Kể từ mức đáy đầu tháng 3 (3/3) đến phiên cuối tuần qua (18/3), HNG đã tăng hơn 33%, từ mức 7.500 đồng, lên mệnh giá 10.000 đồng. Đà tăng của HNG được duy trì tốt bất chấp thông tin kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý IV/2015. Việc HNG tăng mạnh một phần do lực cầu bắt đáy khi mã này giảm mạnh gần 76%, từ mức 31.000 đồng (ngày 2/11/2015), xuống 7.500 đồng vào đầu tháng 3 vừa qua, một mặt do nhà đầu tư đón sóng khi dự đoán mã này sẽ được V.N.M thêm vào danh mục.
Tuy nhiên, sau chuỗi tăng giá ấn tượng với mức tăng trên 33%, HNG đã chịu áp lực chốt lời mạnh khi bước vào tuần giao dịch này.
Lực bán mạnh tiếp tục được duy trì khi bước vào phiên sáng nay, đẩy HNG tiếp tục về mức sàn 8.700 đồng. Tuy nhiên, lực bán sau đó đã bớt dần, giúp HNG thoát khỏi sắc xanh mắt mèo.
Trong khi đó, BGM lại tiếp tục thăng hoa với phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp, lên 3.500 đồng và còn dư mua trần gần 1,4 triệu đơn vị. Tương tự, sắc tím cũng tiếp tục được duy trì tại LCM, TIE, KSH, TMT.
Trở lại với diễn biến chung của thị trường sáng nay, áp lực bán khá mạnh ngay đầu phiên khiến VN-Index gặp khó, nhưng nhờ sự hỗ trợ của VCB và VIC, nên chỉ số này vẫn mở cửa với sắc xanh nhạt.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,43 điểm (+0,08%), lên 572,7 điểm với 5 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 46 tỷ đồng.
Sau khi cầm cự được trong ít phút khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index đã nhanh chóng bị đẩy lùi xa khi VCB và VIC cũng quay đầu giảm giá.
Trên bảng điện tử, độ rộng của thị trường trong 45 phút đầu tiên khá cân bằng, nhưng sau đó, áp lực bán ra tăng đã khiến sắc đỏ dần chiếm thế áp đảo, gấp 3 lần số mã tăng. Gần như toàn bộ số mã bluechip đều đang giao dịch dưới tham chiếu, khiến VN-Index mất mốc 570 điểm và đang lùi dần về ngưỡng 565 điểm.
Tương tự, sắc đỏ cũng chiếm thế chủ đạo trên bảng điện tử của sàn HNX. Trong nhóm HNX30 cũng chỉ lác đác vài sắc xanh nhạt, còn lại đa số đều giảm giá, khiến HNX-Index cũng không còn giữ được mốc 80 điểm.
Sau khi VN-Index lùi về mức 568 điểm, lực mua đã gia tăng, giúp chặn đà rơi của thị trường. VN-Index sau đó tiến dần về mốc tham chiếu khi VIC, VCB, GAS và một số mã bluechip khác hãm đà giảm, hoặc về tham chiếu. Trong khi đó, với sự hỗ trợ của PVS, SHB, AAA và ACB về tham chiếu, HNX-Index đã đảo chiều thành công.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 0,71 điểm (0,12%), xuống 571,56 điểm với 87 mã tăng và 108 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 81,4 triệu đơn vị, giá trị 1.211,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4 triệu đơn vị, giá trị 98 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (0,02%), lên 80,32 điểm với 65 mã tăng, trong khi có tới 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,87 triệu đơn vị, giá trị 318 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,1 triệu đơn vị, giá trị 29,7 tỷ đồng.
Nhờ diễn biến chung của thị trường, HNG cũng thoát khỏi mức giá sàn khi chốt phiên ở mức 9.000 đồng, giảm 3,23% với 3,4 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, HAG chủ yếu giằng co quanh tham chiếu và đóng cửa ở mức giá này với 2,15 triệu đơn vị được khớp.
Các mã thị trường cũng dao động trong biên độ hẹp sáng nay, trong đó FLC đứng ở tham chiếu 6.800 đồng với 5,7 triệu đơn vị được khớp, DLG, VHG tăng nhẹ 1 bước giá với 4,34 triệu đơn vị và 4,12 triệu đơn vị được khớp.
Trong nhóm cổ phiếu lớn, sau khi chịu áp lực chung, 3 mã VIC, VCB và GAS đã lấy lại sắc xanh, dù đà tăng nhẹ hơn nhiều so với phiên hôm qua. Số khác như VNM, BID chỉ còn giảm nhẹ 1 bước giá.
Trong khi đó, BGM, TIE, LCM, KSH, TMT vững vàng ở sắc tím khi không còn thêm nhà đầu tư nào ra hàng.
Trên HNX, việc giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên sáng nay trên thị trường châu Á, cùng lực mua từ khối ngoại giúp PVS hồi phục trở lại và chốt ở mức giá cao nhất phiên 16.900 đồng, tăng 1,2%. AAA sau thông tin ĐHCĐ có tính tới chuyện nới room cũng tăng khá mạnh 1,82%, lên 16.800 đồng. Ngoài ra, SHB cũng trở lại với sắc xanh và chốt phiên ở mức giá cao nhất phiên sau khi lình xình quanh tham chiếu cũng giúp hỗ trợ cho HNX-Index phục hồi thành công.