Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với phôi thép và thép dài. Mức thuế tự vệ chính thức đối với phôi thép được giữ nguyên ở mức 23,3%, trong khi mức thuế đối với thép dài tăng nhẹ từ 14,2% lên 15,4%.
Trước đó, tháng 3, với theo yêu cầu của 4 doanh nghiệp sản xuất, bao gồm: Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý, Bộ Công thương đã áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế 23,3% đối với phôi thép và14,2% đối với thép dài dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung.
Quyết định trên, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản đã giúp giá thép tăng mạnh trong nửa đầu năm nay và giúp nhiều doanh nghiệp ngành thép có lợi nhuận đột biến. Cụ thể, 6 tháng đầu năm TLH lãi 260 tỷ đồng, hơn thành gần 87% kế hoạch lợi nhuận cả năm; SMC cũng báo lãi 228 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Hai đại gia trong ngành thép xây dựng và tôn mạ là HPG và HSG cũng được dự báo sẽ có lãi cả nghìn tỷ đồng trong năm nay, vượt qua kế hoạch đề ra.
Với những thông tin trên, nhóm cổ phiếu thép đã có chuỗi tăng giá ấn tượng thời gian qua và đầu phiên sáng nay. Tuy nhiên, sau đó, đà tăng của nhóm cổ phiếu này đã hạ nhiệt trước áp lực chốt lời diễn ra khá mạnh. Hiện các mã này đang lùi dần về tham chiếu, thậm chí HSG đã có lúc chuyển sắc đỏ.
Cụ thể, chốt phiên sáng, HPG tăng nhẹ 1 bước giá, lên 42.400 đồng với 2,69 triệu đơn vị được khớp, SMC cũng chỉ còn tăng 1,19%, lên 16.900 đồng, TLH cũng chỉ còn tăng 1 bước giá lên 12.200 đồng với 1,58 triệu đơn vị được khớp, tích cực nhất là VIS tăng 4,12%, lên 12.500 đồng, nhưng đây là mức giá gần thấp nhất phiên của mã này (VIS mở cửa ở mức trần 12.800 đồng). Trong khi đó, HSG lại đảo chiều giảm 1,57%, xuống 44.000 đồng 1,19 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường nổi sóng hôm qua cũng nhanh chóng lặn trong phiên sáng nay. TSC có lúc cũng lên sát giá trần, nhưng với áp lực chốt lời ngắn hạn lớn, mã này cũng đã hạ nhiệt. Chốt phiên, TSC tăng 3,17%, lên 6.500 đồng với 1,46 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi các mã thị trường khác như FLC, DLG, HQC đều đóng cửa trong sắc đỏ, dù mức giảm không mạnh. Thanh khoản của các mã này cũng sụt giảm mạnh so với sáng qua, đều dưới 2 triệu đơn vị.
FIT lại may mắn thoát hiểm cuối phiên khi đóng cửa tăng 1 bước giá, lên 7.600 đồng, cũng là mức giá cao nhất phiên. Tổng khối lượng khớp 1,56 triệu đơn vị.
Tương tự, ITA cũng đảo chiều thành công khi chốt phiên ở mức 5.200 đồng, tăng 1,96% với 3,13 triệu đơn vị được khớp. KBC cũng tăng 1,19%, lên 17.000 đồng với 1,84 triệu đơn vị được khớp.
Khởi sắc nhất trong nhóm này là HAR khi đóng cửa ở mức giá trần 5.300 đồng với 3,2 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất sàn HOSE.
Trong nhóm cổ phiếu mệnh giá thấp, VNH và KSA tiếp tục giảm sàn với mức giá hiện là 2.400 đồng và 2.300 đồng, trong đó KSA còn dư bán sàn gần 10 triệu đơn vị, lượng khớp chỉ là hơn 320.000 đơn vị, trong khi VNH không ai dám xuống tiền nên chỉ khớp hơn 6.000 đơn vị.
Những ai đã liều mình bắt đáy KSA trong phiên 11/7, nhất là phiên 12/7 nếu không kịp thoát ra bây giờ như đang “ôm bom nổ chậm”.
Trong nhóm cổ phiếu lớn, sự vững chắc của VNM, BVH, SSI và sự trở lại kịp thời của VCB giúp VN-Index có được sắc xanh khi chốt phiên. Trong khi đó, chỉ số chịu áp lực từ các mã lớn khác như dầu khí, MSN, BID, CTG, DPM, FPT.
Cụ thể, với 113 mã tăng và 101 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 1,74 điểm (+0,26%), lên 675,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 63,76 triệu đơn vị, giá trị 1.271,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,78 triệu đơn vị, giá trị 72,85 tỷ đồng.
Trên HNX, HNX-Index cũng có sắc xanh khi mở cửa với sự hỗ trợ của VCG, AAA, nhưng chỉ số này cũng nhanh chóng đảo chiều giảm điểm khi các mã này không giữ được sắc xanh. Cả VCG và AAA, sau đó thêm ACB, VCS đều đóng cửa dưới tham chiếu.
Giống VNH và KSA trên HOSE, ACM cũng đang dư mua sàn 1.800 đồng hàng triệu đơn vị, trong khi lượng khớp mới chỉ là 661.200 đơn vị. Cổ phiếu này đã có chuỗi giảm sàn 7 phiên liên tục sau thông tin về việc phá hoại môi trường đưa ra cuối tháng 6 vừa qua. Tuần trước, ACM là cổ phiếu giảm mạnh nhất trên thị trường với mức giảm gần 34,4%.
Chốt phiên, với 80 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index giảm 0,41 điểm (-0,47%), xuống 86,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25 triệu đơn vị, giá trị 364 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ giao dịch khớp lệnh.
Cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất HNX là VCG và VGS khi được khớp trên 1,7 triệu đơn vị. Trong khi VCG giảm 1,16%, thì VGS dù cũng chịu áp lực chốt lời chung của cổ phiếu thép, cũng nỗ lực để đóng cửa với mức tăng tối thiểu, dù có lúc giảm 2,88%.