Giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây biến động tăng liên tục khiến cho giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu chênh lệch so với giá bán. Vào tối qua (ngày 20/5), Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã có công văn chính thức về việc điều chỉnh tăng giá xăng thêm 1.200 đồng/lít lên 20.430 đồng/lít. Thông tin này sẽ tác động tới tâm lý nhà đầu tư khiến thị trường giao dịch thận trọng hơn.
Trong khi đó, sau phiên bùng nổ cả về điểm số và thanh khoản hôm qua, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra lo áp lực chốt lời gia tăng, nên tỏ ra thận trọng hơn khiến thị trường lại rơi vào trạng thái giao dịch khá trầm lắng.
Theo nhận định của IVS, áp lực bán sẽ ngày càng gia tăng nếu như cổ phiếu tiếp tục tăng, bởi không đơn giản để tăng nhanh đến như vậy. Nhưng ở phiên ngày 21/05 thì sự phân hóa lại đến và nhiều khả năng nhóm đầu cơ tăng giá còn nhóm cơ bản lại giảm. Sự chùng xuống của thị trường là điều cần thiết nhưng mức độ tấm lý hiện nay sẽ không khiến thị trường sụt giảm quá mạnh.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, cả hai sàn đều duy trì sắc xanh nhạt với thanh khoản chỉ nhúc nhắc và vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng nhẹ 0,89 điểm (+0,16%) lên 550,99 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,85 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 46,46 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng thị trường được củng cố hơn nhờ lực đỡ từ các cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, sau hơn 40 phút giao dịch, áp lực chốt lời bắt đầu gia tăng khiến VN-Index rung lắc và giằng co quanh mốc tham chiếu. Nhóm cổ phiếu bluechip không còn là trụ đỡ chính của thị trường với nhiều trụ cột chuyển đỏ như VNM, HPG, HAG, BVH, GAS…
Trong khi đó, sóng cổ phiếu chứng khoán không hề giảm. Các cổ phiếu đầu ngành vẫn tiếp tục tỏa sáng như HCM và BSI cùng tăng trần ở những phút đầu giao dịch với lượng dư mua trần khá lớn; còn SSI cũng có thời điểm gần chạm trần và hiện đang tăng 600 đồng (+2,93%) với thanh khoản tích cực đạt gần 2 triệu đơn vị…
Dòng tiền đầu cơ vẫn là điểm sáng của thị trường. FLC với những thông tin hỗ trợ tích cực trước đó vẫn tiếp sức cho cổ phiếu này duy trì đà tăng mạnh. Tuy không còn giữ sắc tím như đầu phiên nhưng FLC cũng tăng khá tích cực với mức tăng 400 đồng (4%) với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu toàn sàn đạt 7,28 triệu đơn vị sau 1 giờ giao dịch. Trong khi đó, OGC vẫn lình xình ở mốc tham chiếu với khối lượng khớp chưa tới 1 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu đầu cơ khác như DLC, HAI, HQC, VHG đều có khối lượng khớp lệnh 1-2 triệu đơn vị.
Tương tự trên sàn HNX, HNX-Index cũng lùi về mốc tham chiếu khi nhóm cổ phiếu bluechip đang dần đảo chiều. Trong khi các cổ phiếu chủ chốt ngành dầu khí giảm nhiệt đáng kể với mức tăng chỉ duy trì 1-2 bước giá thì nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn có những điểm sáng tích cực. Cụ thể, VIX tăng trần với khối lượng khớp lệnh đạt 1,93 triệu đơn vị; SHS tăng 400 đồng (+5,71%) và khớp hơn 1 triệu đơn vị; VND tăng 100 đồng (+0,89%) và khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Các cổ phiếu đầu cơ vẫn là tâm điểm dòng tiền. Cặp đồi KLF và FIT dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp hơn 4,3 triệu đơn vị và 2,48 triệu đơn vị. Hiện KLF tăng nhẹ 100 đồng trong khi FIT quay đầu giảm 400 đồng (-2,76%).
SHN sau 2 phiên tăng trần liên tiếp đã trở lại mốc tham chiếu 7.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 900.000 đơn vị.
Dù hơn nửa phiên sáng, cả hai sàn đều lình xình giằng co quanh mốc tham chiếu nhưng nhờ lực đỡ từ một số cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index giữ được mốc 550 điểm trong khi HNX-Index cũng lấy lại được sắc xanh nhạt. Thanh khoản trên HOSE sụt giảm khá mạnh trong khi dòng tiền vào HNX khá tích cực, tăng nhẹ so với phiên sáng hôm trước.
Đóng cửa, VN-Index tăng nhẹ 0,03 điểm (+0,01%) lên 550,13 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 60,33 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 838,1 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới 7 tỷ đồng. VN30-Index tăng 0,24 điểm (+0,94%) lên 572,58 điểm với 8 mã tăng, 12 mã giảm và 10 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,09 điểm (+0,11%) lên 79,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 30,11 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 312,38 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 3 triệu đơn vị, trị giá 19,35 tỷ đồng. Trong đó, HKB thỏa thuận 2,2 triệu đơn vị, trị giá 14,74 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,21 điểm (+0,14%) lên 149,62 điểm với 10 mã tăng, 13 mã giảm và 6 mã đứng giá.
Các cổ phiếu bluechip giữ nhịp cho thị trường như PVD tăng 500 đồng (+0,99%), HSG tăng 400 đồng (+1,11%) và các cổ phiếu ngân hàng gồm VCB tăng 400 đồng (+1,01%), BID, CTG và EIB cùng tăng 200 đồng.
Dòng tiền tiếp tục hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu chứng khoán. Các cổ phiếu trong nhóm này đều duy trì tốt đà tăng cả giá và thanh khoản như HCM tăng trần với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị và dư mua trần gần 300.000 đơn vị; SSI tăng 700 đồng (+3,41%) và khớp 3,17 triệu đơn vị; BSI tăng trần và khớp 156.750 đơn vị; TVS và AGR cùng nhích một bước giá.
Trong khi đó, áp lực chốt lời cũng khiến FLC hãm đà tăng và lùi về gần mốc tham chiếu. Đóng cửa, FLC tăng 200 đồng (+2%) lên 10.200 đồng. Tuy nhiên, thanh khoản lại khá tích cực khi giao dịch của hầu hết các cổ phiếu đều đi xuống thì FLC lại không ngừng tăng lên với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,5 triệu đơn vị, trong khi phiên sáng qua khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu đầu cơ khác cũng đều nhích trên mốc tham chiếu với khối lượng giao dịch tiếp tục tăng như DLG, DXG, HAI, HQC, VHG… Trong đó, HAI khớp hơn 3,2 triệu đơn vị, DLG và VHG cùng khớp hơn 2,2 triệu đơn vị, còn lại các cổ phiếu khác cũng đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Hôm nay (ngày 21/5) là ngày chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% của AGM, cổ phiếu này đã thực hiện điều chỉnh giá trong phiên. Đây là phiên thứ 2 tăng trần liên tiếp của AGM, tuy nhiên thanh khoản khá thấp khi chủ khớp 920 đơn vị.
Trên sàn HNX, các cổ phiếu bluechip hỗ trợ tích cực cho đà tăng thị trường như PVS tăng 300 đồng (+1,21%), VND tăng 200 đồng (+1,79%), ACB tăng 200 đồng (+1,24%), SHS tăng 400 đồng (5,71%) và các cổ phiếu khác nhích nhẹ 1 bước giá như KLS, BVS, PGS…
Cổ phiếu đáng chú ý trong nhóm chứng khoán là VIX giữ sắc tím với khối lượng khớp lệnh đạt 2,24 triệu đơn vị và dư mua trần 17.200 đơn vị.
KLF vẫn cầm đầu thanh khoản trên sàn với khối lượng khớp lệnh đạt 5,56 triệu đơn vị và giá cổ phiếu này lùi về sát mốc tham chiếu với mức tăng nhẹ 100 đồng/CP. Trong khi đó, FIT trở lại mốc tham chiếu và khớp 3,75 triệu đơn vị.