Phiên giao dịch sáng 26/3: Thị trường rung lắc, thông tin mới về VNDirect thu hút sự chú ý của nhà đầu tư

Phiên giao dịch sáng 26/3: Thị trường rung lắc, thông tin mới về VNDirect thu hút sự chú ý của nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin về sự cố liên quan đến VNDirect đang là điểm nóng trên thị trường và không quá ngạc nhiên khi cổ phiếu VND theo đó chịu ảnh hưởng mạnh và giảm sâu ngay từ sớm.

Trong phiên hôm qua (25/3), thị trường sớm rung lắc từ khá sớm và chuyển sang lình xình quanh tham chiếu khi nhóm cổ phiếu trụ cột phân hóa.

Sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán dần gia tăng và có thời điểm khiến VN-Index giảm về dưới 1.265 điểm, tương đương mất hơn 15 điểm trước khi thu hẹp đôi chút đà giảm về cuối phiên. Điểm tích cực là thanh khoản tiếp tục sôi động với gần 30.000 tỷ đồng giao dịch, cho thấy tín hiệu thị trường chưa quá đáng lo lắng.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 26/3, diễn biến thị trường không có nhiều điểm đáng chú ý về điểm số, khi quá trình rung lắc, giằng co với biên độ hẹp tiếp tục diễn ra và bảng điện tử có mức độ phân hóa cao.

Tuy nhiên, sự tập trung lại đổ dồn vào cổ phiếu VND sau những thông tin về việc bị hacker tấn công vào ngày hôm qua.

Cổ phiếu VND mở cửa trong sắc đỏ và nới rộng đà giảm, có lúc đã mất tới 5% và sau hơn 1 giờ giao dịch còn giảm hơn 4%, thanh khoản tăng vọt và bỏ xa phần còn lại trên bảng điện tử với hơn 46,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tại thời điểm này, trang chủ website của VNDirect vẫn đang hiện thông báo hệ thống đang trong quá trình khắc phục và kết nối trở lại. Toàn bộ thông tin và tài sản của khách hàng đều được đảm bảo trạng thái an toàn, không bị ảnh hưởng và sự cố chỉ gây ảnh hưởng đến việc giao dịch hiện tại khách hàng.

VNDirect cho biết, vẫn đang cố gắng tiến hành kết nối lại hệ thống, do dữ liệu quá lớn nên mất nhiều thời gian hơn và dự kiến hệ thống bắt đầu vận hành trở lại dự kiến vào ngày 28/3, tức vào thứ Năm tuần này.

Thông tin mới nhất liên quan là việc Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đang phối hợp các cơ quan chức năng điều tra vụ Công ty Chứng khoán VNDirect bị hacker tấn công.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có công văn hỏa tốc vào chiều ngày hôm qua gửi các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm cảnh báo bảo mật hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến sau vụ việc VNDirect bị đánh sập hệ thống, cũng như yêu cầu các công ty đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dự phòng hoạt động an toàn và liên tục theo quy định tại khoản 10 điều 89 Luật Chứng khoán 2019.

Giằng co nhẹ trên tham chiếu sau nửa đầu phiên, bảng điện tử đã tích cực hơn, trong khi một số bluechip bật lên, đáng kể là nhóm ngân hàng đã giúp VN-Index có nhịp tăng khá vững chắc lên trên ngưỡng 1.275 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên, sàn HOSE có 255 mã tăng và 170 mã giảm, VN-Index tăng 8,24 điểm (+0,65%), lên 1.276,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 474,8 triệu đơn vị, giá trị 10.771,9 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 36,5 triệu đơn vị, giá trị 914 tỷ đồng.

Nhóm VN30 còn duy nhất FPT giảm nhẹ, các mã STB, SAB, GAS, MSN, BVH về tham chiếu, còn lại đều kết phiên trong sắc xanh.

Trong đó, GVR là cổ phiếu tăng tốt nhất, dù cũng chỉ +2,8% lên 32.800 đồng. Theo sau là các mã ngành ngân hàng VPB +2,7% lên 19.400 đồng, BID +1,3%, VIB +1,3%, các mã TCB, MBB, HDB nhích hơn 1%. Trong đó, VPB khớp lệnh cao nhất nhóm và bỏ xa phần còn lại với hơn 20,4 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phần lớn cũng đã chậm lại và không nhiều cổ phiếu bật hẳn lên, với những cái tên ở nhóm khu công nghiệp, bất động sản, D2D, VRC, NHA, VPH, QCG đã tăng kịch trần.

Đáng kể khác là ASM khi +5,8% lên 12.700 đồng, khớp hơn 8,8 triệu đơn vị. Các cổ phiếu IDI, VTP, GEX, NTL, TCH, EVF tăng từ 2% đến hơn 3%, với GEX thuộc top thanh khoản cao nhất sàn khi có hơn 15,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

VND vẫn là tâm điểm giao dịch, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,7 triệu đơn vị, cao hơn gấp đôi so với cổ phiếu theo ngay sau và khối ngoại bán ròng khá mạnh với gần 14 triệu đơn vị. Giá cổ phiếu giằng co ở vùng giá thấp, kết phiên giảm 3,1% xuống 23.200 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau ít phút đầu lao dốc cũng đã trở lại vùng tham chiếu và gần như chỉ giằng co nhẹ cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 81 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,19%), lên 241,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 45 triệu đơn vị, giá trị gần 883 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,8 triệu đơn vị, giá trị 31,5 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa cao, nhưng các cổ phiếu kết phiên gần như ít thay đổi về giá. Trong đó, các mã SHS, AMV, HUT, MBS, MST, PVC, LAS, L14 tăng điểm, với phần lớn chỉ trên dưới 1%, với AMV tăng tốt nhất cũng chỉ +2,6% lên 23.200 đồng, khớp 6,17 triệu đơn vị.

Cổ phiếu SHS vẫn là mã khớp lệnh cao nhất sàn với 14,4 triệu đơn vị, và tăng nhẹ 1% lên 20.300 đồng.

Trái lại, các mã CEO, IDC, IPA, GKM, VC7, C69, APS giảm nhẹ, trong khi PVS, TIG, IDJ, TNG, DTD đứng giá tham chiếu, khớp từ 0,22 triệu đến hơn 6,1 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index kết phiên trong sắc đỏ với diễn biến chủ đạo cũng là giằng co nhẹ từ sớm ở gần tham chiếu.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%), xuống 91,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,2 triệu đơn vị, giá trị 192,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,86 triệu đơn vị, giá trị 17,1 tỷ đồng.

Tiền đầu cơ chảy mạnh với các mã nhỏ L45, SJM, DHB, PIV tăng kịch trần, DRI +9,2% lên 11.900 đồng, trong khi AAH bị chốt lời và giảm sàn -14,7% xuống 13.300 đồng, khớp từ 0,12 triệu đến 0,72 triệu đơn vị.

Thanh khoản phiên này cao nhất là DDV với hơn 1,83 triệu đơn vị và tăng 3,1% lên 16.700 đồng.

Tin bài liên quan