Tuần trước, thị trường đã có chuỗi phiên tăng ấn tượng, nhất là trong phiên thứ Tư khi cả 2 chỉ số đều có những phiên tăng mạnh với thanh khoản được cải thiện. Đã có những nghi ngờ về xu hướng tăng của thị trường, bởi trước đó, các đợt tăng điểm không kéo dài quá T2 do tâm lý thận trọng, thậm chí sợ sệt của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đợt tăng lần này đã có sự khác biệt khi thị trường kéo dài chuỗi tăng giá lên con số 4 trong tuần trước, thậm chí là đà tăng chỉ bị hãm nhẹ trong phiên thứ Năm, sau đó lại mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, tâm lý sợ áp lực chốt lời khiến thị trường rung lắc nhẹ khi mở cửa. Cụ thể, kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,02 điểm (-0,18%), xuống 560,8 điểm với 4 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị giao dịch 48,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với niềm tin vào xu hướng tăng của thị trường, dòng tiền đã mạnh dạn trở lại, giúp cả 2 sàn đảo chiều, sắc xanh lại chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. Trong khi đà tăng của VN-Index tạm thời bị cản bước do sức ép từ các mã lớn như VNM, VCB, VIC, MSN, DPM, thì HNX-Index là duy trì sắc xanh khá đậm. Với sắc xanh đang gấp gần 2 lần sắc đỏ, chỉ cần các lớn này đảo chiều, VN-Index xác định được mức tăng vững chắc của mình.
Điều này là có cơ sở khi các mã lớn chỉ dao động sát dưới mức tham chiếu và có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào, ngoại trừ VCB là mã chịu áp lực bán mạnh nhất. Tuy nhiên, lịch sử giao dịch cũng cho thấy, VCB cũng đã có những phiên đảo chiều ngoạn mục khi từ mức giảm mạnh của phiên sáng đã tăng mạnh sau đó, thậm chí là đóng cửa ngày giao dịch với mức giá trần. Vì vậy, chỉ cần các “barie” này được mở ra, VN-Index sẽ ngay tức khắc tăng tốc.
Tuy nhiên, kỳ vọng này đã không trở thành hiện thực trong phiên sáng nay khi chỉ có MSN đảo chiều thành công, trong khi các mã lớn vẫn chìm trong sắc đỏ suốt phiên, thậm chí về cuối phiên, còn có thêm GAS, PVD gia nhập nhóm giảm giá, khiến VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên.
Cụ thể, kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 2,64 điểm (-0,47%), xuống 559,18 điểm. Độ rộng của thị trường thu hẹp và dần chuyển sang hướng tiêu cực khi chốt phiên sáng với 89 mã tăng và 106 mã giảm. Tuy nhiên, điểm tích cực là thanh khoản thị trường vẫn được duy trì khá tốt như tuần trước với 60,58 triệu đơn vị, gí trị 585,76 tỷ đồng được chuyển nhượng và chủ yếu là từ khớp lệnh.
Trong khi đó, HNX-Index lại may mắn giữ được sắc xanh nhạt khi tăng 0,03 điểm (+0,04%), lên 79,58 điểm. Độ rộng của thị trường cũng hẹp khi có 71 mã tăng và 79 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,64 triêu đơn vị, giá trị 321,26 tỷ đồng và cũng đến chủ yếu từ giao dịch khớp lệnh.
Với các mã cổ phiếu, HHS vẫn đang duy trì mức tăng rất tốt, đúng như đánh giá của một số nhà đầu tư tên tuổi. Chốt phiên, HHS tăng 6,54% với lượng khớp hơn 1,8 triệu đơn vị, thậm chí có lúc mã này đã lên mức giá trần và còn dư mua giá trần. Khối ngoại tiếp tục mua vào ở mã này với tổng lượng gần 280.000 đơn vị sáng nay. Ngoài ra, JVC cũng đang có sức hấp dẫn với nhà đầu tư khi đang được khớp gần 2 triệu đơn vị và tăng hơn 2,26%.
Trong khi đó, mã được khớp mạnh nhất trên sàn là FLC với tổng khớp trên 6,2 triệu đơn vị, lại giảm 2,88% do chịu áp lực chốt lời sau 2 phiên tăng mạnh trước đó.
Tương tự, HAI cũng giảm 1,1%, xuống 8.900 đồng với 1,7 triệu đơn vị được khớp; CII giảm 1,91%, xuống 20.500 đồng với 2,9 triệu đơn vị được khớp.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không còn duy trì được đà tăng mạnh như cuối tuần trước do chịu áp lực chốt lời, nhưng HCM vẫn giữ được sắc xanh và SSI đứng ở tham chiếu.
Trong khi đó, OGC cũng được khớp lớn với gần 5 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức giá sàn 2.400 đồng. Đây là địa chỉ ưa thích của những nhà đầu tư ưa mạo hiểm, phiêu lưu, những nhà đầu tư “yếu tim” hoặc đầu tư giá trị gần như không dám nhập cuộc đua ở mã này.
Trên HNX, không có mã nào quá nổi trội khi mức dao động của các mã không quá lớn. Trong các mã dẫn dắt dòng tiền, KLF hiện gây chú ý hơn cả với hơn 6,9 triệu đơn vị được khớp, nhưng như đã nói ở trên, mức biến động giá của KLF cũng giống các mã dẫn dắt dòng tiền khác là tương đối hẹp khi đóng cửa tăng 1 bước giá.
Mức tăng mạnh nhất trong nhóm này có thể kể đến VIX khi đóng cửa ở sát mức trần với 1,49 triệu đơn vị được khớp, có thời điểm VIX cũng có sắc tím 11.600 đồng. Trong khi đó, đà tăng của ITQ có dấu hiệu hạ nhiệt vào cuối phiên khi đóng cửa ở mức 9.700 đồng, tăng 3,19%, dù có lúc tăng gần 6,4%, lên 10.000 đồng.
Phiên rung lắc sáng nay đã được các công ty và chuyên gia chứng khoán dự đoán, bởi thị trường đã trải qua 4 phiên tăng liên tiếp, chuỗi tăng giá nhiều nhất kể từ cuối tháng 2/2015. Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, xu hướng chung của thị trường vẫn tích cực và thị trường vẫn có nhiều cổ phiếu tiềm năng để nhà đầu tư lựa chọn.