Không còn diễn ra thế một chiều như 3 phiên vừa qua, áp lực chốt lời đã diễn ra khá mạnh mẽ tại JVC trong phiên giao dịch sáng nay, trong khi bên mua đang tạm thời dừng lại nghe ngóng khi JVC đã tăng hơn 18,5% trong 3 phiên vừa qua.
Trong phiên sáng nay, lực mua đầu phiên vẫn rất tốt, giúp JVC tiếp tục có sắc tím với giá mở cửa 6.800 đồng, tức tăng gần 26% so với mức giá chốt của phiên thứ Năm tuần trước. Tuy nhiên, khác với 3 phiên tăng trần vừa qua, lực cung canh bán gia tăng mạnh trong phiên sáng nay, đẩy JVC thoái lui và có lúc về sát mốc tham chiếu 6.400 đồng.
Tuy nhiên, dường như một số nhà đầu tư chưa muốn con sóng tại JVC dừng ở đây, nên đã xuống tiền đẩy JVC trở lại mức giá trần một lần nữa. Dù vậy, lực cung canh bán vẫn rất lớn, khiến JVC gặp khó khăn trong việc giữ được đà tăng trần phiên thứ 4 liên tiếp. Để mã này chắc chắn có được phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp hôm nay, cần phải ít nhất 8,8 tỷ đồng nữa được bơm vào để hấp thụ hết gần 1,2 triệu cổ phiếu dư bán, trong đó gần 1,16 triệu cổ phiếu dư bán giá trần.
Quả thật, sự gay cấn tại JVC không thể sớm dừng lại khi lượng dư bán mà chúng tôi tính toán ở trên đã được hấp thụ một cách nhanh chóng chỉ trong vòng ít phút, đưa JVC trở lại mức giá trần 6.800 đồng. Tuy nhiên, về cuối phiên, một lần nữa lực cầu lại gia tăng mạnh, đẩy JVC thoái lui khỏi mức giá trần khi chốt phiên sáng ở mức 6.700 đồng với hơn 6 triệu đơn vị được khớp.
Trở lại với diễn biến chung của thị trường, sau khi để mất mốc 600 điểm trong phiên hôm qua, nhiều lo ngại về khả năng VN-Index sẽ giảm mạnh trong những phiên sắp tới và rơi về 590 điểm. Tuy nhiên, cũng có một số cho rằng, thị trường sẽ vẫn duy trì đà giảm, nhưng không quá manh, VN-Index có thể giằng co quanh ngưỡng 595 - 600 điểm.
Diễn biến trong nửa đầu phiên giao dịch sáng nay cho thấy, quan điểm thứ 2 đang tạm thời ghi điểm khi VN-Index chỉ lình xình dưới ngưỡng 600 điểm khi áp lực bán giá thấp không quá mạnh.
Kết thúc đợt 1, VN-Index chỉ giảm 0,18 điểm (-0,03%), xuống 599,81 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,27 triệu đơn vị, giá trị 54,29 tỷ đồng.
Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán ở một số mã bluechip và lực chốt lời ở một số mã thị trường vốn đã tăng nóng trong thời gian qua khiến đà giảm của VN-Index được nới rộng, nhưng không mạnh.
Áp lực chốt lời diễn ra, nhưng không quá mạnh, trong khi những nhà đầu tư chưa kịp “lên tàu” đang canh mua những lúc các mã thị trường điều chỉnh, giúp giữ được sự cân bằng cho VN-Index, cũng như các nhóm cổ phiếu cụ thể.
Có thời điểm, VN-Index bị đẩy lùi xuống dưới 595 điểm, nhưng hiện đây vẫn là điểm hỗ trợ khá tốt của VN-Index, nên khi chỉ số này vừa qua ngưỡng 595, lực mua bắt đáy gia tăng, kéo VN-Index trở lại.
Dù vậy, với sắc đỏ chiếm thế áp đảo với 125 mã, trong khi chỉ có 62 mã tăng, VN-Index không thoát khỏi phiên giảm điểm tiếp theo trong sáng nay.
Kết thúc phiên, VN-Index giảm 2,7 điểm (-0,45%), xuống 597,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 78,26 triệu đơn vị, giá trị 1.371 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3 triệu đơn vị, giá trị 118,72 tỷ đồng.
HNX-Index cũng không thể duy trì được sắc xanh khi đóng cửa giảm 0,19 điểm (-0,24%) với 96 mã giảm và chỉ có 51 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,44 triệu đơn vị, giá trị 282,65 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp hơn 1,1 triệu đơn vị, giá trị 14,15 tỷ đồng.
FLC dù rất cố gắng, nhưng trước áp lực chốt lời tương đối mạnh, đã phải chấp nhận đóng cửa phiên sáng trong sắc đỏ khi giảm 1 bước giá, xuống 9.000 đồng với 11,2 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HOSE. Trong khi các mã thị trường khác như HAI, ITA, VHG nghỉ ngơi ở tham chiếu, trong khi HQC, DLG, FIT, KBC, HHS cũng có sắc màu giống FLC khi chốt phiên.
Trong khi đó, MHC lại đang tích cực khi đã được khớp gần 1,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 17.200 đồng. SAM cũng đang giao dịch tích cực cả về điểm số và thanh khoản. VIP sau thông tin thoái vốn khỏi Cảng xanh VIP và 2 dự án bất động sản tại Hải Phòng cũng được nhà đầu tư đặt kỳ vọng sẽ có lãi bất thường nên đang tăng tốt với giao dịch khá sôi động.
Trong khi nhóm cổ phiếu lớn cũng đa số giảm giá, như nhóm ngân hàng, VNM, VIC, MSN, trong khi một số khác chỉ giữ được sắc xanh nhạt như GAS, PVD, REE, GMD, HAG, HPG. Trong đó, VNM có thanh khoản khá tốt với 1,27 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 0,79%, xuống 126.000 đồng, dù có lúc đã giảm 3,15%, xuống 123.000 đồng/cổ phiếu.
Trên HNX, dù đà tăng của HNX-Index bị hãm và chỉ số này đang lùi dần về tham chiếu do tác động của các mã lớn như ACB, NTP, AAA (trong đó một số nhà đầu tư có chút hù dọa thị trường khi đẩy ACB về sàn khi mở cửa với 1 lệnh khớp đơn lẻ), thì các mã thị trường lại có giao dịch khá tích cực. S99, HHG, ITQ, KLF đang có được sắc xanh với thanh khoản tương đối tốt. Trong đó, S99 tăng 4,42%, lên 7.100 đồng với 1,11 triệu đơn vị được khớp, dù có lúc lên mức giá trần 7.400 đồng. Trong khi đó, SCR và KLF là 2 mã có thanh khoản tốt nhất với gần 3 triệu đơn vị và hơn 2,6 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, trong khi SCR tăng 2,3%, lên 8.900 đồng, thì KLF lại đứng ở tham chiếu 4.700 đồng.