Chiếu qua, Petrolimex thông báo giảm giá xăng thêm 670 đồng/lít, xuống còn 22.890 đồng/lít. Đây là lần thứ 7 liên tiếp giá xăng được điều chỉnh giảm từ đầu năm tới nay, với tổng mức giảm 2.750 đồng/lít.
Trước đây, các thông tin như giá xăng, hay chỉ số giá tiêu dùng thường có tác động mạnh tới thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, các thông tin vĩ mô này ít có tác động tới tâm lý thị trường, bởi phần lớn cũng đã nằm trong dự báo, hoặc có tác động không nhiều.
Mặc dù vậy, với việc giá xăng liên tiếp giảm giá, cũng là thông tin được xem là khá tích cực cho nền kinh tế và có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh thị trường đang có khoảng trống thông tin trước khi đến với mùa công bố kết quả kinh doanh quý III như hiện nay.
Ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, lực bán đã không còn mạnh, tuy nhiên, bên mua cũng không quá vội vàng. Lệnh mua bán được đưa vào khá nhỏ giọt, không có bất kỳ sự đột biến nào giống như đợt ATC, nên chỉ giúp 2 chỉ số có sắc xanh nhạt với thanh khoản vừa phải.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,62 điểm (+0,1%), lên 614,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,53 triệu đơn vị, giá trị 44,68 tỷ đồng, thấp hơn đợt 1 phiên đầu tuần. Tương tự, HNX-Index cũng tăng điểm ngay từ đầu phiên và nới rộng dần lên ngưỡng 90,8 điểm và bị đánh bật trở lại.
Sang đến đợt khớp lệnh liên tục của sàn HOSE, giao dịch thị trường vẫn diễn ra chậm, trong khi bên bán duy trì được mức giá đủ cao, thì bên mua vẫn thận trọng gom hàng, không có hiện tượng nôn nóng của các bên. VN-Index duy trì được sắc xanh nhờ GAS tăng giá trở lại, tuy nhiên, một số mã lớn khác như VNM, VCB, VIC lại khiến chỉ số này không thể bứt hẳn lên, mà quay đầu giảm trở lại khi chưa chạm tới ngưỡng 617 điểm.
Sự hứng khởi đầu phiên nhanh chóng bị dập tắt khi bên nắm giữ cổ phiếu nhận thấy lực mua không quá mạnh, nhất là lực mua giá cao, nên đã bắt đầu hạ dần mức giá bán, khiến sắc đỏ nhích dần và vượt qua sắc xanh, dù trước đó, số mã giảm giá chỉ bằng 1/2 số mã tăng giá.
Những phút còn lại của phiên, dù có lúc đã nổ lực tăng trở lại, nhưng cuối cùng, VN-Index cũng không thể có được phiên hồi phục như kỳ vọng của các công ty chứng khoán khi chốt phiên sáng.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,51 điểm (-0,08%), xuống 613,71 điểm. VN30-Index giảm 0,28 điểm (-0,04%), xuống 650,79 điểm.
Thanh khoản thị trường sụt giảm so với nhiều tuần qua khi chốt phiên sáng chưa tới 1.000 tỷ đồng được chuyển nhượng. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch đạt 50,38 triệu đơn vị, giá trị 919,12 tỷ đồng và chủ yếu là khớp lệnh, vì thỏa thuận chỉ đóng góp hơn 0,64 triệu đơn vị, giá trị 15 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index vẫn duy trì được đà tăng 0,18 điểm (+0,20%), lên 90,60 điểm. Tuy nhiên, HNX30-Index do không được hỗ trợ bởi các mã mới lên sàn và FIT, nên đóng cửa giảm nhẹ 0,08 điểm (-0,04%), xuống 183,98 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,69 triệu đơn vị, giá trị 541,18 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,16 triệu đơn vị, giá trị 56,57 tỷ đồng.
Thời điểm đầu phiên, sắc xanh bao phủ trong nhóm bluechip và các mã dẫn dắt, nhưng sau đó, lực bán giá thấp tăng lên khiến sắc xanh phai dần, chỉ còn lác đác vài mã tăng.
GAS trở về giá tham chiếu, VIC, SSI, HCM, VCB, MSN, BID, HPG… quay đầu giảm giá. May mắn DPM, BVH tăng giá hỗ trợ ít nhiều cho VN-Index.
OGC sau phiên “làm mưa, làm gió” trong đợt ATC chiều qua cũng lặng sóng trong phiên sáng nay, dù vẫn duy trì được mức tăng giá 100 đồng, với hơn 2 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn chưa thể hiện được nhiều so với kỳ vọng của giới chuyên gia để trở thành nhóm dẫn dắt thị trường. Sự phân hóa diễn ra khá sâu sắc và dòng tiền cũng tạm lánh xa nhóm cổ phiếu vốn có nhiều sóng này. Ngay cả FLC, ITA vốn là những địa chỉ ưa thích của dòng tiền đầu cơ, cũng giao dịch èo uột trong phiên sáng nay khi chỉ được khớp hơn 2 triệu đơn vị với mức giá dao động trong biên độ hẹp quanh tham chiếu.
Những cố phiến vốn tăng nóng nhiều phiên qua như BT6, RIC, PTC vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh đó, cũng bắt đầu xuất hiện một số điểm nóng mới là VNH, CLG và một vài mã khoáng sản cũng bắt đầu trở lại.
Trên HNX, trong khi VIX nổi đình nổi đám với mức tăng trần 2.900 đồng, lên 32.400 đồng, thì các mã khác chỉ lình xình quanh tham chiếu. Mức giá này của VIX thậm chí còn cao hơn cả SSI và gần bằng HCM. Đây chính là 3 mã chứng khoán có thị giá cao nhất trên cả 2 sàn hiện nay. Tuy nhiên, trong khi SSI và HCM là những “đại gia” của khối chứng khoán, thì VIX lại rất ít tên tuổi, ngoại trừ những lần sang tên, đổi chủ.
Đà tăng của HNX-Index còn được duy trì đến thời điểm này dù số mã giảm giá nhiều hơn số mã tăng giá có lẽ là do PVS có được mức tăng 400 đồng. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của một số bluechip khác như FIT, PVC.
TVC vẫn duy trì đà tăng trần, lên 28.300 đồng với 590.200 đơn vị được khớp. Trong khi VMI vẫn đang trong “tuần trăng mật” khi tiếp tục tăng kịch biên độ, lên 21.400 đồng, với 117.300 đơn vị được khớp và còn dư mua gần 200.000 đơn vị.
Một tân binh khác là CEO sau khi giảm nhẹ đầu phiên cũng đã đảo chiều đi lên với mức tăng 700 đồng (+4,49%), lên 16.300 đồng/đơn vị sau thông tin khởi công dự án bất động sản du lịch ở Phú Quốc. Tuy nhiên, NDF lại không được may mắn như những mà lên sau ở trên khi tiếp tục giảm 1.200 đồng (-4,26%), xuống 27.000 đồng. Sau khi lên sàn ngày 12/9 với giá tham chiếu 14.500 đồng, NDF đã có chuỗi tăng mạnh, leo lên 39.600 đồng ngày 2/10 và từ đó bắt đầu hạ nhiệt dần.
Về các mã khác, ASA sau những phút sóng gió đã tiếp tục trở lại với sắc tím như phiên đầu tuần, HNM cũng tương tự khi có được mức tăng trần tiếp theo, lên 18.500 đồng.
Trong khi đó, ở những mã dẫn dắt, PVX tăng nhẹ 100 đồng với 4,69 triệu đơn vị được khớp, tiếp sau là PVS tăng 700 đồng (+1,63%), lên 43.600 đồng với 2,59 triệu đơn vị được khớp. FIT cũng có mức tăng 500 đồng (+2%), lên 25.500 đồng.