Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4, diễn biến thị trường khá xấu khi áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến các chỉ số đều lao dốc mạnh. Tuy nhiên, điểm tích cực chính là dòng vốn ngoại khi khối này đã có phiên rót tiền khá mạnh với tổng giá trị hơn 173 tỷ đồng. Điều này đã phần nào tác động tới tâm lý nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch sáng nay.
Bước vào phiên giao dịch sáng 2/4, cả hai sàn đều mở cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên, sau những phiên giảm điểm liên tiếp, đặc biệt phiên lao dốc hôm qua càng khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn. Dòng tiền tiếp tục trạng thái nhúc nhắc vào thị trường.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng 1,63 điểm (+0,3%) tạm đứng ở mức 540,54 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 1,65 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 19,95 tỷ đồng.
Kịch bản thị trường khá giống phiên hôm qua “xanh là cơ hội thoát hàng”. Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán ngày càng gia tăng khiến đà tăng chững lại và sau gần 50 phút giao dịch, chỉ số VN-Index chính thức trở lại giao dịch trong sắc đỏ.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, thị trường vẫn trong vòng xoáy giảm điểm, áp lực bán vẫn ở mức cao. Theo BVSC, trong ngắn hạn, thị trường cần thêm một vài phiên nữa để có thể lấy lại được trạng thái cân bằng.
Nhờ thông tin giá dầu thô tăng mạnh đã giúp các cổ phiếu dầu khí có những phút đầu giao dịch khởi sắc, nhưng đến thời điểm này, các cổ phiếu chủ chốt như PVD, GAS đều đóng góp vào việc hãm đà tăng của thị trường. Trong khi GAS giảm 1.000 đồng/CP thì PVD giảm nhẹ 200 đồng/CP.
Tuy nhiên, cung giá thấp đã được hãm lại giúp thị trường không giảm điểm mạnh như phiên trước. Dòng tiền vẫn chưa thấy dấu hiệu chảy mạnh khiến thanh khoản duy trì ở mức thấp. Sau hơn nửa thời gian giao dịch phiên sáng, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt hơn 500 tỷ đồng.
Sau hơn nửa thời gian của phiên sáng, tuy sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo so với sắc xanh nhưng với sự hồi phục của các cổ phiếu bluechip đã giúp cả hai sàn lấy lại được sắc xanh nhạt.
Mặc dù cả hai sàn cùng duy trì được sắc xanh nhạt, nhưng thanh khoản thị trường lại rơi xuống mức thấp.
Đóng cửa, VN-Index tăng 1,38 điểm (+0,26%) lên 540,29 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 43,92triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị chỉ đạt 587,51 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp hơn 20 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,21%) lên 80,64 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 19,37 tỷ đồng, trị giá 236,56 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chưa đạt 5 tỷ đồng.
Nhóm VN30 và HNX30 vẫn là các lực đỡ chính của thị trường. VN30-Index tăng 1,62 điểm (+0,28%) lên 571,1 điểm khi có tới 19 mã tăng, 6 mã giảm và 5 mã đứng giá. Còn HNX30-Index tăng 1,1 điểm (+0,73%) đứng ở mức 151,5 điểm với 15 mã tăng, 6 mã giảm và 9 mã đứng giá.
Trong khi GAS vẫn duy trì sắc đỏ với mức giảm đã hãm lại còn 500 đồng, thì PVD lấy lại sắc xanh nhạt với mức tăng 200 đồng. Các cổ phiếu nhỏ khác trong nhóm cũng không còn giảm mạnh như trước. Chỉ PXL giảm sàn, PXI giảm nhẹ 100 đồng, còn lại PXS và PTL trở lại mốc tham chiếu cùng PVT và PXT tăng nhẹ 1-2 bước giá.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng nhúc nhắc tăng. Trong đó, cặp đôi VCB và BID cùng được kéo vượt tham chiếu với mức tăng 300 đồng, còn STB, MBB, EIB cùng có mức giảm nhẹ 100 đồng/CP.
FLC vẫn duy trì đà giảm 100 đồng với khối lượng khớp lệnh đứng đầu thị trường đạt 9,19 triệu đơn vị. Trong khi các cổ phiếu bất động sản khác cũng đồng loạt giảm thanh khoản. Cụ thể, ITA, OGC, DLG cùng tăng nhẹ 1-2 bước giá với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị, còn HQC, KBC chưa khớp tới 1 triệu đơn vị.
Cùng FLC, HAI vẫn là cổ phiếu đóng góp tích cực vào thanh khoản thị trường với khối lượng khớp lệnh đạt 5,84 triệu đơn vị. Tuy áp lực bán mạnh khiến HAI có thời điểm bị kéo chạm sàn nhưng lực cầu gia tăng đã giúp HAI bớt giảm sâu. Đóng cửa, HAI giảm 400 đồng xuống 10.900 đồng/CP.
Tương tự, các cổ phiếu dầu khí trên sàn HNX cũng tăng tích cực. Bên cạnh PVS hỗ trợ tốt cho đà tăng thị trường, hầu hết các cổ phiếu vừa và nhỏ khác cũng đồng loạt tăng điểm như PV2, PVG, PVL, PVR, PVV… Trong đó, PVL được nhà đầu tư nước ngoài mua-bán thỏa thuận hơn nửa triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như VCG, VND, KLS, SCR… cũng là lực đỡ thị trường.
FIT đóng cửa tăng 500 đồng lên 16.500 đồng/Cp với thanh khoản vẫn dẫn đầu toàn sàn đạt hơn 3 triệu đơn vị. Tiếp đó, KLF đứng giá tham chiếu 9.000 đồng/CP và khớp hơn 1,81 triệu đơn vị.
Kịch bản "xanh là cơ hội thoát hàng" được lặp lại khá nhiều trong những phiên gần đây. Vì vậy, phiên tăng điểm hôm nay không đem đến nhiều hứng khởi cho nhà đầu tư, mà chỉ đem đến sự ngờ vực. Liệu có đúng thị trường đã tạo đáy trong phiên hôm qua và bắt đầu hồi phục trở lại hay không, hay đây chỉ là chiêu "vừa đấm, vừa xoa" của các tay to nhằm mục đích thoát hàng? Chúng ta hãy chờ xem!