Phiên giao dịch sáng 14/7: Chênh vênh

Phiên giao dịch sáng 14/7: Chênh vênh

(ĐTCK) Tưởng chừng với sự trợ giúp của nhóm bảo hiểm và ngân hàng, VN-Index sẽ chinh phục được mức đỉnh cũ trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, việc đi lên chỉ dựa vào một số ít cổ phiếu khiến VN-Index bị chênh vênh khi tiến sát 640 điểm.

Khả năng VN-Index chinh phục đỉnh cũ đã được các công ty chứng khoán dự báo từ đầu tuần trước, tuy nhiên con đường leo dốc của chỉ số này không hề dễ dàng. Sau chuỗi tăng mạnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã chịu áp lực bán ra khá mạnh trong thứ Ba và thứ Tư tuần trước. Nhiều dự báo đã cho rằng, thời của cổ phiếu ngân hàng đã chấm dứt và các nhóm cổ phiếu khác sẽ thay thế nhóm này dẫn dắt thị trường trong các đợt tăng tiếp theo.

Tuy nhiên, ngoại trừ mã đã tăng quá mạnh thời gian qua như VCB đang chịu chút khó khăn, các mã còn lại đã nhanh chóng lấy lại sức sau vài phiên điều chỉnh. Trong khi nhóm cổ phiếu luôn được đánh giá cao là bất động sản lại có sức ỳ rất lớn, dù nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan. Thị trường bất động sản cũng đã chính thức phục hồi, thanh khoản tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Đặc biệt, trong nửa cuối năm, triển vọng của thị trường bất động sản được đánh giá cao hơn khi 2 sắc luật là Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực, trong đó mở rộng hơn nữa cho người nước ngoài, Việt kiều sở hữu và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn ít được nhắc đến là bảo hiểm lại bất ngờ tăng mạnh sau Nghị định 60 về việc nới room được ban hành. Nhiều dự đoán cho rằng, nhóm bảo hiểm sẽ được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn và cũng sẽ là nhóm có nhiều khả năng mở rộng room.

Trong tuần qua và 2 phiên đầu tuần mới, với sự dẫn dắt của BVH, các mã bảo hiểm trên cả 2 sàn đã đua nhau tăng trần, hỗ trợ cùng nhóm ngân hàng đẩy VN-Index dần dần tiến tới đỉnh 640 điểm.

Trong phiên sáng nay, diễn biến vẫn không có nhiều thay đổi với phiên đầu tuần, nhóm bảo hiểm cũng có sắc tím ngay đầu phiên, trong khi EIB vẫn là điểm nhấn chính trong nhóm ngân hàng với mức tăng hơn 4% khi mở cửa, giúp VN-Index có sắc xanh khi mở cửa.  

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,49 điểm (+0,23%), lên 635,55 điểm với hơn 3 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị hơn 58 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng của EIB được nới rộng và sự hồi phục của STB, CTG, BID, cùng với đà tăng chắc chắn ở một vài bluechip khác như DPM, KDC, MSN, HAG giúp VN-Index tiến sát mức 640 điểm, nhưng để chinh phục được mức đỉnh này không phải dễ dàng.

Mỗi khi VN-Index tiến tới gần 640 điểm, lực bán lập tức gia tăng, đẩy lùi chỉ số này trở lại. Trong nửa đầu phiên sáng nay, VN-Index đã có 4 lần thử sức nhưng đều thất bại.

Sau đó, VN-Index cũng có thêm một lần thử sức, nhưng khi mới vượt qua 638 điểm đã bị đẩy ngược trở lại rất sâu, chuyển sắc đỏ, thậm chí là xuống dưới ngưỡng 630 điểm. Tuy nhiên, mốc kháng cự này hiện lại trở thành điểm hỗ trợ cho VN-Index, nên chỉ số này đã nhanh chóng bật trở lại, đóng cửa trong sắc xanh nhạt, dù số mã giảm giá nhiều gấp hơn 2 lần số mã tăng giá.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,95 điểm (+0,15%), lên 635,01 điểm với 65 mã tăng, trong khi có tới 136 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 91,45 triệu đơn vị, giá trị 1.661,8 tỷ đồng và chủ yếu đến từ giao dịch khớp lệnh.

HNX-Index tăng tốt hơn với mức 0,42 điểm (+0,47%), lên 89 điểm. Độ rộng của thị trường cũng nghiêng về sắc đỏ khi có 100 mã giảm, trong khi chỉ có 51 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,97 triệu đơn vị, giá trị 585,1 tỷ đồng và cũng đến chủ yếu từ khớp lệnh.

Đà tăng của VN-Index bị hãm lại do một số mã ngân hàng như VCB, CTG, MBB giảm giá. Sắc tím ở nhóm bảo hiểm cũng không còn duy trì chắc chắn khi BVH có lúc cũng bị kéo xuống tham chiếu trước khi trở lại mức 65.500 đồng vào cuối phiên (+5,65%), BIC không còn duy trì được đà tăng trần, thậm chí áp lực chốt lời có lúc khiến mã này xuống dưới tham chiếu.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng quay đầu giảm giá như PVD, HPG, CII, GMD, VIC, SSI, REE, HCM, DCM, đã ảnh hưởng tới đà tăng của thị trường.

Trong khi đó, hoạt động gom hàng đẩy EIB lên mức giá trần 15.900 đồng, nhưng lực bán cũng khá mạnh khiến sắc tím không duy trì được lâu. Chốt phiên, EIB tăng 3,36%, lên 15.400 đồng với 3,3 triệu đơn vị được khớp. STB cũng hồi lại với mức tăng 2,63%, lên 19.500 đồng với hơn 0,8 triệu đơn vị.

Trong khi dù giảm nhẹ 1 bước giá, nhưng MBB có thanh khoản tốt nhất nhóm ngân hàng với 5,95 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 sàn HOSE, chỉ đứng sau CII với 6,24 triệu đơn vị.

Đà tăng của VN-Index được duy trì trong phiên sáng nay còn nhờ sự giúp sức của MSN khi mã này tăng 4%, lên 91.000 đồng.

Với các mã khác, OGC hôm nay chính thức “chịu án”, nên chỉ được giao dịch vào cuối phiên chiều, trong khi JVC sau những nỗ lực đảo chiều nhưng bất thành, đóng cửa giảm 2,6%, xuống 7.500 đồng với hơn 1,66 triệu đơn vị được khớp.

FLC vẫn bị kìm nén ở mức giá quẩn quanh 8.500 đồng, dù nhiều thông tin tích cực được đưa ra. Dường như lượng cung lớn khiến cho những ai có ý định gom FLC đều dè chừng. Chốt phiên, FLC đứng ở tham chiếu 8.400 đồng với 3,83 triệu đơn vị được khớp.

Trên HNX, một mã ngân hàng khác cũng trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư là SHB. Dù mở cửa với mức tăng nhẹ, nhưng sau đó lệnh mua ồ ạt được tung vào, kéo SHB tăng mạnh, thậm chí có lúc tưởng chừng sẽ hấp thụ hết lượng dư bán để lên mức giá trần 9.900 đồng. Tuy nhiên, lực bán ra cũng mạnh không kém, nên khi vừa chạm ngưỡng 9.800 đồng, SHB đã lùi trở lại, chốt phiên ở mức 9.500 đồng, tăng 5,56% với 16,42 triệu đơn vị được khớp.

ACB cũng có mức tăng, cũng như thanh khoản khá tốt trong phiên sáng nay. Chốt phiên, ACB tăng 2,19%, lên 23.300 đồng với gần 2 triệu đơn vị được khớp. Đây chính là lực đỡ chính giúp HNX-Index duy trì được sắc xanh đậm, dù số mã giảm giá chiếm thế áp đảo so với số mã tăng giá.

2 cổ phiếu bảo hiểm trên sàn này là PTI và PVI cũng không còn giữ được mức giá trần. Trong đó, PTI tăng 9%, lên 20.600 đồng, còn PVI đóng cửa tăng 7,34%, lên 21.800 đồng.

Nhóm cổ phiếu đáng chú ý khác trên sàn như FIT, KLF, KLS, SCR, PVS, PVX đóng cửa giảm nhẹ hoặc ở tham chiếu.

Tin bài liên quan