Phiên giao dịch sáng 25/12: Noel buồn của chứng khoán

(ĐTCK) Sau phiên rung lắc hôm qua, thị trường đã chính thức đảo chiều giảm điểm khi bước vào phiên giao dịch sáng 25/12. 8 năm gần đây, giao dịch ngày Noel và sát ngày Noel, chỉ có 2 phiên tăng điểm. Dòng tiền đi vắng ngày lễ khiến thị trường giảm điểm trong trầm lắng
Phiên giao dịch sáng 25/12: Noel buồn của chứng khoán

Theo thống kê vào các ngày 25/12 hàng năm và những ngày cận Noel (do 25/12 trùng vào thứ Bảy, Chủ Nhật) trong 8 năm gần đây nhất kể từ 2006 thì đa số thị trường đều ngân lên giai điệu "Mùa giáng sinh đó, còn nhớ không em"!

Cụ thể, chỉ có năm 2009, VN-Index tăng lên 16 điểm, và năm 2012 chỉ số này tăng 4,76 điểm. Còn lại 6 năm thị trường đều giảm, trong đó có những năm giảm rất mạnh như 2006 và 2007, VN-Index giảm lần lượt là 9,49 và 12,43 điểm. 

Vậy phiên hôm nay sẽ thế nào?  

Nhìn lại diễn biến giao dịch phiên hôm qua có thể thấy cảm giác không tốt cho phiên hôm nay hiện hữu. Cu thể, trong phiên hôm qua, không chỉ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng đã giảm mạnh lượng giao dịch. Tổng khối lượng giao dịch mua-bán của khối ngoại đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 7. Bước vào phiên giao dịch sáng nay, tâm lý nhà đầu tư càng thận trọng hơn khiến dòng tiền vào thị trường tỏ ra dè dặt và thanh khoản giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, cùng với giá xăng giảm kỷ lục, hôm qua, Tổng cục thống kê cũng đã công bố CPI cả nước trong tháng 12 tiếp tục giảm và cả năm xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Dường như “dòng tiền nghỉ tết sớm” cùng áp lực chốt lời các cổ phiếu bluechip, đặc biệt các cổ phiếu dầu khí khiến cả hai sàn cùng giao dịch trong sắc đỏ với thanh khoản thấp.

Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm 3,23 điểm (-0,6%) xuống 536,21 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 776.370 đơn vị, tương ứng tổng giá trị 14,28 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường vẫn diễn biến thiếu động lực bởi dòng tiền tiếp tục tỏ ra thận trọng hơn và hầu như vẫn đứng ngoài quan sát thị trường. Trên cả hai bảng điện tử, các cổ phiếu bất động chưa có giao dịch chiếm phần lớn khi trên bảng HOSE, số mã giao dịch chiếm chưa đầy một nửa, còn trên HNX, con số đó cũng chưa đạt 1/3.

Sau gần 30 phút giao dịch, tổng khối lượng giao dịch trên cả hai sàn chỉ hơn 7,5 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng chỉ hơn 115 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip là lực đỡ chính của thị trường bị chốt lời khá mạnh và đua nhau giảm điểm. Trong đó, trên sàn HOSE, các cổ phiếu PVD, MSN, GAS, BVH giảm khá mạnh, còn trên HNX, các cổ phiếu chủ chốt như PVS, PVC, PVX, VCG, SHG, SCR… cũng đều giao dịch trong sắc đỏ.

Đúng như nhận định của FPTS, sau một nhịp tăng điểm khá từ 513 lên 543 điểm, để thị trường tăng điểm tiếp tục, chí ít thị trường cần một số phiên điều chỉnh, tích lũy để củng cố. dòng cổ phiếu dầu khí dẫn dắt sự hồi phục lần này đang cho tín hiệu đỉnh ngắn hạn như PVS, PVC…

Tại thời điểm 10h, toàn sàn HOSE có 34 mã tăng, 92 mã giảm và 67 mã đứng giá. Trong đó, nhóm VN30 có tới 20 mã giảm và chỉ 3 mã tăng. Chỉ số Vn-Index giảm 3,52 điểm (-0,65%) xuống 535,92 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 23,98 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 719,57 tỷ đồng.

Trong khi đó, sàn HNX có 27 mã tăng, 66 mã giảm và 45 mã đứng giá, chỉ số HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,64%) xuống 82,29 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 6,51 triệu đơn vị, trị giá 89,79 tỷ đồng.

Thanh khoản trên sàn HOSE bất ngờ bật tăng là do giao dịch thỏa thuận của 11,25 triệu cổ phiếu VIC với tổng giá trị lên đến 528,63 tỷ đồng.  

Trên sàn HOSE, FLC là cổ phiếu khớp lệnh lớn nhất đạt hơn 2,5 triệu đơn vị và hiện FLC đang đứng giá tham chiếu 10.100 đồng/Cp. Trong khi đó, trên HNX, KLF vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất nhưng chỉ đạt 830.000 đơn vị.

Đáng chú ý cổ phiếu họ chứng khoán ORS. Cổ phiếu này hiện tăng trần với lượng khớp gần 620.000 đơn vị và dư mua trần hơn 900.000 đơn vị.

ORS vừa có thông tin tích cực từ phiên xử phúc thẩm vụ Huyền Như. Tuy nhiên, số tiền này có phải của ORS?
Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2012 của ORS, đơn vị kiểm toán lưu ý trong số dư tiền gửi của công ty tại các ngân hàng ngày 31/12/2012 bao gồm 410 tỷ đồng là số tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) đã bị tạm ngừng giao dịch. Số tiền này ORS nhận từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank) để thực hiện các hợp đồng môi giới mua chứng khoán chưa thanh toán đến ngày 31/12/2012.
Khoản tiền này sẽ được CTG chuyển trả cho TienPhongBank khi ngân hàng này có yêu cầu bằng văn bản. 

Chốt phiên giao dịch, trên sàn HOSE chỉ có 56 mã tăng và 107 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 3,01 điểm (-0,56%) xuống 536,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 37,58 triệu đơn vị, trị giá 923,05 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 13,36 triệu đơn vị, trị giá 569,49 tỷ đồng.

Trên sàn HNX có 54 mã tăng và 81 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,26%) xuống 82,6 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 13,95 triệu đơn vị, trị giá 183,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 11 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu VN30 và HNX30 giảm điểm mạnh là lực cản chính của thị trường. Trong khi VN30-Index giảm 3,28 điểm (-0,55%) xuống 587,91 điểm với 6 mã tăng, 16 mã giảm và 8 mã đứng giá. HNX30-Index giảm 0,66 điểm (-0,41%) xuống 160,82 điểm với 7 mã tăng, 12 mã giảm và 11 mã đứng giá.

Trong đó, các cổ phiếu chủ chốt giảm điểm như PVD vẫn duy trì mức giảm 1.500 đồng, còn GAS và MSN đều giảm 1.000 đồng/CP, cùng đà giảm nhẹ của BVH, VIC, STB…

Dòng tiền dè dặt khiến thanh khoản thị trường ở mức thấp. Cổ phiếu FLC vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản chỉ với 3,44 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và đóng cửa giảm nhẹ 100 đồng xuống 10.000 đồng/Cp.

Tiếp đó, các cổ phiếu khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị gồm OGC, ITA, GTN, HAR và PVT. Các cổ phiếu này đều giao dịch dưới mức giá tham chiếu hoặc đứng giá.

Tuy nhiên, bên cạnh thị trường thiếu động lực, nhóm cổ phiếu khoáng sản là điểm sáng nhỏ nhoi. Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này đều có được mức giá xanh, tuy nhiên, đà tăng khá hẹp chỉ ở mức 100-200 đồng/CP như KSA, KSB, KSH, KTB.

Trên sàn HNX, hầu hết các cổ phiếu chủ chốt như SCR, PVS, PVC, SHB, VCG… đều đang giao dịch trong sắc đỏ.

KLF là cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn HNX đạt 1,91 triệu đơn vị. Tuy có thời điểm KLF chạm sàn nhưng lực cầu đã giúp cổ phiếu này lấy lại được sắc xanh và đóng nhẹ với mức tăng nhẹ 100 đồng lên 10.900 đồng/CP.

Với thông tin hỗ trợ tích cực tiếp tục giúp ORS giữ sắc tím, tuy nhiên, thanh khoản cổ phiếu không biến động nhiều khi bên bán vẫn trống sàn.

Tin bài liên quan