Theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố cuối giờ chiều ngày thứ Sáu tuần trước (18/7), 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 71,11 tỷ USD, tăng 15,3%, trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 69,60 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung, 6 tháng đầu năm 2014, cán cân thương mại hàng hóa đạt mức thặng dư gần 1,51 tỷ USD.
Thông tin này đã phần nào hỗ trợ cho thị trường trong phiên đầu tuần. Sắc xanh bao phủ trên bảng điển tử ngày từ đầu phiên, giúp VN-Index nhanh chóng chinh phục mốc 600 điểm. Tuy nhiên, khi tiếp cận vùng kháng cự tâm lý mạnh này, áp lực chốt lời đã gia tăng, đẩy VN-Index thoái lùi và sắc đỏ dần chiếm ưu thế. Vào cuối phiên chiều, chỉ nhờ có sự hỗ trợ của GAS, VNM và VIC, VN-Index mới chinh phục thành công mốc 600 điểm, dù sắc xanh ít hơn sắc đỏ trên bảng điện tử.
Áp lực chốt lời gia tăng trong phiên đầu tuần, cùng với diễn biến không mấy tích cực của chứng khoán toàn cầu trong phiên đầu tuần khiến nhà đầu tư trong nước trở nên thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới.
Đánh giá về phiên giao dịch này, đa số công ty chứng khoán đều cho rằng, áp lực điều chỉnh ngắn hạn sẽ diễn ra khi các chỉ số đã chạm các vùng kháng cự mạnh, với VN-Index là 600 – 610 điểm và với HNX-Index là 80-81 điểm. Mặc dù vậy, xu hướng chính của thị trường trong trung và dài hạn vẫn là tăng điểm.
Đúng như nhận định của các công ty chứng khoán, VN-Index giảm ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay với thanh khoản nhỏ giọt.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,74 điểm (-0,29%), xuống 599,30 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,36 triệu đơn vị, giá trị gần 40 tỷ đồng. Trong khi đó, HNX-Index lại có được sắc xanh nhẹ khi mở cửa phiên sáng nay, trước khi quay đầu giảm điểm do ảnh hưởng từ sàn HOSE.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, diễn biến không có nhiều thay đổi, sự thận trong của bên mua khiến thanh khoản thị trường chỉ diễn ra nhỏ giọt, sắc đỏ vẫn nhiều hơn sắc xanh, nhưng không quá áp đảo. Tuy nhiên, những mã lớn hỗ trợ cho thị trường trong phiên đầu tuần như GAS, VIC, VNM không còn giữ được phong độ, mà đã quay đầu giảm nhẹ khiến VN-Index vẫn chìm trong sắc đỏ trong gần 1 tiếng đồng hồ giao dịch đầu tiên.
Dù vậy, với sự trở lại của các bluechip khác như HAG, cũng như GAS, VIC về được tham chiếu, trong khi MSN thậm chí có lúc có sắc xanh giúp đà giảm của VN-Index được hãm lại và lấy lại được mốc 600 điểm.
Tuy nhiên, sau đó, các mã lớn cũng bị đẩy xuống tham chiếu hoặc giảm giá, khiến VN-Index cuối cùng cũng đánh mất mốc 600 điểm.
Kết thúc phiên sáng,VN-Index giảm 2,45 điểm (-0,41%), xuống 598,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,21 triệu đơn vị, giá trị 824,8 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,6 triệu đơn vị, giá trị 92,9 tỷ đồng. VN30-Index giảm 2,13 điểm (-0,33%), xuống 643,2 điểm.
HNX-Index cũng giảm 0,32 điểm (-0,39%), xuống 80,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27 triệu đơn vị, giá trị 326,7 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận cũng khá sôi động với hơn 7,1 triệu đơn vị, giá trị 74,7 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,99 điểm (-0,6%), xuống 163,05 điểm.
FLC sau thông tin được bổ sung vào rổ VN30 kỳ 2/2014 đã có lúc tăng lên gần mức giá trần 13.300 đồng trước khi hạ nhiệt do chịu áp lực cung chung của thị trường, đóng cửa chỉ còn tăng 300 đồng (+2,33%), lên 12.800 đồng với hơn 6,7 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, dù có mức tăng lúc đầu phiên sau khi cùng FLC được bổ sung vào rổ VN30, nhưng lực mua kém đã khiến HCM quay đầu giảm điểm giống các mã chứng khoán khác.
HAG gây ấn tượng mạnh khi bất ngờ nhận được lực cầu tốt, kéo mã này từ dưới tham chiếu, lên mức cao nhất nửa đầu phiên là 26.100 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 25.800 đồng, tăng 400 đồng (+1,57%), với lượng khớp khá tốt hơn 3,65 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cùng nhận được lực cầu tốt từ khối ngoại, nhưng HT1 tăng nhẹ, trong khi VNE giảm mạnh, có lúc xuống mức sàn 6.400 đồng trước khi đóng cửa ở mức 6.500 đồng với 1,9 triệu đơn vị được khớp.
Theo thông tin công bố trên HOSE hôm qua (21/7), VNE đã tiến hành chuyển nhượng 27,738 triệu cổ phần tại công ty con là CTCP Đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO, tương ứng chuyển nhượng 90% vốn của công ty con này, thu về trên 171 tỷ đồng. Chính do việc thoái vốn này khiến VNE lỗ nặng 106,4 tỷ đồng, khiến quý II lỗ 103 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng lỗ 102,7 tỷ đồng.
Trái ngược với VNE, KMR lại có kết quả kinh doanh quý II tốt, lãi sau thuế 8,96 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, KMR lãi sau thuế 6 tỷ đồng, tăng tới 170% so với cùng kỳ.
Với kết quả kinh doanh này, không khó hiểu việc KMR được săn đón và tăng lên mức giá trần 7.200 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần khá lớn.
Tương tự, với lợi nhuận sau thuế quý II đạt 26 tỷ đồng, tăng tới 46% so với cùng kỳ, giúp NKG tăng trần lên 10.200 đồng và vẫn còn dư mua giá trần.
Trên HNX, trong 5 mã có lượng khớp trên 1 triệu đơn vị sáng nay, chỉ mỗi KLF tăng nhẹ 200 đồng và cũng là mã được khớp lớn nhất với 2,3 triệu đơn vị.