Phiên giao dịch sáng 14/5: Vẫn còn chần chừ

(ĐTCK) Dù nhiều cổ phiếu đã xuống mức đáy 12 tháng, nhưng dòng tiền vẫn chần chừ, khiến thanh khoản thị trường luôn ở mức thấp và thị trường lình xình trong biên độ hẹp.
Phiên giao dịch sáng 14/5: Vẫn còn chần chừ

Thị trường liên tiếp giảm điểm từ đầu tuần khiến một số công ty chứng khoán cho rằng, sẽ sớm xuất hiện phiên hồi phục kỹ thuật. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng và ngại rủi ro, lực cầu của cả khối nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khá yếu khiến áp lực giảm điểm luôn hiện hữu. Trong đó, khối ngoại đã đẩy mạnh bắt đầu bán ròng trên sàn HOSE và thu hẹp danh mục mua vào trên HNX cũng tạo tâm lý bất an cho nhà đầu tư trong nước.

Theo nhận định của BSC, thị trường có thể sẽ rung lắc trong 1-2 phiên tới do lực cung bán ra từ khối ngoại. Tuy nhiên, với việc thị trường liên tiếp giảm điểm trong 4 phiên nay, nhiều khả năng lực cầu bắt đáy sẽ tham gia mạnh hơn vào thị trường. Nhà đầu tư nên thận trọng và chỉ nên mua trong những phiên giảm điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (14/5), thị trường không đón nhận thông tin tác động nào, tâm lý thăm dò khiến cả hai sàn đang giao dịch trong thế giằng co với thanh khoản ở mức thấp.

Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm nhẹ 0,29 điểm (-0,05%) xuống 542,53 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,86 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 32,43 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, dòng tiền vẫn duy trì trạng thái nhỏ giọt trong khi thị trường thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt khiến VN-Index lình xình quanh mốc tham chiếu và HNX-Index tiếp tục củng cố sắc đỏ.

Hầu hết các trụ cột của thị trường như PVD, VNM, VIC, MSN, GAS, BVH đang đứng giá tham chiếu trong khi các cổ phiếu khác như VCB, STB, HPG, FPT… đang giảm nhẹ, là lực hãm đà tăng của thị trường.

Thông tin mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ tiếp tục giúp HAG tăng giá trong phiên sáng nay, tuy nhiên, thanh khoản cổ phiếu này chỉ đạt hơn nửa triệu đơn vị.

Cổ phiếu đáng chú ý GTN tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên, lực cầu hấp thụ khá tốt khiến GTN vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn. Hiện GTN giảm 700 đồng (-6,2%) xuống 10.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, OGC sau 2 phiên tăng trần đã nhanh chóng chịu áp lực chốt lời và giảm trở lại, có lúc xuống mức sàn 2.900 đồng.

Ngoài OGC và GTN, các cổ phiếu còn lại trên sàn HOSE đều có khối lượng giao dịch ở mức thấp, dưới 1 triệu đơn vị.

Tại thời điểm 10h12, Vn-Index giảm 0,46 điểm (-0,08%) xuống 542,36 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 20,22 triệu đơn vị, trị giá 271,15 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,19%) xuống 79,22 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,8 triệu đơn vị, trị giá 284,66 tỷ đồng.

Tâm điểm trên sàn HNX là DXP. Cổ phiếu này đã có được sắc tím ngay từ đầu phiên với khối lượng khớp lệnh khủng đạt hơn 4 triệu đơn vị. Rất có thể đây là lượng cổ phiếu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty TNHH MTV (Vinalines) đã đăng ký bán.

Cụ thể, mới đây, Vinalines đã đăng ký thoái toàn bộ 51% vốn, tương ứng bán 4.016.250 cổ phiếu DXP. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 7/5 đến ngày 5/6.

Ngoại trừ DXP, các cổ phiếu giao dịch mạnh trước đó như KLF, FIT, PVX, SHB… đang khá trì trệ. Khối lượng khớp lệnh của các cổ phiếu này đều chỉ đạt hơn nửa triệu đơn vị.

Phiên giao dịch sáng 14/5 khá bình lặng. Cùng với thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh, sắc đỏ cũng lan rộng bảng điện tử hơn khi đóng cửa. Trong khi toàn sàn HOSE có 73 mã tăng và 112 mã giảm thì sàn HNX cũng có 88 mã giảm và chỉ 48 mã tăng.

Chỉ số VN-Index giảm 1,37 điểm (-0,25%) xuống 541,45 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 35,43 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 512 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1 triệu đơn vị, trị giá 41,68 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,16%) xuống 79,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,77 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 352,93 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 8,7 tỷ đồng.

Nhóm VN30 đóng vai trò là lực cản chính của thị trường với 10 mã giảm, 5 mã tăng và 15 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index giảm 1,32 điểm (-0,23%) xuống 567,96 điểm. Hầu hết các cổ phiếu lớn như PVD, GAS, VNM vẫn đứng giá cùng mức giảm nhẹ của VCB, MSN, STB, SSI…

OGC vẫn duy trì mức giảm 100 đồng, xuống 3.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 4,57 triệu đơn vị và dư mua sàn 2,92 triệu đơn vị.

GTN sau nửa thời gian của phiên sáng nằm sàn, lực cầu bắt đáy gia tăng giúp cổ phiếu này thoát khỏi sắc xanh mắt mèo. Đóng cửa, GTN giảm 600 đồng xuống 10.600 đồng/Cp với thanh khoản dẫn đầu toàn sàn đạt 5,44 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ATA sau chuỗi ngày dài giảm sàn do vào diện cảnh báo đã lấy lại sắc tím và có phiên thứ 4 tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên, thanh khoản của ATA khá thấp, chỉ đạt 7.270 đơn vị.

Điểm sáng trong phiên chính là HAP. Lực cầu gia tăng mạnh giúp HAP nhanh chóng chạm trần lên mức 6.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,35 triệu đơn vị và dư mua trần 21.180 đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu thanh khoản tốt trước đó vẫn giao dịch khá sôi động như HAI khớp 2,65 triệu đơn vị; HHS, HAG và CII cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Tương tự sàn HOSE, nhóm cổ phiếu HNX30 cũng hầu hết đứng giá hoặc giảm điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,32 điểm (-0,22%) xuống 148,19 điểm. Trong đó, chỉ một số cổ phiếu duy trì mức tăng nhẹ như ACB, BVS, PVS…

Trong khi các cổ phiếu chủ chốt nhóm dầu khí trên sàn HOSE vẫn bất động ở mức tham chiếu thì trên sàn HNX đã nhích nhẹ. Cụ thể, PVC, PGS tăng nhẹ 100 đồng, PVS đã lấy lại mốc tham chiếu.

Nhân tố mới DXP sau thời gian đột biến ngay đầu phiên cũng đã cân bằng hơn. Đóng cửa, DXP tăng 900 đồng lên 48.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 4,03 triệu đơn vị.

Cổ phiếu đầu cơ KLF đã giao dịch sôi động hơn về cuối phiên và đã chuyển nhượng thành công hơn 3,34 triệu đơn vị. Đóng cửa KLF giảm 200 đồng xuống 7.100 đồng/Cp. Trong khi đó, SHB giảm nhẹ 100 đồng xuống 7.700 đồng/Cp và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan