Bước vào phiên sáng nay, sự thận trọng vẫn được thể hiện rất rõ trong cách giao dịch của nhà đầu tư. Cả bên bán và bên mua đều chỉ đặt những lệnh thăm dò là chủ yếu, mã gây đột biến trong đợt ATO như HQC cũng “lặng tiếng”.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,17 điểm (-0,2%), xuống 572,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 1,4 triệu đơn vị, giá trị 26,3 tỷ đồng.
Sự thận trọng là điều dễ hiểu, bởi hôm nay là ngày tất toán danh mục của các quỹ ETFs và dù các quỹ này cũng đã túc tắc thực hiện giao dịch trong tuần, nhưng thông thường, khối này sẽ đồng loạt giao dịch trong ngày cuối, nhất là ở đợt ATC.
Việc VN-Index mở cửa trong sắc đỏ, cùng sự thận trọng của nhà đầu tư khiến nhiều người lo lắng mốc kháng cự gần nhất là 570 điểm sẽ bị xuyên thủng trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, lực cung giá thấp đã được tiết giảm, giúp VN-Index bật trở lại khi rơi xuống 572 điểm.
Độ rộng của thị trường trong nửa đầu phiên sáng khá hẹp, dù vậy, nhờ sự hỗ trợ của các mã ngân hàng và một số mã cổ phiếu lớn khác như BVH, DPM, FPT, đà rơi của VN-Index đã được tạm chặn lại, thậm chí chỉ số này còn đảo chiều tăng điểm, nhưng mức tăng không chắc chắn.
Việc VN-Index đảo chiều ngoài sự hỗ trợ của các mã lớn, chủ yếu là do bên bán tiết cung giá thấp, hơn là do dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực. Chính điều này khiến thanh khoản thị trường vẫn khá cầm chừng.
Tương tự sàn HOSE, chỉ số HNX-Index trên HNX cũng lình xình dưới tham chiếu trong 1 tiếng đầu phiên giao dịch trước khi đảo chiều tăng nhẹ trở lại nhờ tín hiệu tích cực từ HOSE. Thanh khoản trên sàn này cũng khá thấp với chưa tới 50% số mã niêm yết có giao dịch sau 1 tiếng đồng hồ.
Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 1,43 điểm (+0,25%), lên 575,17 điểm với 89 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,8 triệu đơn vị, giá trị 700,76 tỷ đồng. HNX-Index tăng 0,21 điểm (+0,25%), lên 84,81 điểm với 65 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,8 triệu đơn vị, giá trị 241,5 tỷ đồng.
Độ rộng của nhóm VN30 và HNX30 cũng nới rộng dần vào cuối phiên. Tuy nhiên, biên độ dao động của các mã này không lớn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù trở lại, nhưng chủ yếu là 1 - 2 bước giá, ngoại trừ STB có mức tăng 3 bước giá, dù mã này nằm trong danh sách bán ra khá mạnh của VNM ETFs. Thanh khoản của nhóm này cũng không tốt, chỉ mỗi CTG có lượng khớp trên 1 triệu đơn vị.
Tương tự là tại DPM, dù cũng nằm trong danh sách bán ròng của VNM ETF, nhưng vẫn duy trì sắc xanh tốt trong phiên sáng nay. Bên cạnh đó, còn phải kể đến các mã lớn khác hỗ trợ cho VN-Index đảo chiều là HAG, BVH, SSI, HCM…
FLC sau phiên giảm mạnh hôm qua, cũng đang có dấu hiệu hồi phục tích cực trong phiên hôm nay. Đây là mã được VNM ETF mua ròng vào trong đợt tái cơ cấu danh mục lần này. Đóng cửa, FLC tăng 200 đồng, lên 11.800 đồng với 7,3 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, KDC và KBC, 2 mã được VNM ETF thêm vào danh mục lần này vẫn khá yên bình. Trong khi KDC có được mức tăng 300 đồng, thì KBC đứng ở tham chiếu, thanh khoản cả 2 cũng không có gì đáng chú ý.
Cổ phiếu HAI sau chuỗi giảm mạnh trước đó, sáng nay bất ngờ hồi phục tốt, đóng cửa sát mức giá trần với hơn 2,9 triệu đơn vị được khớp. TSC cũng đóng cửa ở mức trần với hơn 0,7 triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, sự phân hóa diễn ra trong nhóm dầu khí, các mã dẫn dắt khác như KLF, FIT, SHB, cũng giao dịch khá cầm chừng. Sau gần 90 phút giao dịch, chỉ có 3 mã trên sàn này có lượng khớp trên 1 triệu đơn vị là KLF, FIT và HUT. Trong đó, KLF được khớp lớn nhất cũng chỉ hơn 2 triệu đơn vị.
Nhìn chung, giao dịch phiên sáng nay khá cầm chừng và dường như đang có những lực đỡ giá ở các mã lớn để giúp thị trường không giảm sâu, làm ảnh hưởng đến hoạt động tất toán danh mục của các quỹ ETFs. Nhiều khả năng, thị trường sẽ tiếp tục được giữ ở thế cân bằng trong phiên giao dịch chiều và đột biến sẽ xảy ra trong đợt ATC.