Các chỉ số đều khởi động trong sắc đỏ khi bước vào phiên giao dịch sáng nay sau phiên giảm điểm khá mạnh trước đó và cũng là phiên giảm thứ 3 liên tục. Dòng tiền cũng đã cho thấy sự thận trọng cao khi lượng khớp lệnh đầu phiên khá thấp.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,17 điểm (-0,03%) về 570,74 điểm với chỉ 3,4 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 34,15 tỷ đồng.
Được đánh giá là ngưỡng hỗ mạnh cho thị trường ở thời điểm hiện tại, nên ngay sau khi giảm điểm, VN-Index đã dần hồi trở lại, với lực đỡ chính đến từ các một số cổ phiếu lớn và bluechips.
Các mã như VNM, GAS, PVT, FPT, HSG, REE, HCM, EIB, BID… đồng loạt tăng điểm dù không mạnh, song cũng đủ để đẩy chỉ số.
Ngược lại, một số mã khác là VIC, VCB, BVH, KDC, PVD, NT2, SBT…đều giảm điểm, nên chỉ số chưa thể bật hẳn lên.
SBT đang giảm mạnh 800 đồng, VIC giảm 300 đồng…Tuy nhiên, VNM đang tăng 1.000 đồng và là đầu tàu trong việc kéo chỉ số. Cũng chính VNM là nguyên nhân chính kéo thị trường giảm mạnh trong phiên hôm qua 22/3.
Trong khi sức cầu chung của thị trường đang yếu, thì các mã có vốn hóa lớn như VNM, MSN, GAS, VIC có ảnh hưởng mạnh đến thị trường. Hiện tại, VMN, GAS đang có được đà tăng khá ổn.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đang nỗ lực lấy lại đà tăng. Hiện chỉ còn PVB, PVC giảm điểm nhẹ, còn lại là đứng tham chiếu và tăng điểm nhẹ.
Mặc dù thị trường đang có dấu hiệu hồi phục, song thanh khoản lại rơi vào tình trạng èo uột bởi dòng tiền vào thị trường hết sức thận trọng. Sau 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn chỉ hơn 500 tỷ đồng.
Dòng tiền đang chỉ tập trung vào một vài mã có tính đầu cơ như FLC, ITA, VHG, SHI… giúp các mã này khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu khoáng sản tiếp tục có được đà tăng tốt, trong đó có các mã thị giá nhỏ như LCM, KSH, BGM, BAM, KSQ, KSK đang đồng loạt tăng trần.
Tại thời điểm 10h, VN-Index tăng 1,02 điểm (+0,18%) lên 571,93 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt 34,4 triệu đơn vị, giá trị 457,4 tỷ đồng. HNX-Index đang giảm nhẹ 0,03 điểm (-0,04%) về 80,33 điểm với chỉ 12,25 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 111,8 tỷ đồng.
Dần về cuối phiên, thị trường diễn biến giằng co khá mạnh quanh mốc tham chiếu, khi mà lực đỡ từ một số cổ phiếu lớn vẫn được duy trì, còn lượng cung giá thấp dần được gia tăng. Mặc dù vậy, với tâm lý khá ổn định, các chỉ số vẫn giữ được sắc xanh.
Đây là tín hiệu khá tích cực cho thị trường ở thời điểm hiện tại, cho dù dòng tiền vẫn hết sức thận trọng. Sự thận trọng của nhà đầu tư cũng là dễ hiểu khi mà thị trường chứng khoán toàn cầu đang chịu ảnh hưởng từ tình hình chính trị thế giới sau vụ các vụ đánh bom liên tiếp diễn ra tại Bỉ vừa qua.
Kết thúc phiên sáng, với 111 mã tăng và 85 mã giảm, VN-Index tăng 1,9 điểm (+0,33%) lên 572,81 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 1,41 điểm (+0,24%) lên 579,38 điểm với 15 mã tăng và 10 mã giảm.
Tổng giá trị giao dịch đạt 78,93 triệu đơn vị, giá trị 1.183,6 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,7 triệu đơn vị, giá trị 119 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận 1,65 triệu cổ phiếu HQC, giá trị 9,9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 0,5 triệu trái phiếu BID10306, giá trị 49,5 tỷ đồng.
Tương tự, với 92 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 0,09 điểm (+0,12%) lên 80,46 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,15 điểm (+0,1%) lên 143,87 điểm với 11 mã tăng và 8 mã giảm.
Tổng giá trị giao dịch đạt 28,46 triệu đơn vị, giá trị 266,9 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ là 3,19 tỷ đồng.
Các mã vốn hóa lớn là VNM, MSN, GAS đều tăng khá mạnh về cuối phiên và là các động cơ chính giúp VN-Index tăng tốt ở cuối phiên sáng. VNM và MSN cùng tăng 1.000 đồng, GAS tăng 800 đồng.
Cùng với đó, các mã BID, REE, SSI, MBB, KDC, CTG, EIB… cũng đồng loạt tăng điểm để hỗ trợ chỉ số. SSI tăng 100 đồng lên 21.700 đồng/CP và khớp 1,15 triệu đơn vị.
Ngược lại, các mã như VIC, VIC, VCB, FPT, HPG, HSG, SBT, BVH… lại giảm điểm, tạo lực cản mảnh cho đà tăng của chỉ số.
Giá thép đang tăng mạnh, giúp nhiều cổ phiếu thép có được đà tăng khá tốt, song HPG lại đi ngược xu thế khi bị bán khá mạnh nên giảm 300 đồng về 29.200 đồng/CP và khớp được 1,08 triệu đơn vị.
Theo thông tin từ Hòa Phát, ngày hôm nay 23/3, nhà máy cán thép tại Hải Dương đã chính thức chạy thử mẻ thép đầu tiên, dự kiến từ tháng 4 tới sẽ cung ứng thêm 60.000 tấn thép thành phẩm mỗi tháng cho thị trường, góp phần bình ổn giá thép đang tăng nóng.
Đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, ngoài GAS và PVT, nhóm này cũng đã có sự hồi phục nhẹ khi PVD, PVS đã tăng trở lại, còn PVG, PLC, PVX đứng giá tham chiếu.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giao dịch vẫn chỉ tập trung tại một số mã đầu cơ. FLC dẫn đầu thị trường với hơn 5,75 triệu đơn vị được khớp. HAI tăng kịch trần lên 5.400 đồng/CP, KLF tăng 100 đồng và cả 2 đều khớp trên 2,4 triệu đơn vị.
Các mã ITA và KBC, VHG, BHS, SBT, SCR… cũng đều được khớp lệnh mạnh.
Nhóm cổ phiếu khoáng sản và ô tô vẫn duy trì sức hút. Các mã LCM, KSH, BGM, BAM, KSQ, KSK, KHL, TMT, HTL, GGG, TIE đồng loạt giữ vững sắc tím. KSA chỉ đứng giá tham chiếu, song khớp được 2,28 triệu đơn vị.