Bước vào phiên giao dịch sáng nay, nhiều dự đoán rằng các chỉ số đang đi vào vùng tích lũy, và nếu, biến động các chỉ số là nhỏ kèm theo thanh khoản thấp sẽ xác nhận điều này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy áp lực bán vẫn khá cao. Thông tin tích cực nhận được là khối ngoại đã bắt đầu mua ròng trở lại, dù khá nhỏ. Ngoài ra, nhiều mã công bố kết quả kinh doanh rất khả quan.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm 3,07 điểm (-0,58%) xuống 526,37 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,59 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 57,33 tỷ đồng.
Diễn biến thị trường không mấy cải thiện khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục. Thông tin tiêu cực từ giá dầu thế giới lao dốc xuống dưới mốc 27 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 13 năm trở lại đây tiếp tục khiến các cổ phiếu trong nhóm dầu khí rớt điểm. Tuy nhiên, tác động này không quá bất ngờ và đột ngột mà đã trải qua một quá trình dài nên diễn biến giá các cổ phiếu dầu khí không rớt thảm.
Ngoại trừ PVB chịu thêm tác động của thông tin kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý IV/2015 khiến mã này lùi về sát sàn với mức giảm lên tới 9% thì các mã còn lại vẫn cầm chừng như PVD, GAS, PVS cùng giảm hơn 1%, PVC giảm 2,73%...
Thị trường đang có dấu hiệu hồi sức, bên cạnh sắc xanh của VIC, trong nhóm VN30 đón nhận thêm một số tín hiệu xanh nhạt của các mã như MBB, FPT, cặp thành viên mới gia nhập là SBT và NT2,… Tuy nhiên, lực cầu khá yếu khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều trở lại xu thế giảm điểm.
Chốt phiên sáng, Vn-Index giảm 0,74 điểm (-0,14%) xuống 528,7 điểm với thanh khoản giảm so với phiên trước đạt 72,37 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 875,27 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,71 triệu đơn vị, trị giá 127,63 tỷ đồng với sự đóng góp lớn của 5 triệu cổ phiếu ASM, trị giá 83 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,53%) xuống 73,54 điểm. Thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện với tổng khối lượng hơn 21 triệu đơn vị, trị giá 193,95 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt gần 19 tỷ đồng.
Mặc dù trong nhóm VN30, nhiều mã vẫn giữ được sắc xanh nhưng với biên độ tăng khá hạn chế từ 1-3 bước giá, ngoại trừ MSN hồi phục mạnh với mức tăng hơn 2% lên 73.000 đồng nhưng giao dịch khá thấp chưa tới 50.000 đơn vị. Chính vì vậy, sức kéo của bluechip chưa đủ mạnh để giúp VN-Index giữ nổi sắc xanh trước lượng cung hàng vẫn còn khá lớn.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, chứng khoán cũng không còn giảm sâu, nhiều mã trở lại trạng thái cân bằng giúp VN-Index hãm mạnh đà giảm. Trong vùng giảm giá, chỉ còn PVB vẫn giảm sâu bởi tác động của thông tin kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý IV/2015, với biên độ giảm 8,61%, còn lại các mã khác cầm chừng trong biên độ một vài bước giá.
HAG mặc dù đã thoát được giảm sàn nhưng lực bán giá đỏ khá lớn khiến cổ phiếu này vẫn chưa tìm thấy đáy. Chốt phiên HAG giảm 4,44% xuống 8.600 đồng/CP với khối lượng khớp 4,71 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn hoạt động sôi động hơn. Cụ thể, FLC dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 9,3 triệu đơn vị và chốt phiên giảm nhẹ 1 bước giá. Trong khi đó, cặp đôi JVC và OGC tiếp tục song hành sắc tím.
Liệu JVC có thể lấy lại được những gì đã mất sau 8 phiên nằm sàn. Hiện JVC đã ghi nhận phiên tăng trần thứ 3 và đứng ở mức giá 4.000 đồng/Cp, tăng 5,3% và khớp 1,52 triệu đơn vị. Trong khi OGC khớp 5,54 triệu đơn vị và đứng giá 3.800 đồng/CP, tăng 5,56%.
Trên sàn HNX, PVS là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 1,33 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Chốt phiên, PVS giảm 200 đồng (-1,5%) xuống 13.100 đồng/CP.