Dù chịu sự điều chỉnh của các nhóm cổ phiếu dược phẩm, vật liệu xây dựng, khoáng sản nhưng với đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng các mã bluechip khác đã giúp thị trường có phiên giao dịch tăng vọt, chỉ số Vn-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 665 điểm.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Cùng với dòng tiền nội hoạt động sôi động, nhà đầu tư nước ngoài cũng đẩy mạnh giao dịch mua-bán. Đây vẫn sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ tâm lý thị trường trong thời gian tới.
Tuy vậy, vẫn có những lo ngại về xu hướng điều chỉnh của thị trường sau 2 phiên tăng nóng vừa qua. Theo BVSC, vùng hỗ trợ gần của VN-Index nằm tại 640-645 điểm. Đây là vùng điểm nhà đầu tư có thể tiến hành các hoạt động trading ngắn hạn, hoặc tái cơ cáu danh mục nhằm tăng hiệu quả đầu tư.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường vẫn duy trì sắc xanh khi mở cửa, tuy nhiên, tâm lý thận trọng lo ngại khiến đà tăng khá hẹp.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 0,54 điểm (+0,08%) lên 675,66 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,72 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 64,26 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán bắt đầu tăng mạnh trong khi lực cầu chủ yếu giá thấp khiến sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử, thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm điểm. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn tham gia tích cực giúp đà giảm không quá sâu, các cổ phiếu ngân hàng vẫn là lực đỡ chính cho thị trường.
Sau phiên tăng trần và là điểm nhấn chính của nhóm, VCB đã chịu sức ép bán ra và điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, sắc xanh nhanh chóng được thiết lập, với mức tăng 1,74% của VCB, cùng đà tăng tích cực của các mã khác trong ngành như MBB tăng 2,61%, CTG tăng 3,7%, BID tăng 1,62%, đã giúp VN-Index quay trở lại trạng thái tăng điểm.
Trong khi đó, cặp đôi cổ phiếu lớn ngành dầu khí là PVD và GAS vẫn tiếp tục diễn biến thiếu tích cực với đà giảm về giá cùng giao dịch thấp.
Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, trong khi KBC bị chốt lời sau phiên tăng trần cùng thanh khoản dẫn đầu trong phiên hôm qua thì ITA vẫn duy trì sắc tím. Dòng tiền chuyển hướng sang ITA giúp cổ phiếu này giao dịch sôi động, khối lượng khớp lệnh sau hơn 50 phút giao dịch của phiên sáng lên đến 7,15 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 3,2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, trên sàn HNX, sau thời gian ngắn đầu phiên tăng điểm, áp lực chốt lời xuất hiện trở lại trên nhiều cổ phiếu lớn như PVS, VCG, SCR, HUT... khiến thị trường đảo chiều giảm điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời không quá nhiều với mức giảm nhẹ.
Các cổ phiếu ngân hàng cùng một số mã bluechip khác vẫn là lực đỡ chính của thị trường, giúp VN-Index giữ vững đà tăng điểm. Đáng chú ý, dòng tiền tham gia vào thị trường vẫn duy trì nhiệt sôi động và khá dàn trải qua các nhóm ngành như bất động sản, vật liệu xây dựng, ngân hàng, thép..
Chốt phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 2,13 điểm (+0,32%) lêm 677,25 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 91,15 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.762,48 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,4 triệu đơn vị, trị giá 103,37 tỷ đồng. Nhóm VN30 hỗ trợ tốt với mức tăng 2,4 điểm lên 659,29 điểm khi có 13 mã tăng, 11 mã giảm và 6 mã đứng giá.
Trong khi đó, sàn HNX thiếu điểm tựa và không thể khôi phục lại sắc xanh, tuy nhiên, HNX-Index vẫn duy trì đà giảm nhẹ. Với mức giảm 0,27 điểm (-0,31%), HNX-Index đứng ở mức 87,12 điểm. Thanh khoản khá tích cực với khối lượng giao dịch 35,11 triệu đơn vị, trị giá 461,69 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,31 điểm xuống 158,51 điểm khi có tới 12 mã giảm, 5 mã tăng và 13 mã đứng giá.
Thông tin giá dầu thô suy giảm là tác nhân chính khiến đồng loạt các mã họ P quay đầu giảm điểm. Cụ thể, PVD giảm 1,66%, GAS giảm 0,76%; trên sàn HNX, PVS, PGS, PVE, PVB có mức giảm 1-2 bước giá.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành thép cũng chịu cùng cảnh ngộ và đồng loạt rớt giá như HSG giảm 2,4% và khớp 1,72 triệu đơn vị, HPG giảm 1,4% và khớp 3,07 triệu đơn vị, POM giảm 1,1%, VIS giảm 0,8%, TLH lùi về mốc tham chiếu và khớp gần 1,8 triệu đơn vị.
Trái lại, các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng mạnh và đóng vai trò lực đỡ chính của thị trường như BID tăng 1,62% và khớp 2,45 triệu đơn vị, CTG tăng 4,23% và khớp 2,21 triệu đơn vị; EIB tăng 1,77%, MBB tăng 0,65%...
Ngoài ra, trạng thái “xanh vỏ” trên sàn HOSE còn phải kể đến công lớn của cặp đôi MSN và BVH khi 2 mã này đều bật tăng mạnh với biên độ tương ứng 2,24% và 4,03%.
Không chỉ “ông lớn” của ngành tăng vọt, các mã khác trong nhóm bảo hiểm cũng đua nhau khởi sắc như BIC và BMI cùng tăng 4,9%, VNR tăng 2,9%, đã hỗ trợ tốt cho thị trường.
Cặp đôi ITA và KSA vẫn là điểm nhấn của thị trường. Trong đó, ITA đóng cửa ở mức giá 4.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 7,58 triệu đơn vị, dư mua trần 2,28 triệu đơn vị. Còn KSA đã chịu áp lực chốt lời sau phiên tăng trước đó và quay về mốc tham chiếu 2.700 đồng/CP với khối lượng khớp 8,13 triệu đơn vị, vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn.
Tương tự KSA, người anh em KHB cũng “đồng cảnh ngộ” khi chịu sức ép bán ra, chấm dứt chuỗi 4 ngày tăng điểm. Chốt phiên, KHB trở lại xu hướng giảm sàn xuống mức giá 1.900 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SCR vẫn giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với lượng khớp gần 6,1 triệu đơn vị.