau 6 tuần liên tiếp bán ròng mạnh, giúp tâm lý nhà đầu tư bình tâm hơn, dòng tiền chảy mạnh và thanh khoản thị trường cải thiện tốt.
Theo đánh giá của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MBKE, với thanh khoản gia tăng và khối ngoại mua ròng trở lại sau nhiều phiên bán ròng, thì khả năng xu hướng lên vẫn tiếp tục duy trì và vùng đỉnh 2016 là 680 điểm sẽ tiếp tục được thử thách lần nữa. Tuy nhiên, giá có thể gặp trở ngại tại vùng này do lực bán mạnh hơn sẽ tăng lên do đây là vùng kháng cự.
Một trong những thông tin được đánh giá sẽ tác động lớn tới thị trường trong tuần mới là dự báo kết quả kinh doanh quý III/2016 của các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia chứng khoán phân tích, lịch sử thông thường, thị trường sẽ có những đợt sóng cùng sự phân hóa cổ phiếu trong ngành. Nhà đầu tư đang khá chờ đợi quan sát và kỳ vọng vào sóng kết quả kinh doanh.
Tuy nhiên, đúng như nhận định của SHS đưa ra trước phiên giao dịch đầu tuần. Sau 1 tuần liền tăng điểm và đang tiếp cận vùng kháng cự mạnh 676-680 điểm, thị trường sẽ phải đối mặt với lực bán mạnh khi đi vào vùng kháng cự trên, nhà đầu tư cần thận trọng hạn chế mua thêm cổ phiếu với giá cao. Bước vào phiên giao dịch sáng 26/9, áp lực bán gia tăng khiến thị trường quay đầu giảm điểm.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm nhẹ 0,88 điểm (-0,13%) xuống 673,21 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 2 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 40,19 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, dù có thời điểm VN-Index hồi phục, nhưng lực cầu khá yếu trong khi bên bán dâng cao và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến sắc đỏ nhanh chóng trở lại và ngày càng tô đậm hơn.
Lực hãm chính đến từ các cổ phiếu dầu khí. Sau khi tăng liên tiếp nhờ hưởng lợi từ đồng USD giảm sau quyết định của FED và khi dự trưc dầu thô của Mỹ giảm mạnh tuần trước đó, giá dầu thô đã lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần do 2 nước sản xuất dầu lớn nhất của OPEC là Xê út và Iran vẫn bất động về việc đóng băng sản lượng trước cuộc họp diễn ra vào cuối tuần này.
Lần lượt các mã lớn họ P giảm khá sâu, trong đó, GAS giảm 1,6%, PVD giảm 1,17%; trên sàn HNX, PVS giảm 1,53%, PVB giảm 1,85%, PVC giảm 1,94%...
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng điều chỉnh sau tuần tăng mạnh như MSN, VIC, VCB, BVH.
Không chỉ các cổ phiếu lớn, nhiều mã thị trường cũng hạ nhiệt sau tuần tăng mạnh, tiêu biểu là HHS. Sau tuần bật tăng mạnh, vươn lên từ trong bảng xếp hạng Top 10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất lên vị trí quán quân của Top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tuần qua, HHS đã điều chỉnh trong phiên sáng nay, với mức giảm 1,9% xuống mức giá 5.670 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 3,73 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng, ngoại trừ giao dịch thỏa thuận lớn tại REE và VNM giúp thanh khoản tăng mạnh trong phiên sáng, trong khi áp lực bán vẫn tập trung ở một số cổ phiếu lớn khiến thị trường giaao dịch lình xình quang ngưỡng 672 điểm trong suốt thời gian còn lại.
Chốt phiên sáng, toàn sàn HOSE có 97 mã tăng và 107 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 1,6 điểm (-0,24%) xuống 672,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,35 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 1.971,01 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 24,64 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 861,76 tỷ đồng với sự đóng góp lớn của 15,5 triệu cổ phiếu REE, trị giá 364,25 tỷ đồng và hơn 3 triệu cổ phiếu VNM, trị giá 391,25 tỷ đồng.
Sàn HNX có 57 mã tăng và 96 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,34 điểm (-0,41%) xuống 82,98 điểm. Thanh khoản khá thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 16,94 triệu đơn vị, trị giá 199,69 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp hơn 10 tỷ đồng.
Trụ cột VNM có diễn biến khá giằng co, tuy nhiên đã giữ được sắc xanh khi chốt phiên với mức tăng nhẹ 200 đồng lên 140.200 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị, cùng khối ngoại thỏa thuận hơn 3 triệu đơn vị, đóng góp tích cực vào thanh khoản thị trường.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường vẫn tập trung vào các mã đầu cơ vừa và nhỏ. Cụ thể, HHS dẫn đầu thanh khoản với 5,3 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành cồn; tiếp đó FLC và DLG khớp 3,2 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, SHB, PVS, SCR là 3 mã duy nhất có khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, còn lại giao dịch khá thấp. Đóng cửa, SCR đứng giá tham chiếu, trong khi PVS và SHB cùng giảm hơn 2%.