Phiên giao dịch sáng 12/8: Chung số phận

Phiên giao dịch sáng 12/8: Chung số phận

(ĐTCK) Dường như việc Trung Quốc phá giá kỷ lục đồng nhân dân tệ không chỉ ảnh hưởng xấu tới chứng khoán Âu, Mỹ, mà cả chứng khoán Việt Nam.

Sau phiên hưng phấn đầu tuần, thị trường lại chịu áp lực chốt lời mạnh, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu cạn room. Đà tăng khá từ nhóm cổ phiếu bảo hiểm và ngân hàng phần nào giúp các chỉ số không bị giảm sâu.

Trong phiên giao dịch hôm qua, dù có thời điểm tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, bảo hiểm và một số mã lớn, nhưng cuối cùng VN-Index đã quay đầu giảm điểm. Lý do khiến thị trường đảo chiều dường như xuất phát từ thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% so với USD.
Điều này sẽ khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, trong khi các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường này sẽ đắt hơn, ảnh hưởng lớn tới kinh tế thế giới, qua đó tác động tiêu cực tới TTCK toàn cầu, trong đó có TTCK Việt Nam.

Trong phiên sáng nay, trên bảng điện tử, sắc đỏ được bao phủ với số mã giảm điểm chiếm áp đảo. Ngay trong nhóm VN30, chỉ có duy nhất 1 mã tăng điểm, còn lại đều giảm điểm.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 3,72 điểm (-0,61%) xuống 609,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,9 triệu đơn vị, tương đương giá trị 72,63 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, các chỉ số tiếp tục nới rộng đà giảm, chỉ sau 20 phút giao dịch, VN-Index đã mất hơn 6 điểm với thanh khoản thấp.

Nhóm bảo hiểm, BVH giảm 1.000 đồng; BIC giảm 700 đồng; BMI giảm 500 đồng; trong khi ở nhóm ngân hàng: VCB, EIB, CTG, BID, MBB mức giảm dao động từ 100 -300 đồng.

Việc một số mã vốn hóa lớn như GAS, STB, MSN quay về tham chiếu, cũng chỉ đủ sức giúp các chỉ số hãm bớt đà rơi.

SSI vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn và được khối ngoại mua vào mạnh. Thông tin Công ty có thể được nới room 100% đã tạo sức hút cho SSI, tuy nhiên, trong áp lực chung của toàn thị trường, SSI cũng không tránh khỏi xu hướng giảm. Hiện mã này đang giao dịch tại mức giá 27.000 đồng, giảm 400 đồng, với gần 2 triệu cổ phiếu được giao dịch, trong đó, giao dịch của khối ngoại đạt gần 850.000 đơn vị.

Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường nhận thông tin, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới biên độ dao động tỷ giá giữa VND và USD từ +/-1%, lên +/-2%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, biên độ tỷ giá mới sẽ cho phép tỷ giá biến động trong phạm vi mức tỷ giá trần là 22.106 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.

Sau thông tin này, tỷ giá USD trên thị trường ngân hàng do Vietcombank niêm yết đã tăng lên mức 21.990 - 22.090 đồng/USD, tăng 205 đồng/USD ở chiều mua vào và tăng 245 đồng/USD ở chiều bán ra.

Đà giảm của thị trường theo đó cũng được hãm lại và VN-Index đang tiến dần về tham chiếu.

Trên HNX, diễn biến thị trường cũng không có nhiều khả quan, đến 9h45, chỉ số HNX-Index giảm 0,48 điểm (-0,58%) xuống 83,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,2 triệu đơn vị, trị giá 107,58 tỷ đồng.

Một vài mã dầu khí như PVL, PVE tăng nhẹ 100 đồng, còn hầu hết các mã dẫn dắt như ACB, PVX, SCR, SHS, PVS, PVC, SHN đều giảm điểm.

Được biết, ngày mai (13/8), UBCK sẽ tổ chức hội thảo về nới room. Theo đại diện UBCK, tại hội thảo này, Ủy ban sẽ công bố dự thảo thông tư về nới room để lấy ý kiến các thành viên thị trường. Có lẽ với xu hướng hiện tại, thị trường cần có điểm tựa thông tin để tạo sự bứt phá và nhà đầu tư cũng thận trọng để chờ thông tin.

Sau nỗ lực phục hồi, nhưng dường như chịu sức ép bán lớn, trong đó có nhiều khả năng là từ khối ngoại sau khi đồng USD tăng mạnh so với VNĐ sau động thái nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, khiến thị trường lại giảm mạnh trở lại. Ngưỡng hỗ trợ 610 điểm do đó cũng dễ dàng bị xuyên thủng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,41 điểm (-1,05%) xuống 606,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,8 triệu đơn vị,  trị giá 1.064,13 tỷ đồng.

Trên HNX, chỉ số sàn này cũng giảm 0,6 điểm (-0,72%) xuống 83,24 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 26,88 triệu đơn vị, trị giá 301,29 tỷ đồng.

Tổng giá trị trên cả 2 sàn trong phiên sáng nay đạt gần 1.400 tỷ đồng - không phải mức quá thấp, nhưng sự suy yếu từ nhóm trụ cột, đặc biệt là đà giảm của 3 mã có giá trị vốn hóa lớn là VCB giảm 1.200 đồng, GAS giảm 500 đồng và VNM giảm 1.000 đồng, khiến các chỉ số khó bật qua tham chiếu. Ngoài VCB, nhóm ngân hàng chủ chủ yếu là giảm giá, ngoại trừ EIB quay đầu tăng nhẹ 1 bước giá.

Ngay trong nhóm bảo hiểm, dù có thời điểm BVH tăng tới 2,88%, nhưng chốt phiên vẫn giảm 0,96%.

Đáng chú ý, dòng chứng khoán dường như có dấu hiệu phục hồi. Ngoài SSI mất đi vị trí dẫn dắt khi room đã cạn, HCM (trên HOSE) và VND (trên HNX) dường như đang là điểm thay thế. Bất chấp xu hướng giảm chung của thị trường, HCM tăng 100 đồng, VND cũng tăng 200 đồng. Trong đó, VND đang được khối ngoại mua vào mạnh, với 380.000 đơn vị, chiếm gần 30% tổng khối lượng giao dịch của VND.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ, giao dịch cũng diễn ra khá buồn tẻ và đều đóng cửa ở dưới tham chiếu. Thanh khoản không lớn, chỉ trên dưới 2 triệu đơn vị, có nhiều mã còn có thanh khoản rất thấp như ITA, HAI, PVX, SCR…

Tin bài liên quan