Tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư đã giúp thị trường có một tuần giao dịch khá thành công. Không chỉ nhà đầu tư trong nước cảm thấy lạc quan hơn, mà khối ngoại cũng liên tục mua gom cổ phiếu, đẩy mạnh mua ròng trong các phiên, đã tạo lực hút lớn dòng tiền lan tỏa vào thị trường. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ nhanh chóng chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo là 640 điểm.
Tuy nhiên, theo bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích ACBS, trong một vài phiên sắp tới, áp lực điều chỉnh của VN-Index khá lớn trong bối cảnh giá dầu điều chỉnh khá mạnh ở phiên cuối tuần và một vào bluechip vẫn chưa tham gia xu hướng tăng điểm một cách rõ ràng.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, áp lực bán lên cao xuất hiện ngay đầu phiên khiến VN-Index lùi sâu dưới mốc tham chiếu.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 3,58 điểm (-0,57%) xuống 626,26 điểm, với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,58 triệu đơn vị, trị giá 60,84 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm tiếp tục nới rộng khi sắc đỏ ngập tràn bảng điện tử, trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip cũng hầu hết giảm điểm với gánh nặng chính đến từ các cổ phiếu dầu khí.
Thông tin số lượng giàn khoan tăng khiến giá dầu lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần qua, rơi xuống dưới mốc 50 USD/thùng khiến các cổ phiếu dầu khí đua nhau giảm mạnh trong phiên sáng nay. Cụ thể, PVD giảm 4,41%, GAS giảm 2,48%.
Mặt khác, cuối tuần qua, thị trường còn đón nhận thông tin thiếu tích cực từ quỹ VNM. Cụ thể, trong đợt đảo danh mục lần 2/2016, quỹ ETF sẽ loại HHS ra khỏi danh mục, đồng thời, giảm tỷ trọng các mã SBT, VIC, PVS.
Thông tin quỹ VNM sẽ bán mạnh các cổ phiếu trên khiến giá các mã này quay đầu giảm mạnh như HHS giảm 4,95%, SBT giảm 3,25%, VIC giảm 0,9%, PVS giảm tới 3%.
Ngoài ra, các ông lớn cũng tạo sức ép lên thị trường như VNM, MSN, BVH đều quay đầu giảm 500-1.000 đồng/CP.
Theo nhận định của ông Nguyễn Thế Minh, phụ trách mảng phân tích thị trường VCSC, trong thời gian gần đây, dòng tiền đầu cơ đã quay trở lại trên nhóm cổ phiếu midcap và smallcap, tuy nhiên, đà tăng của nhóm cổ phiếu này vẫn chưa đạt ở độ nóng cao và chưa có dấu hiệu đỏa chiều giảm ở các nhóm cổ phiếu trên.
Trái với diễn biến các cổ phiếu nhóm bliuechip, các mã thị trường quen thuộc vẫn giao dịch sôi động nhờ lực cầu hấp thụ tốt. Cụ thể, sau 50 phút giao dịch của phiên sáng, FLC giao dịch nhẹ trên mốc tham chiếu và khớp hơn 2,31 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn; FIT tăng 2,9% và khớp 2,2 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu JVC tiếp tục tỏa sáng. Sắc tím vẫn được bảo toàn vững chắc với khối lượng khớp 1,72 triệu đơn vị, dư mua trần 0,18 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của JVC.
Thị trường hãm đà giảm sâu sau nhịp giảm mạnh đầu phiên nhờ sự phục hồi của một số mã ngân hàng như VCB, STB. Tuy nhiên, cung giá thấp tỏ ra quyết liệt và dứt điểm trên diện rộng khiến thị trường lao dốc mạnh, chỉ số VN-Index giảm hơn 1,2%.
Sau khi áp sát ngưỡng kháng cự mạnh 620 điểm, lực cầu bắt đáy xuất hiện nhanh chóng giúp thị trường phần nào được cứu vớt, chỉ số VN-Index bật trở lại và đã dành lại mốc 625 điểm.
Chốt phiên giao dịch sáng đầu tuần, toàn sàn HOSE có tới 133 mã giảm, gấp hơn 2 lần số mã tăng (61 mã), chỉ số VN-Index giảm 4,75 điểm (-0,75%) xuống 625,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71,92 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 1.249,57 tỷ đồng. Chỉ số Vn30-Index giảm 5,5 điểm xuống 623,77 điểm khi có tới 22 mã giảm và 4 mã tăng nhẹ.
Tương tự, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo sàn HNX với 101 mã giảm và 69 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,44%) xuống 84,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,7 triệu đơn vị, trị giá 399,37 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,8 điểm xuống 152,49 điểm với 9 mã tăng và 18 mã giảm.
Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn tạo sức ép lớn nhất đối với thị trường, như PVD giảm 4,7% và khớp 1,97 triệu đơn vị, GAS giảm 0,8%, PVS giảm 2,5%, PVC giảm 3,6%, PVB giảm 4,3%, PGS giảm 2,7%...
Các cổ phiếu lớn khác cũng tạo gánh nặng lên thị trường như VIC giảm 1,85%, VNM giảm 0,73%, MSN giảm 1,43%, BVH giảm 1,55%...
Trong nhóm VN30, chỉ còn 4 mã gồm VCB, STB, HSG và FLC giữ sắc xanh, tuy nhiên, đà tăng khá hạn chế, không đủ sức để cứu vớt thị trường trước sức ép bán trên diện rộng.
Tâm lý thận trọng trước sức ép điều chỉnh khiến thanh khoản thị trường khá thấp. Trong đó, dòng tiền khá ưu ái các mã đầu cơ.
Cặp đôi FLC và FIT đều khởi sắc, trong đó, FLC tăng 1,5% và khớp 3,89 triệu đơn vị; còn FIT vẫn nhận được sự hậu thuẫn của nhà đầu tư ngoại khi được khối này mua ròng mạnh nhất gần 0,82 triệu đơn vị, đã tăng 2,9% và khớp 3,35 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu vừa bị quỹ VNM thông báo sẽ loại khỏi rổ cơ cấu danh mục quý II/2016 là HHS đã chịu sức ép bán mạnh của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhanh chóng quay đầu giảm mạnh, thậm chí có thời điểm chạm sàn. Chốt phiên, HHS giảm 5,94% và khớp 4,28 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.
Trong khi đó, JVC vẫn duy trì trạng thái dư trần lớn, gần 0,55 triệu đơn vị trong khi bên bán trống sàn và giữ ở mức giá trần 4.600 đồng/CP với lượng khớp 1,86 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, DCS không còn giữ sắc tím nhưng đà tăng vẫn khá mạnh, với mức tăng 6,1% lên 5.200 đồng/CP và giao dịch sôi động đạt gần 3,6 triệu đơn vị khớp lệnh, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.