Thị trường chứng khoán đã trải qua một tháng 5 khá tích cực với đà tăng của VN-Index vượt kỳ vọng của giới đầu tư. Bởi diễn biến thị trường đi ngược với xu hướng thông thường “Sell in May” nên giới đầu tư đã dồn sự lo ngại về đợt suy giảm trong tháng 6.
Bên cạnh đó, sau mùa ĐHCĐ, thị trường sẽ thiếu các thông tin hỗ trợ, trong khi các thông tin quốc tế tiềm ẩn rủi ro bởi cuộc họp về chủ đề tăng lãi suất của FED nghiêng về khả năng tăng, cuộc họp liên quan đến việc Anh trưng cầu dân ý về việc rời khởi EU cũng diễn ra trong tháng 6.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá cao dòng tiền của nhà đầu tư ngoại. Theo ông Vũ Minh Đức, Giám đốc phân tích kỹ thuật VPBS, dòng tiền của khối ngoại đang đóng vai trò quan trọng đối với thị trường trong giai đoạn gần đây và vẫn đang có xu hướng mua ròng. Trong khi đó, ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích SHS cho rằng, dòng tiền của khối ngoại đang có sự phân hóa đối với từng cổ phiếu cụ thể.
Với tâm lý thận trọng lo ngại trước áp lực điều chỉnh khiến thị trường giao dịch khá giằng co trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6. Tuy nhiên, dòng tiền thông tin lựa chọn những mã có thông tin hỗ trợ tích cực cùng đợt sóng xuất hiện ở nhóm cổ phiếu nhỏ đã giúp thị trường có được sắc xanh, chỉ số VN-Index áp sát ngưỡng kháng cự 620 điểm.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay (2/6), lực cầu suy yếu, dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến thị trường thiếu động lực để duy trì đà tăng, cả hai chỉ số đều quay đầu giảm nhẹ.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm nhẹ 0,67 điểm (-0,11%), tạm đứng ở mức 619,19 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 2,72 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 34,58 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số Vn-Index gặp khó tại ngưỡng 620 điểm và tiếp tục biến động trong biên độ hẹp quanh mốc này khi điểm tựa các cổ phiếu bluechip đang vận động thiếu tích cực.
Trong khi BVH, VIC, MSN đang đứng giá tham chiếu, GAS giảm 0,8%, VCB, MBB, CTG đang giảm nhẹ 1 bước giá thì PVD và VNM đã có được sắc xanh và đang hỗ trợ giúp thị trường le lói sắc xanh.
Dòng tiền tham gia khá thạn chế, sau gần 1 giờ, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn chỉ đạt hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 3 mã là OGC, HPG và SHB có khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Diễn biến giao dịch không mấy cải thiện trong thời gian còn lại của phiên sáng. Chỉ số VN-Index vẫn liên tục đổi màu và chuyển động quanh ngưỡng 620 điểm cùng thanh khoản suy yếu.
Chốt phiên giao dịch sáng, sàn HOSE khá cân bằng khi có 93 mã tăng và 98 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,36 điểm (+0,06%) lên 620,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,29 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá tị 905,52 tỷ đồng. VN30-Index tăng 0,28 điểm lên 619,66 điểm với 6 mã tăng, 10 mã giảm và 14 mã đứng giá.
HNX-Index cũng nhích nhẹ với mức tăng 0,04 điểm (+0,05%) lên 81,96 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 35,52 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 345,05 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,69 triệu đơn vị, trị giá 80,5 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,12 điểm lên 147,9 điểm với 9 mã tăng và 11 mã giảm.
Mặc dù giá dầu thô tiếp tục giảm, nhưng các cổ phiếu trong nhóm dầu khí không chịu nhiều tác động, bên cạnh GAS đứng giá tham chiếu, PVD, PVS, PVC tăng nhẹ 1-2 bước giá, ngoại trừ PVB và PLC đang giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm tương ứng 2,04% và 1,9%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng diễn biến lình xình quanh mốc tham chiếu, trong khi VCB, STB, SHB đứng giá tham chiếu. thì MBB, CTG, EIB đang giảm nhẹ 100 đồng/CP, ngoại trừ ACB tăng.
Tạo dấu ấn trong phiên sáng nay là cổ phiếu HPG khi có giao dịch rất sôi động. Lực cầu lớn đã giúp HPG đảo chiều thành công sau những loạng choạng đầu phiên.
Chốt phiên, HPG tăng 1,75%, lên 35.000 đồng với 3,35 triệu đơn vị được khớp.
Đà tăng của HPG, cùng với sự trợ giúp thêm của VNM, GMD, PVD, giúp VN-Index tranh khỏi phiên giảm điểm sáng nay. Chỉ số này cũng vượt qua được mốc 620 điểm, dù không mấy chắc chắn.
Một số mã lớn hỗ trợ cho đà tăng nhẹ trên cả hai sàn như VNM tăng 0,71%, HPG tăng 1,74%, LAS tăng 1,87%, AAA tăng 1,65%, VGS tăng 1,75%...
Ở nhóm cổ phiếu nóng, HAG sau những quyết định bị thu hồi dự án, Công ty đã đề xuất chuyển đổi dự án trồng cỏ nuôi bò sang trồng cây ăn quả để cung cấp nguyên liệu cho chính nhà máy chế biến của Tập đoàn, nhưng diễn biến giá cổ phiếu HAG chưa thể hồi phục. Hiện HAG giảm 1,3% xuống 7.800 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu giao dịch mạnh ngay từ đầu phiên - OGC đã nhanh chóng hạ nhiệt bởi áp lực bán ra khá mạnh trong khi lực cầu yếu. Chốt phiên, OGC quy lại mốc tham chiếu 3.000 đồng/CP và khớp 2,5 triệu đơn vị.
Trái lại, cổ phiếu bất động sản khác là FLC nhận được lực cầu tốt từ cả nhà đầu tư nội và khối ngoại, đã tăng mạnh về giá và giao dịch sôi động. Hiện FLC tăng 3,13% lên 6.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 5,1 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
ATA sau 2 phiên giảm sàn đã quay trở lại với sắc tím quen thuộc. Với mức tăng 6,3%, ATA đứng ở mức giá 6.700 đồng/CP và khớp 1,65 triệu đơn vị. Trong khi đó, PTL tiếp tục giữ mức giá trần với khối lượng dư mua trần lớn, đạt 1,65 triệu đơn vị.
Tâm điểm giao dịch trong phiên sáng nay trên sàn HNX là PVL. Sau những phiên đi ngang và giảm điểm, lực cầu tăng mạnh đẩy PVL lên mức giá trần với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt hơn 3 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,42 triệu đơn vị.