Diễn biến chậm, các lệnh từ bên mua không còn duy trì mức giá cao như phiên cuối tuần trước mà thay vào đó chỉ là lệnh thăm dò ở ngưỡng giá đỏ kéo thị trường giảm sau phiên mở cửa.
Đặc biệt, đà giảm này còn được ủng hộ khi những trụ đỡ chính như MSN, BVH, VCB, VNM cũng không tạo được tín hiệu cho chỉ số.
Cụ thể, VNM giảm 1.000 đồng; VCB từ mức tăng 500 đồng cũng đã giảm 400 đồng; BVH giảm 200 đồng sau khi tăng 100 đồng đầu phiên…
Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 0,82 điểm (+0,15%) lên 530,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,65 triệu đơn vị, trị giá gần 30 tỷ đồng. Nhưng diễn biến này nhanh chóng thay đổi khi sau 45 phút giao dịch, VN-Index đã mất hơn 4 điểm.
Lực cầu yếu nhưng lực cung giá thấp cũng không mạnh nên cũng giống như những phiên giao dịch trước, khi thị trường có xu hướng giảm mạnh, lực cầu bắt đáy lại bắt đầu gia tăng, giúp thị trường bật tăng trở lại.
Lực đỡ cho thị trường trong phiên sáng nay có phần từ nhóm chứng khoán, khi nhóm này vẫn duy trì đà tăng, như SSI tăng 200 đồng; AGR tăng 200 đồng; HCM tăng 600 đồng.
Ngoài ra là sự hỗ trợ từ VIC, mã này tăng 1.500 đồng, hiện đang giao dịch tại mức giá 66.500 đồng, với hơn 61.000 đơn vị được giao dịch, trong đó chiếm phần lớn là giao dịch từ khối ngoại, với gần 50.000 đơn vị. VIC là mã vừa công bố báo cáo rất tích cực trong quý I/2014. Cụ thể, VIC báo lãi ròng 1.068,3 tỷ đồng, tăng vọt 304% so với cùng kỳ 2013.
Điểm đáng chú ý trong giao dịch phiên sáng nay là giao dịch thỏa thuận đạt gần 10 triệu đơn vị, trị giá 232 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong số giao dịch thỏa thuận là thỏa thuận của cổ phiếu TBC. Tính đến 10h, mã này đã thỏa thuận được 6,46 triệu đơn vị, trị giá 122,74 tỷ đồng. Có thể đây chính là số lượng cổ phiếu nằm trong số 9,2 triệu đơn vị mà REE đã đăng ký mua từ ngày 8/5 vừa qua.
Trong khi đó, trên HNX, các mã đầu cơ đã lấy lại được màu xanh trên bảng điện tử, nhưng vẫn chưa đủ lực để kéo chỉ số trên sàn này vượt qua tham chiếu.
Trong khi đó, bất động sản và chứng khoán vẫn là nhóm có vai trò nâng đỡ thị trường.
Cụ thể, kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 1,29 điểm (-0,24%) xuống 528,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,7 triệu đơn vị, trị giá 851,39 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 235,46 tỷ đồng.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,57%) xuống 72,9 điểm, Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,4 triệu đơn vị, trị giá gần 229 tỷ đồng. Giá trị thỏa thuận đạt 22,6 tỷ đồng.
Nguyên nhân giúp VIC tăng mạnh, ngược với xu hướng chung là do kết quả kinh qoanh quý I khả quan vừa được công bố. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn đạt 6.175 tỷ đồng, tăng 527% so với cùng kỳ; lãi ròng 1.068,3 tỷ đồng, tăng 304% so với cùng kỳ.
Còn với FLC, nguyên nhân giúp cổ phiếu lấy lại sắc xanh (từ mức giảm 300 đồng, lên tăng 300 đồng), có lẽ xuất phát từ kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.700 tỷ lên 4.550 tỷ đồng bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu mà Công ty vừa phát ra.
Ngoài VIC và FLC, nhóm bất động sản còn ghi nhận nhiều mã tăng ấn tượng khác như HQC, DLG, DRH, NVN, NVT… tăng trần, trong khi ITA, SJS, HDC… cũng tăng mạnh.
Tuy nhiên, gây chú ý có lẽ từ sự tăng trần của 2 mã VHG trên HOSE và SHN trên HNX.
Trong khi đó, sau đại hội cổ đông HVG vào cuối tuần trước thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014 với doanh thu hợp nhất 14.000 tỷ đồng, tăng 26,8%; lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, tăng gần 140% so với năm 2014. Ước tính kết quả 6 tháng đầu năm, Công ty đạt khoảng 8.000 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Yếu tố này đã giúp HVG tăng trần ngay đầu phiên với gần như trắng lệnh từ bên bán. Đến cuối phiên sáng, cổ phiếu này duy trì mức tăng 1.300 đồng/cp.
Khối ngoại tiếp tục xu hướng mua ròng, đạt 4,82 triệu trên HOSE và 2 triệu trên HNX.