Thị trường bước vào tuần giao dịch mới với những tác động của một số thông tin kinh tế vĩ mô vừa được công bố cuối tuần trước.
Theo đó, CPI tháng 11 của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đều giảm lần lượt là 0,3% và 0,36% cho thấy, CPI cả nước tháng 11 cũng có thể giảm hoặc chỉ tăng rất nhẹ. Như vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay chắc chắn sẽ thực hiện được.
Trong khi thông tin CPI thấp không hẳn là thông tin tốt, bởi nó cho thấy tổng cầu vẫn yếu, thì thông tin giá xăng dầu tiếp tục giảm 1.140 đồng/lít từ 11h ngày 22/11 được xem là một thông tin tích cực cho TTCK.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng cũng vừa ban hành các thông tư theo hướng nới rộng các đối tượng được tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng, qua đó đem đến kỳ vọng lớn cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Tuy nhiên, dường như nhà đầu tư vẫn đang bị ảnh hưởng tâm lý bởi Thông tư 36 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, quy định về tín dụng của các ngân hàng cho chứng khoán.
Dù đã có những đánh giá, nhận định rằng, Thông tư 36 sẽ không có tác động xấu tới TTCK, bởi con số tín dụng mà NHNN khống chế ở lức 5%/vốn điều lệ ngân hàng vẫn còn lớn so với tổng lượng tiền margin trên thị trường, tính tới cuối tháng 10/2014, theo công bố của đại diện UBCK.
Cụ thể, với tổng vốn điều lệ của các ngân hàng Việt Nam khoảng hiện khoảng 428.700 tỷ đồng, thì tổng tín dụng có thể cấp cho chứng khoán là khoảng 21.000 tỷ đồng.
Thậm chí, nhiều chuyên gia chứng khoán và ngân hàng còn đánh giá, thông tư này có lợi cho chứng khoán trong dài hạn.
Tuy nhiên, về ngắn hạn, trong cuộc trao đổi bàn tròn với Đầu tư Chứng khoán, các chuyên gia chứng khoán đều cho rằng, sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, đúng là con số 5%/vốn điều lệ ngân hàng nếu tính ra như trên là khá lớn, nhưng theo quy định của Thông tư 36, không phải ngân hàng nào cũng được cấp tín dụng chứng khoán, mà phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, nhất là vấn đề nợ xấu phải dưới 3%. Trong khi đó, hiện có một số ngân hàng, có cả các tên tuổi lớn hiện có nợ xấu trên 3%. Vì vậy, nếu các ngân hàng này không khắc phục được điều kiện này cho tới khi Thông tư 36 có hiệu lực, thì tín dụng ngân hàng cấp cho chứng khoán sẽ nhỏ hơn con số 21.000 tỷ đồng khá nhiều.
Chính vì những lý do trên, nên TTCK đã có những rung lắc khi Thông tư 36 chính thức được ban hành. Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi thông tư này.
Không còn thăm dò, lực bán đã tăng mạnh ngay đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), khiến sắc đỏ bao trùm cả bảng điện tử, các cổ phiếu lớn, bé đều thi nhau giảm điểm.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 2,95 điểm (-0,5%), xuống 585,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,83 triệu đơn vị, giá trị 103,82 tỷ đồng. Tương tự, HNX-Index cũng giảm ngay khi mở cửa phiên và nới dần đà giảm theo thời gian.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục của sàn HOSE, lực bán mạnh hơn, kéo VN-Index giảm sâu hơn và số mã giảm cũng gấp gần 6 lần số mã tăng giá. Mốc 585 của VN-Index nhanh chóng bị xuyên thủng và hiện mốc 580 đang bị đe dọa. HNX-Index cũng đã bị mất mốc 88 điểm.
Theo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán, đây được xem là điểm mua trading lại một phần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn đã chốt lời. Do đó, có thể kỳ vọng 2 chỉ số sẽ bật trở lại ở các mốc hỗ trợ này nhờ lực mua trading.
Đúng như nhận định này, sau khi các chỉ số chạm các ngưỡng hỗ trợ trên, lực mua bắt đáy đã dần gia tăng, giúp thị trường bật trở lại và chỉ còn giảm nhẹ khi đóng cửa phiên sáng.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,81 điểm (-0,31%), xuống 586,22 điểm với 50 mã tăng và 134 mã giảm (nửa đầu phiên, số mã tăng giảm là 26 so với 160). VN30-Index cũng chỉ còn giảm 2,29 điểm (-0,37%), đứng ở mức 621,45 điểm, mức cao nhất phiên và hồi được 6 điểm so với mức thấp nhất phiên.
Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 74,86 triệu đơn vị, giá trị 1.316,66 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp gần 1,7 triệu đơn vị, giá trị 51,47 tỷ đồng.
Tương tự, HNX-Index cũng chỉ còn giảm 0,42 điểm (-0,48%), xuống 88,71 điểm (có lúc chỉ số này xuyên thủng mốc 88 điểm) với 68 mã tăng, 109 mã giảm. HNX30-Index giảm 0,77 điểm (-0,43%), xuống 179,51 điểm với 6 mã tăng và 15 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,4 triệu đơn vị, giá trị 469,94 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 1,22 triệu đơn vị, giá trị 24,41 tỷ đồng.
Như đã đề cập ở trên, các cổ phiếu lớn, nhỏ đều đua nhau giảm giá ngay từ đầu phiên. Tuy nhiên, về cuối phiên, một số mã đã hồi trở lại nhờ lực cầu bắt đáy.
Kết thúc phiên, VHG vẫn đứng ở mức sàn 15.100 đồng với gần 6,37 triệu đơn vị được khớp.
FLC hồi lại được 300 đồng, chỉ còn giảm 200 đồng khi chốt phiên sáng với 11,12 triệu đơn vị được khớp.
HAR cũng thoát khỏi mức giá sàn 11.100 đồng khi đóng cửa ở mức 11.700 đồng, giảm 200 đồng với 5,24 triệu đơn vị được khớp. KBC cũng chỉ còn giảm nhẹ 1 bước giá, trong khi ITA và HQC thậm chí đảo chiều tăng nhẹ 100 đồng. Trong số các mã bất động sản bật ngược trở lại, ấn tượng nhất là VIC khi có mức tăng 500 đồng (+1,04%), lên 48.500 đồng với gần 0,6 triệu đơn vị được khớp.
KAC, LGC có được sắc tím, trong khi sắc xanh cũng xuất hiện nhiều hơn trong nhóm này như NBB, NLG, SJS, NTL, UDC… cũng có sắc xanh.
Không chỉ nhóm bất động sản, các nhóm khác như chứng khoán cũng hồi trở lại, dù chưa thể chuyển sắc xanh.
Trên HNX, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo từ đầu phiên và dĩ nhiên có cả những cái tên đáng chú ý như KLF, PVS, PVC, PVX, SHB, FIT… Tuy nhiên, sau đó, cũng giống như HOSE, lực cầu bắt đáy giúp một số mã hồi trở lại như KLF, SCR, PVX, FIT…
Trong đó, KLF vẫn dẫn đầu về thanh khoản trên HNX với 6,25 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng nhẹ 100 đồng. PVX đứng ở tham chiếu và SCR tăng 200 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp mỗi mã.
FIT dù có lúc chuyển sắc xanh, nhưng cuối cùng đóng cửa giảm nhẹ 100 đồng. Dù vậy, đây cũng là tín hiệu tích cực vì đầu phiên, có lúc mã này giảm 600 đồng, về 30.300 đồng/cổ phiếu. PVS và PVC cũng tương tự, dù có lúc hồi ở lại tham chiếu và trên tham chiếu, nhưng vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.