Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed đã chính thức công bố tăng lãi suất điều hành 25 điểm cơ sở trong ngày thứ Tư. Đây được xem là động thái ôn hòa của Fed và việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ được diễn ra một cách từ từ. Với thông tin tích cực trên, tâm lý nhà đầu tư hứng khởi mua vào giúp cả thị trường chứng khoán thế giới và vàng đồng loạt tăng mạnh.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các chỉ số đã ghi nhận phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp. Tuy áp lực đẩy bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn ở mức cao với các phiên bán ròng hàng trăm tỷ đồng nhưng đây cũng là những phiên thanh khoản cải thiện đáng kể cho thấy dấu hiệu dòng tiền trở lại thị trường, là những dấu hiệu tích cực giúp thị trường củng cố đợt sóng tăng mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, dòng tiền tại các nhóm chưa có sự đồng thuận, giới phân tích cho rằng dấu hiệu về xu hướng hồi phục bền vững chưa rõ ràng. Cần có thêm những phiên ổn định tại vùng giá hiện tại, đi kèm sự cải thiện mạnh của thanh khoản để khẳng định xu thế tăng mới đã chính thức hình thành.
Dù vậy, 2 phiên tăng vừa qua cho thấy tín hiệu tăng điểm trong ngắn hạn của thị trường. Theo MSI, VN-Index sẽ tiến đến ngưỡng 580 điểm trong phiên hôm nay và các lập thêm một phiên tăng điểm.
Đúng như nhận định của giới phân tích, dù dòng tiền có dấu hiệu chững lại và đứng ngoài quan sát nhưng đà tăng thị trường đang khá tích cực.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 3,68 điểm (+0,64%) lên 576,23 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 2,44 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 39,2 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, sắc xanh vẫn bao phủ phần lớn bảng điện tử, trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là lực đỡ chính giúp thị trường tiếp tục nới rộng đà tăng, chỉ số Vn-Index có thời điểm tiến sát mốc 580 điểm. Tuy nhiên, với tâm lý giao dịch thận trọng, dòng tiền chỉ nhúc nhắc khiến thị trường thiếu nội lực để bứt phá, mốc 580 điểm vẫn là một thử thách khá khó khăn.
Trên sàn HOSE, số mã tăng đã gấp hơn 3 lần số mã giảm, trong đó, nhóm VN30 có tới 25 mã tăng và chỉ còn 2 mã giảm là KDC và PVD.
Sau phiên tăng hôm qua, nhóm cổ phiếu dầu khí đã nhanh chóng trở lại giao dịch trong sắc đỏ trước thông tin giá dầu thô thế giới đảo chiều giảm xuống sát mốc 35 USD/thùng. Hiện cả PVD và GAS cùng có mức giảm 300 đồng/Cp.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm đang là tâm điểm dẫn dắt thị trường. Cụ thể, BID tiếp tục giữ đà tăng khá mạnh 700 đồng và khớp 0,66 triệu đơn vị, các mã khác trong ngành ngân hàng như VCB, MBB, CTG, EIB, STB cũng đều giao dịch trong sắc xanh.
Ở nhóm bảo hiểm, các mã tăng khá mạnh, trong đó, BVH, BIC, BMI cùng tăng quanh mức 1.000 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã quen thuộc như HQC, FLC, ITA vẫn chiếm lượng lớn thanh khoản. Cả ba mã này đều đang tăng nhẹ trên mốc tham chiếu 1 bước giá.
Sau nhịp tăng mạnh ở đầu phiên, thị trường đã chững lại, chỉ số VN-Index có thời điểm tại 11h lùi về mốc 575 điểm, tuy nhiên, sau đó hồi nhẹ trở lại mốc mở cửa. Lực cầu giá xanh duy trì khá tốt cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn khá tích cực, tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa thấy dấu hiệu đột biến, thanh khoản vẫn chỉ nhúc nhắc.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 112 mã tăng và 64 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 3,71 điểm (+0,65%) lên 576,26 điểm. Thanh khoản giảm khá mạnh so với 2 phiên sáng trước với khối lượng đạt 48,85 triệu đơn vị, trị giá 870,24 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,98 triệu đơn vị, trị giá 173,54 tỷ đồng.
Trong khi đó, sàn HNX khá cân bằng khi có 62 mã tăng và 69 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,2%) lên 79,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 24 triệu đơn vị, trị giá 255,53 tỷ đồng.
Các trụ cột chính của thị trường như BVH tăng 2.700 đồng lên sát trần, BID duy trì mức tăng 700 đồng, VIC tăng 400 đồng, FPT tăng 300 đồng…
Trái lại, nhiều cổ phiếu chủ chốt khác đang rút ngắn đà tăng hoặc tiếp tục suy giảm khi bị chốt lời như VNM lùi về mốc tham chiếu, MSN giảm 1.000 đồng, PVD giảm 400 đồng, GAS giữ mức giảm 300 đồng...; nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có EIB và MBB lùi về mốc tham chiếu.
Ở nhóm bảo hiểm, ngoại từ BVH tiếp tục thăng hoa, các mã khác như BIC, BMI , PGI cũng không còn giữ được nhịp tăng mạnh như đầu phiên.
Dòng tiền tiếp tục ưu ái các mã đầu cơ như HQC, FLC, HAG, ITA, BHS... Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh trên HOSE vẫn chưa có đột biến. Cụ thể, HQC dẫn đầu thanh khoản với lượng khớp đạt 2,95 triệu đơn vị; tiếp đó, FLC khớp 2,65 triệu đơn vị, HAG khớp 2,17 triệu đơn vị. Các mã khác như ITA, DLG, IJC… cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trong đó, DLG sau phiên hồi mạnh hôm qua đã nhanh chóng bị chốt lời và đảo chiều giảm 200 đồng xuống 6.800 đồng/CP. Các mã còn lại ở trên đều giữ mức tăng nhẹ 100 đồng/CP, ngoại trừ IJC đang tăng trần.
Trên HNX, cổ phiếu đầu cơ SCR cũng dẫn đầu thanh khoản trên sàn với khối lượng khớp lệnh đạt 3,39 triệu đơn vị, chốt phiên cổ phiếu này tăng 200 đồng lên 8.400 đồng/CP.