Hôm nay, lãi suất sẽ đồng loạt giảm theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, trong đó, trần lãi suất huy động giảm từ 7%/năm xuống còn 6%/năm. Đây được xem là thông tin hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán, bởi lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Động thái này cũng cho thấy, thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào.
Tuy nhiên, dường như thông tin này đã được phản ánh hết vào thị trường trong tuần giao dịch trước và phiên đầu tuần này, giúp thị trường có chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp và VN-Index chinh phục thành công mốc tâm lý 600 điểm, cũng là mức cao nhất trong hơn 4 năm qua. Đà tăng của thị trường tiếp tục được duy trì khi mở cửa phiên sáng nay nhờ đà “quán tính” của phiên đầu tuần.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,65 điểm (+0,27%), lên 602,01 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt 76 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lịch sử thị trường một lần nữa được lặp lại khi tin tốt được chính thức công bố, thị trường bị bán mạnh và đảo chiều giảm điểm.
Ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, lực bán tăng lên đã khiến VN-Index lùi dần và chính thức đảo chiều sau gần 30 phút giao dịch. Trên bảng điện tử, nhiều mã quay đầu giảm điểm, trong đó có nhiều bluechip như GAS, FPT, BVH, các mã ngân hàng…
Áp lực chốt lời mỗi lúc một lớn cả trên HOSE và trên HNX, trong khi HNX-Index duy trì năng lượng rất tốt với sự góp sức thêm của nhóm HNX30, đặc biệt là ACB, thì VN-Index tỏ ra mệt mỏi và bị rung lắc mạnh trước áp lực chốt lời.
Tuy nhiên, dường như đoán trước được áp lực chốt lời sẽ tăng cao trong phiên sáng nay, nên hàng nghìn tỷ đồng đã được chuyển bị, túc trực sẵn để đón lõng lượng hàng này. Áp lực cung giá thấp gần như được nhanh chóng hấp thụ, giúp thị trường hồi trở lại với sắc xanh chiếm thế áp đảo và thanh khoản tăng mạnh, vượt qua phiên kỷ lục sáng 20/2. Tuy nhiên, do nhóm cổ phiếu ngân hàng và VNM, VIC giảm giá đã hãm đà tăng của VN-Index.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,38 điểm (+0,23%), lên 601,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 117,5 triệu đơn vị, giá trị 2.146,67 tỷ đồng. VN30-Index tăng 3,26 điểm (+0,49%), lên 675,41 điểm. HNX-Index tăng 1,24 điểm (+1,43%), lên 87,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 81,68 triệu đơn vị, giá trị 834,21 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận trên HOSE vẫn gây chú ý trong phiên sáng nay với sự xuất hiện tiếp tục của HSG khi mã này có thêm 2,834 triệu đơn vị được sang tên, giá trị 175,7 tỷ đồng, đóng góp chính vào lượng 5,5 triệu đơn vị, giá trị 253 tỷ đồng của phiên thỏa thuân. Trong khi đó, thỏa thuận trên HNX không sôi động chỉ có một số lệnh nhỏ được thực hiện.
AGR sau khi bị đẩy về mốc tham chiếu, đã nhanh chóng bật ngược trở lại để leo lên mức trần, nhưng về cuối phiên, trước áp lực chốt lời mạnh, đà tăng của cổ phiếu này đã bị hãm lại khi kết thúc ở mức 8.000 đồng/cổ phiếu, tăng 300 đồng (+3,90%) với hơn 2,44 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, DLG lại duy trì sắc tím rất tốt với 3,39 triệu đơn vị được khớp.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì đà tăng tốt, trong khi FLC chưa một lần ngoi lên khỏi mốc tham chiếu trong nửa đầu phiên giao dịch sáng khi kết thúc ở mức 13.600 đồng, giảm 200 đồng (-1,45%) với 3,13 triệu đơn vị được khớp.
ITA loanh quanh mốc tham chiếu và kết thúc giảm nhẹ 100 đồng với gần 8 triệu cổ phiếu được khớp.
Đáng chú ý trong giao dịch sáng nay là OGC khi mã này bất ngờ được giao dịch sôi động với gần 7,5 triệu đơn vị được khớp. Có lúc được kéo lên mức giá trần 13.400 đồng/cổ phiếu trước khi đóng cửa ở mức 13.100 đồng, tăng 500 đồng (+4,00%).
PVT vẫn thăng hoa nhờ thông tin được Quỹ ETF VNM đưa vào danh mục trong đợt review (đảo danh mục) kỳ này khi đóng cửa ở mức giá trần 17.100 đồng/cổ phiếu với 6,16 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, MSN dù vẫn duy trì được sắc xanh, nhưng đà tăng đang có dấu hiệu yếu dần. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi các mã lớn như MSN, GAS, VNM, VIC với sức nặng quá lớn của mình, ít khi chạy nhanh liên tục 2 ngày liền.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào rất mạnh HAG, MSN và DXG, trong khi PVT lại chỉ được mua rất nhỏ giọt.
Trên HNX, PVX và nhóm cổ phiếu “con cháu” vẫn tiếp tục chạy nhanh. Trong khi PVX đang trên đường sát mức 7x, thì các mã như PVL, PSG, PVA, PFL, PVV vẫn duy trì sắc tím. PVX đứng ở mức 6.900 đồng với 12,65 triệu đơn vị được khớp.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau khi phân hóa nửa đầu phiên đã cùng nhau tăng mạnh cuối phiên. Trong khi các mã nhỏ vẫn duy trì đà tăng trần như ORS, WSS, VIG, HPG (sát mức trần), thì nhóm dẫn dắt như KLS, SHS, BVS và VND đã có sắc xanh hoặc nới rộng đà tăng. Trong đó, KLS tiếp tục được giao dịch sôi động với gần 9 triệu đơn vị được khớp, đảo chiều tăng mạnh 600 đồng (+4,38%), lên 14.300 đồng/cổ phiếu.