Trong nhận định thị trường tuần này, các công ty chứng khoán và chuyên gia chứng khoán tuy chưa có cái nhìn lạc quan về xu hướng của thị trường, nhưng cũng không quá bi quan và cho rằng, nhiều khả năng thị trường sẽ giằng co đi ngang để tìm điểm cân bằng, trước khi bật tang trở lại.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường khi bước vào phiên đầu tuần mới khiến nhiều người bất an. Ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, lênh bán tháo ồ ạt đã được tung ra, đẩy cả 2 sàn giảm mạnh, sắc đỏ bao trum bảng điện tử, trong đó, sắc xanh mắt mèo cũng dày đặc hơn.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 5,64 điểm (-1,04%), xuống 536,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,67 triệu đơn vị, giá trị 34,4 tỷ đồng.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, tâm lý nhà đầu tư trở nên hoảng loạn thật sự khi bên bán ồ ạt xả hàng, trong khi bên mua không còn dám mạnh tay như 2 phiên trước, khiến cả 2 chỉ số rớt hơn có thời điểm rơi hơn 5,5% như phiên giảm lịch sử ngày 8/5 trước. Tuy nhiên, sau đó, khi VN-Index về gần 510 điểm, các mã đồng loạt giảm sàn, lực cầu bắt đáy đã tranh thủ gom hàng giá rẻ, nhất là ở các mã bluechip, giúp đà giảm được hãm bớt và thanh khoản cũng dần được cải thiện, nhưng vẫn thua xa so với phiên sáng 8/5.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 24,64 điểm (-4,54%), xuống 517,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 76,1 triệu đơn vị, giá trị 1.178,5 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận khá thấp, chỉ 1,1 triệu đơn vị, giá trị 25,77 tỷ đồng. VN30-Index giảm 26,01 điểm (-4,42%), xuống 561,9 điểm. HNX-Index giảm 3,38 điểm (-4,55%), xuống 70,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42 triệu đơn vị, giá trị 357,67 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 8,84 điểm (-6,11%), xuống 135,88 điểm.
Số mã giảm sàn trên HOSE lên tới hơn 100 mã, trong đó, CII tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp, xuống 19.700 đồng. FLC cũng bị kéo xuống mức sàn 8.000 đồng/cổ phiếu với hơn 8,4 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán giá sàn 570.450 đơn vị, bất chấp vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 lãi 43,8 tỷ đồng trước thuế, tăng 27 lần so với cùng kỳ và bằng 35% lợi nhuận cả năm 2013.
ITA cũng tương tự, giảm xuống mức sàn 7.100 đồng/cổ phiếu với hơn 5,24 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn. Chung đội quân giảm sàn với các mã trên, còn có nhiều bluechip khác như FPT, GMD, HSG, REE, VSH... nhóm chứng khoán với cả 4 mã niêm yết trên HOSE cũng chốt phiên sáng với sắc xanh mắt mèo. Nhóm bất động sản cũng chung cảnh ngộ và dĩ nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí và vận tải biển cũng ồ ạt giảm sàn.
Trên HNX, số mã giảm sàn cũng gần 100 mã, trong đó có nhiều mã dần dắt như SCR, PVX, VCG, nhóm chứng khoán và dĩ nhiên ngoài PVX, các cổ phiếu họ dầu khí khác cũng giảm sàn đồng loạt.
Thông tin tác động tới thị trường vẫn không có gì mới, các thông tin kinh tế vĩ mô được công bố trước đó đều cho thấy bức tranh kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa được công bố tiếp tục tích cực, mà mới nhất là FLC như đã thông tin ở trên. Ngoại trừ, thông tin về tình hình vẫn căng thẳng trên biển Đông. Đây có thể là thông tin tác động lớn nhất tới tâm lý nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, mức giảm điểm quá đà hiện nay của thị trường, không loại trừ có bàn tay của các "tay to" ép giá để gom hàng giá thấp. Hoạt động "short sell - bán khống" cũng đã được một số công ty chứng khoán và chuyên gia đề cập, dù chưa có bằng chứng rõ ràng nào được đưa ra. UBCK trong thông báo cảnh báo nhà đầu tư phát đi ngày 8/5 cũng cho biết, sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường, nhất là các giao dịch có dấu hiệu bất thường.
Chính mức giảm quá đà của thị trường, khiến cho nhiều tài khoản margin rơi vào tình trạng nguy hiểm và qua đó, cũng kích hoạt lệnh "buộc phải bán" tự động, càng khiến cho thị trường xấu thêm.