Phiên giao dịch sáng 18/3: Áp lực bán vẫn lớn

Phiên giao dịch sáng 18/3: Áp lực bán vẫn lớn

(ĐTCK) Áp lực bán không ngừng gia tăng khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại sau phiên hồi nhẹ hôm qua. Đa số các mã dao động trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp. Tuy nhiên, phiên giao dịch sáng nay vẫn có những điểm nhấn đáng chú ý tại FLC và VNE.

Thị trường ngày 17/3 đã có một phiên hồi phục kỹ thuật khi tiến gần sát mốc 580 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản chưa có nhiều cải thiện và áp lực bán chốt lời xuất hiện khá lớn ở vùng giá cao cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái khá thận trọng. Và điều này đã thể hiện ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay khi cột chỉ số trên 2 sàn đều đảo chiều.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index giảm 0,95 điểm (-0,16%) xuống 580,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,2 triệu đơn vị, tương đương giá trị 22,31 tỷ đồng.

Vậy điều gì đang tác động mạnh lên tâm lý nhà đầu tư?

Thứ nhất, thông tin giá xăng dầu và điện tăng. Việc tăng giá này đã khiến thị trường dao động, bởi giá thành đầu vào của nhiều ngành sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khi vừa mới có tín hiệu hồi phục.

Thứ hai, trong 2 ngày đầu tuần, tỷ giá USD/VND bất ngờ tăng mạnh. Điều này cũng khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra quan ngại khi tỷ giá tăng sẽ khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ, ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng, làm yếu sức cầu.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETF cũng có tác động phần nào. Tuy nhiên, yếu tố này không ảnh hưởng dài hạn và không diễn ra trên diện rộng, chỉ có tác động lớn ở những mã được tăng tỷ trọng/thêm mới hay bị loại/giảm tỷ trọng.

Quay trở lại với diễn biến phiên giao dịch, sau 40 phút giao dịch, thị trường vẫn diễn biến lình xình. Hầu hết các mã bluechips đều đứng tham chiếu, như GAS, VNM, VIC, BVH, VCB giảm 100 đồng.

MSN dù đã tăng trở lại với mức tăng 500 đồng, nhưng với thanh khoản thấp, không đủ lực để kéo VN-Index đi lên.

Hiện tại, thanh khoản trên HOSE tập trung lớn ở FLC khi mã này khớp được 4 triệu cổ phiếu, chiếm gần 30% tổng khối lượng giao dịch toàn sàn. Tuy nhiên, FLC không duy trì được đà tăng như 2 phiên đầu tuần, mà đang giảm 200 đồng, về mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, “người anh em” là KLF trên sàn HNX cũng giữ được vị thế “độc diễn” như trong phiên hôm qua. Cổ phiếu này mới chỉ khớp được hơn 1 triệu cổ phiếu với mức giảm 100 đồng/cổ phiếu.

Trên sàn HNX, dù có thời điểm chỉ số sàn này vượt qua tham chiếu, nhưng cũng giống HOSE, vẫn chịu áp lực bán, trong khi lực cầu khá thận trọng, khiến chỉ số sàn vẫn lình xình dưới tham chiếu trong khi thanh khoản yếu.

Đến 9h45, chỉ số HXN-Index giảm 0,22 điểm (-0,26%) xuống 85,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,6 triệu đơn vị, trị giá 131,77 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, một số mã tăng như SD6, VGS, BVS (+100 đồng); ICG tăng 400 đồng; đặc biệt là HUT tăng 500 đồng với thanh khoản tốt nhất sàn.

PVX, SHN, ACB, KLS, VND đứng giá, trong khi SCR, SHB, SHS, PVS cùng giảm 100 đồng.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, độ rộng của thị trường khá lớn khi số mã giảm điểm chiếm áp đảo. Trong nhóm VN30, chỉ còn 3 mã giữ được đà tăng là GMD (+400 đồng); VSH (+200 đồng) và MSN tăng 1.000 đồng.

Còn với nhóm ngân hàng, dù không còn là gánh nặng, nhưng giao dịch lại khá ảm đạm, chỉ ở quanh tham chiếu.

Chốt phiên, chỉ số VN-Index giảm 1,09 điểm (-0,19%) xuống 580,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,1 triệu đơn vị, tương đương giá trị 984,6 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 207,61 tỷ đồng. Đáng chú ý, VNE bất ngờ thỏa thuận tới gần 11 triệu cổ phiếu, trị giá gần 148 tỷ đồng.

Trước đó, CTCK VCBS đã thông báo mua thêm 3 triệu cổ phiếu này và chính thức trở thành cổ đông lớn của VNE.

Điểm đáng chú ý thứ 2 là FLC. Đúng như những dự báo đầu phiên, FLC có thể lại có phiên giao dịch đột biến. Kết thúc phiên sáng mã này khớp được 15,4 triệu cổ phiếu. Nhiều ý kiến cho rằng, hôm nay, hơn 27 triệu cổ phiếu được giao dịch trong phiên ngày 13/3 về tài khoản, nên lực bán ra cổ phiếu này là rất lớn.

Nếu so với mức giá mua trong phiên 13/3 là 11.900 đồng, dù đang giảm 200 đồng, thì mức giá bán 12.000 đồng cũng giúp các nhà đầu tư thu lời. Việc liên tục công bố những dự án bất động sản lớn thời gian gần đây có lẽ là yếu tố tạo ra sức hút cho cổ phiếu này.

Ở chiều ngược lại, thị trường vẫn ghi nhận nhiều mã tăng trần. Chẳng hạn LGC, TSC đều ghi nhận phiên tăng trần thứ 3 và 2 liên tiếp. Khi thị trường đang thiếu vắng những thông tin hỗ trợ, yếu tố nền tảng cơ bản tốt của doanh nghiệp chính là thông tin tạo nên sức tăng bền vững cho cổ phiếu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, trên HNX, dù độ rộng không lớn như HOSE, nhưng lực cầu giá thấp cũng làm chỉ số sàn này kết thúc phiên sáng trong sắc đỏ.

Tin bài liên quan