Trong phiên chiều qua, khi VN-Index lùi về vùng đáy 595-600 điểm, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện, nhất là nhận được thông tin khả quan từ kết quả kinh doanh quý III của HAG, giúp sắc xanh lan dần ra một số mã bluechips khác, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Vì vậy, đà giảm của VN-Index được hãm lại và mốc 600 điểm vẫn được giữ vững.
Nhận định cho phiên giao dịch hôm nay, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, thị trường sẽ khó giảm mạnh, mà sẽ dò đáy trong vùng 595-600 điểm. Một số còn có cái nhìn khả quan hơn khi cho rằng, thị trường sẽ hồi nhẹ trở lại.
Tuy nhiên, với những thông tin không tích cực từ kinh tế thế giới và chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Việt Nam bước vào ngày giao dịch mới đã gánh chịu ngay lực bán mạnh, đẩy cả 2 chỉ số giảm điểm với thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,18 điểm (-0,2%), xuống 603,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,16 triệu đơn vị, giá trị 58,23 tỷ đồng.
Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, lực bán vẫn chưa có dấu hiệu dịu lại, các mã hỗ trợ ngăn đà lao dốc của VN-Index hôm qua cũng quay đầu giảm điểm, HAG chỉ còn duy trì mức tăng nhẹ 100 đồng. Số mã giảm giá nhiều gấp hơn 5 lần so với số mã tăng giá. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy giá thấp vẫn khá tốt, giúp các mã không giảm quá sâu.
Về cuối phiên, kịch bản cũ lại được lặp lại khi lực bán giá thấp gia tăng mạnh, đẩy cả 2 chỉ số giảm sâu hơn. Trong đó, VN-Index đang đe dọa xuyên thủng đáy 595 điểm, trong khi HNX-Index cũng không còn giữ được mốc 89 điểm.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 7,76 điểm (-1,28%), xuống 596,53 điểm. VN30-Index giảm 9,26 điểm (-1,44%), xuống 632,37 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 75,38 triệu đơn vị, giá trị 1.415,33 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 0,76 triệu đơn vị, giá trị 27,72 tỷ đồng.
HNX-Index cũng giảm 1,06 điểm (-1,19%), xuống 88,50 điểm. HNX30-Index giảm 2,83 điểm (-1,57%), xuống 177,83 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,85 triệu đơn vị, giá trị 551,91 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuạn đóng góp 1,55 triệu đơn vị, giá trị 18,49 tỷ đồng
Dù áp lực bán gia tăng, nhưng lực cầu vẫn được duy trì tốt ở một số mã như FLC, VHG, HAG. Trong đó, FLC được khớp hơn 9,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 300 đồng (-2,68%), xuống 10.900 đồng. VHG được khớp gần 4,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 400 đồng (+2,60%), lên 15.800 đồng. VHG duy trì được đà tăng tốt sau thông tin ký hợp đồng hợp tác để triển khai dự án ở Đà Nẵng.
Trong khi đó, lực bán mạnh từ khối ngoại nên HAG không còn duy trì đà tăng mạnh như hôm qua. Kết quả kinh doanh khả quan chỉ đủ giúp HAG tăng mạnh 1 phiên, trong sáng nay, HAG chỉ còn tăng nhẹ 100 đồng với 3,86 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, nhóm “ngũ đại gia” chỉ còn duy nhất VNM còn có sắc xanh nhạt, còn lại đều đang giảm giá với mức giảm gần 2%.
Nhóm chứng khoán cũng giảm mạnh. Trong đó, đầu tàu SSI giảm 700 đồng (-2,32%), xuống 29.500 đồng với 3,66 triệu đơn vị được khớp, HCM giảm 600 đồng (-1,58%), xuống 37.400 đồng với 0,59 triệu đơn vị được khớp, AGR giảm 100 đồng, còn BSI đứng ở tham chiếu.
Trong số các mã tăng nóng trước đó, chỉ còn DRH duy trì sắc tím, còn lại THG, PTC, BT6 chỉ còn lình xình quanh tham chiếu, trong khi RIC tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp.
Trong khi đó, KSH sau kết quả kinh doanh khả quan vừa được công bố cũng có mức tăng tốt khi chốt phiên ở mức giá cao nhất phiên 19.200 đồng, tăng 1.000 đồng (+5,5%) với 0,74 triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, KSD cũng có đà tăng tương tự KSH khi đang được giao dịch sát mức giá trần, thậm chí có lúc mã này đã có sắc tím. Kết thúc phiên KSH tăng 400 đồng (+6,15%), lên 6.900 đồng với 0,5 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, trong nhóm bluechip, chỉ còn KLF le lói sắc xanh, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, SHB là mã được khớp lớn nhất với 5,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 100 đồng, xuống 8.800 đồng.
Các mã lớn khác như PVX giảm 200 đồng, PVS giảm 500 đồng, PVC giảm 1.200 đồng, VCG giảm 400 đồng.
Trong nhóm chứng khoán, đa số cũng giảm mạnh, ngoại trừ IVS vẫn giữ được đà tăng mạnh dù không còn có sắc tím như phiên hôm qua. Kết thúc phiên, IVS tăng 600 đồng (+6,45%), lên 9.900 đồng với 198.000 đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua ròng 72.000 đơn vị.