Sau khi chinh phục ngưỡng 625 điểm không thành công trong phiên 17/5 và thất bại khi thử lại lần nữa sau đó 1 ngày, VN-Index đã bước vào chuỗi điều chỉnh 4 phiên liên tiếp. Dù vậy, các phiên điều chỉnh không mạnh và áp lực chốt lời cũng không quá lớn. Một số chuyên gia và công ty chứng khoán nhận định, sự điều chỉnh này là cần thiết để thị trường thiết lập mặt bằng giá mới trước khi bước vào chu kỳ tăng tiếp theo để hướng đến mốc đỉnh 645 được thiết lập hồi giữa năm 2014 và tới nữa là mốc 650 điểm, mốc điểm mà VN-Index chỉ một lần duy nhất vượt qua trong 16 năm qua.
Đúng như kỳ vọng trên, bước vào phiên giao dịch sáng nay, dù lực mua còn dè dặt, nhưng áp lực bán giá thấp gần như đã hết, giúp VN-Index hồi phục trở lại.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,2 điểm (+0,2%), lên 612,23 điểm với 5,9 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 85,67 tỷ đồng.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, diễn biến thị trường vẫn không có nhiều thay đổi, áp lực chốt lời giá thấp ít dần giúp số mã tăng chiếm ưu thế so với số mã giảm. Khoảng cách này sau đó dần được nới rộng, nhưng do một số mã lớn vẫn chịu sức ép, đặc biệt là VNM khiến VN-Index gặp khó khăn và có lúc đã xuống dưới tham chiếu.
Hiện diễn biến của VN-Index đang phụ thuộc nhiều vào sự trồi sụt của một số mã này, nhưng dường như VN-Index đã tìm được ngưỡng hỗ trợ khá vững ở mốc 610 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền ngoại cũng không hoạt động tích cực như tuần trước khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong một vài tháng tới.
Tâm lý lo ngại Fed tăng lãi suất cũng đã khiến chứng khoán Âu, Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần mới, dù nhận được một số thông tin tích cực hỗ trợ.
Hiện nay, khả năng Fed tăng lãi suất vẫn là thông tin có sự ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán toàn cầu, cũng như các thị trường hàng hóa khác như vàng nói chùng và chứng khoán Việt Nam nói riêng. Bởi việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút ra khỏi các thị trường chứng khoán, nhất là các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.
Do sự thận trọng của các bên mua và bên bán, nên trong phiên giao dịch sáng nay không có mã nào quá nổi trội, chủ yếu đang lình xình với thanh khoản thấp. VN-Index sau những nỗ lực đầu phiên cuối cùng cũng không thể duy trì được sắc xanh khi GAS, VCB, DPM quay đầu giảm giá, dù VNM đã trở lại tham chiếu.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 0,16 điểm (-0,03%), xuống 610,87 điểm với 97 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,96 triệu đơn vị, giá trị 1.010 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,56 triệu đơn vị, giá trị 162,96 tỷ đồng.
HNX-Index cũng giảm 0,09 điểm (-0,11%), xuống 81,18 điểm với 62 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,63 triệu đơn vị, giá trị 227,94 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 23,8 tỷ đồng.
Như đã nói, do sự thận trọng của cả bên bán và bên mua, nên thanh khoản chung của thị trường trong phiên sáng nay thấp, các mã riêng cũng không có gì nổi bật khi giá lình xình trong biên độ hẹp và giao dịch diễn ra chậm.
GTN nửa đầu phiên bất ngờ có giao dịch sôi động khi có tới 4,5 triệu đơn vị được khớp khi giao dịch diễn ra chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, sau đó, lực mua cũng không quá hào hứng, nên giao dịch trong thời gian còn lại của phiên sáng của GTN chậm lại, chỉ có thêm chưa tới nửa triệu đơn vị được chuyển nhượng, nâng tổng khối lượng khớp của phiên sáng lên 4,95 triệu dơn vị. Tuy nhiên, đóng cửa, GTN đứng ở mức cao nhất phiên 17.200 đồng, tăng 2,99%.
Tương tự, HNX-Index cũng chỉ lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp khi cả bên bán và bên mua đều thận trọng quan sát. Tuy nhiên, điểm tích cực là một số bluechip trên sàn này có mức tăng khá tốt như AAA tăng 4,89%, DBC tăng 2,06%, ACB tăng nhẹ 1 bước giá…