Sau khi bị hụt vào rổ của FTSE, HHS cuối cùng cũng đã “lọt vào mắt xanh” của VNM ETF với tỷ trọng là 1,39%.
Ngoài HHS, việc HPG được VNM thêm vào danh mục lần này với tỷ trọng 3,67% cũng đem lại bất ngờ cho nhà đầu tư, vì cả 2 cổ phiếu này đều hụt tiêu chí.
Như vậy, sau thời gian dài để các công ty chứng khoán và nhà đầu tư lớn trong nước bắt bài, dường như 2 quỹ ETF ngoại đã thay đổi chiến thuật trong 2 kỳ review gần đây khi đã tạo ra những bất ngờ cho thị trường. Tuy nhiên, những bất ngờ này lại đem đến sự thú vị và sắc thái mới cho thị trường trong bối cảnh diễn biến chung đang không mấy tích cực.
Với hiệu ứng ETF, ngay khi mở cửa phiên sáng nay, cả HHS và HPG đều tăng mạnh, cùng với một số mã bluechip khác, giúp VN-Index mở cửa trong sắc xanh.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,71 điểm (+0,13%), lên 564,14 điểm với 2,8 triệu đơn vị được khớp, giá trị 41,45 tỷ đồng.
Ngoài hiệu ứng ETF, thì việc EIB tiếp tục duy trì đà tăng trần cũng góp phần tích cực giúp VN-Index có được đà tăng.
Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, sau ít phút lình xình, VN-Index đã bắt đầu có xu hướng muốn bứt phá khi EIB giữ được sắc tím và theo sau đó là HAG cũng chuẩn bị nối gót.
Tuy nhiên, ngay khi lên mức 12.000 đồng, tức chỉ còn cách mức trần 1 bước giá, HAG đã bị đẩy lùi trở lại về sát mức giá mở cửa. Trong khi đó, dù rất nỗ lực, nhưng EIB cũng không còn duy trì được sắc tím khi áp lực bán đã diễn ra mạnh hơn nhiều so với phiên cuối tuần trước.
Sự hạ nhiệt của các mã trên và một số mã bluechip khác như VNM, BVH, CTG, VCB và đặc biệt là sức nặng từ nhóm cổ phiếu dầu khí khiến VN-Index đảo chiều đóng cửa trong sắc đỏ.
Trên HNX, không có được sự hỗ trợ tích cực của nhóm bluechip như VN-Index, chỉ số HNX-Index mở cửa trong sắc đỏ và dù rất nỗ lực, chỉ số này cũng chỉ chớm xanh trong tích tắc rồi lại trở lại dao động dưới tham chiếu và cũng đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm mạnh hơn VN-Index.
Cụ thể, kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,9 điểm (-0,16%), xuống 562,53 điểm với 86 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,48 triệu đơn vị, giá trị 962,66 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,4 triệu đơn vị, giá trị 282,34 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,58 điểm (-0,73%), xuống 78,63 điểm với 54 mã tăng và 86 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,4 triệu đơn vị, giá trị 287 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đã đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị tới 112 tỷ đồng, chủ yếu là DXP với 1,9 triệu đơn vị, giá trị 110,2 tỷ đồng được sang tên.
Sau phiên tăng trần cuối tuần trước, EIB tiếp tục được kéo lên mức giá trần trong phần lớn thời gian của phiên sáng nay. Tưởng chừng EIB sẽ vững vàng ở mức giá trần phiên thứ 2 liên tiếp trước ngày tổ chức ĐHCĐ bất thường (15/12). Trong kỳ đại hội này, EIB dự kiến sẽ bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới. Và việc EIB tăng trần trước ngày đại hội khiến một số ý kiến cho rằng là do hoạt động gom phiếu bầu. Điều này không phải không có cơ sở khi EIB cũng đã tăng trần với thanh khoản tăng vọt hơn 11 triệu đơn vị trong phiên 13/7 sau thông tin tổ chức ĐHCĐ vào ngày 21/7 (thời gian này vấn đề sáp nhập giữa Eximbank và Nam A Bank đang gây chú ý lớn của dư luận).
Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, áp lực bán EIB đã tăng mạnh hơn nhiều so với phiên cuối tuần trước, nên cổ phiếu này không thể duy trì được sắc tím, chốt phiên ở mức thấp nhất phiên 11.500 đồng, tăng 5,5% với 1,14 triệu đơn vị được khớp.
HAG sau 6 phiên giảm trong 7 phiên giao dịch gần nhất (1 phiên đứng giá), đã bất ngờ tăng mạnh trong nửa đầu phiên sáng nay. Mở cửa với mức tăng nhẹ 1 bước giá, HAG sau đó lại trở lại mức tham chiếu và tưởng chừng mã này sẽ có giao dịch lình xình như những phiên vừa qua, thì bất ngờ lực mua lại gia tăng, đẩy HAG lên thẳng lên mức 12.000 đồng, chỉ còn cách mức giá trần 1 bước giá. Tuy nhiên, chưa kịp có sắc tím, HAG đã bị đẩy lui trở lại và đóng cửa ở mức 11.600 đồng, tăng 1,75% với 2,95 triệu đơn vị được khớp.
Hiệu ứng ETF giúp HPG và HHS có được sắc xanh, nhưng đà tăng không quá mạnh khi HHS chốt phiên ở mức 15.700 đồng, tăng 1,95% với 3,44 triệu đơn vị được khớp, còn HPG tăng 2,68%, lên 30.600 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp.
FLC sau khi lình xình đầu phiên cũng có giao dịch sôi động vào nửa cuối phiên và đóng cửa với mức tăng 2,6%, lên 7.900 đồng với hơn 6 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, các mã lớn như VNM, VCB, CTG, BVH sau khi có mức tăng khá tốt đầu phiên đã dần yếu lực về cuối phiên, thậm chí CTG còn quay đầu giảm giá, VNM, BVH ở mức tham chiếu, VCB chỉ duy trì mức tăng nhẹ. Đà tăng của VN-Index còn bị cản trở bởi một số mã lớn như VIC, MSN.
Tuy nhiên, lực cản chính đến từ nhóm dầu khí. Sau tuần giảm hơn 10% trước đó, xuống mức thấp nhất 7 năm, giá dầu thô tiếp tục giảm khi bước vào phiên đầu tuần mới với giá dầu thô Mỹ xuống sát 35 USD/thùng và giá dầu thô Brent cũng đang đe dọa xuyên mốc 37 USD/thùng.
Việc giá dầu thô lao dốc đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cổ phiếu dầu khí đang niêm yết trên 2 sàn. Trên HOSE, GAS giảm 2,86%, xuống 37.300 đồng, PVD giảm 2,1%, xuống 28.000 đồng. Trên HNX, PVS giảm 2,84%, xuống 17.100 đồng, PVC giảm 1,19%, xuống 16.600 đồng, PVB giảm 4,19%...
Trên HNX, mã gây sự chú ý hôm nay là KSQ khi được kéo lên mức giá trần 3.400 đồng sau 5 phiên giảm sàn liên tiếp trong tuần trước. Đây cũng là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với gần 1,94 triệu đơn vị được khớp.