Phiên giao dịch sáng 12/2: Trở lại cuộc đua

Phiên giao dịch sáng 12/2: Trở lại cuộc đua

(ĐTCK) Dù được khuyến nghị tránh mua đuổi giá trong phiên, nhưng nhận thấy cơ hội đang đến, nhiều nhà đầu tư sợ lỡ mất “chuyến tàu” nên đã trở lại cuộc đua mới.

Trong phiên chiều qua (11/2), thị trường đã trải qua 10 phút đau tim, nhiều nhà đầu tư mặt cắt không còn giọt máu khi chứng khiến cơn "xả lũ" kinh hoàng trong đợt ATC, kéo thị trường lùi hẳn gần 8 điểm với hàng chục mã từ tăng thành giảm.

Sau phiên chiều qua, nhiều nhà đầu tư đã đề cập đến việc thị trường sẽ tiếp tục bị xả mạnh trong phiên sáng nay, các cổ phiếu chịu trận hôm nay là nhóm bất động sản.

Tuy nhiên, diễn biến của thị trường trong phiên sáng nay lại hoàn toàn ngược lại. Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh ngay từ đầu phiên với sức mua tăng vọt, trong khi lực bán đúng như nhận định vẫn còn khá lớn.

Tham khảo một số công ty chứng khoán và nhà đầu tư, đa số điều cho rằng, hỗ trợ chính cho tâm lý hứng khởi trở lại của nhà đầu tư trong nước sáng nay là thông tin tích cực về thị trường chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên tối qua.

Trong phiên tối qua, chứng khoán Âu, Mỹ đã có phiên bùng nổ với bài phát biểu của tân Chủ tịch FED Janet Yellen rằng, cơ quan này sẽ không sớm chấm dứt gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất, bởi thị trường lao động cần phải được cải thiện và ổn định hơn.

Dù gói QE3 bị cắt giảm 10 tỷ USD/tháng, nhưng với lượng tiền 75 tỷ USD được bơm ra mỗi tháng, dòng tiền nóng từ Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt cho không chỉ thị trường chứng khoán Mỹ, Âu, mà cả các thị trường chứng khoán mới nối, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam, khi dòng vốn ngoại sẽ không bị rút ra mà sẽ tiếp tục được bơm vào các thị trường này để tìm kiếm lợi nhuận.

Trở lại với diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 1,65 điểm (+0,3%) lên 555,55 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 3,28 triệu đơn vị, tương đương giá trị 53,78 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, thị trường vẫn trong xu thế tăng mạnh, chỉ sau 30 phút giao dịch chỉ số VN-Index tăng hơn 4 điểm, đi kèm với đó là mức thanh khoản liên tục gia tăng, đạt 264 tỷ đồng, vượt 500 tỷ đồng và gần 1.000 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 tiếng rưỡi giao dịch.

Dù có chút điều chỉnh sau đó khi lực bán tăng lên, nhưng bên mua tiếp tục khẳng định vị thế của mình giúp VN-Index nhanh chóng quay đẩu tăng mạnh trở lại và hướng đến mốc 560 điểm.

Trên bảng điện tử, số mã tăng giá chiếm thế áp đảo, gấp hơn 3 lần số mã giảm giá. Không chỉ midcap, mà cả bluechip và largecap cũng đồng loạt tăng giá.

Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 5,03 điểm (+0,91%) lên 558,93 điểm. Nhóm VN30 với 20 mã tăng, 2 mã giảm và 8 mã đứng giá, tăng 3,87 điểm (+0,62%) lên 631,27 điểm. Trên HNX, chỉ số HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,52%) lên 75,95 điểm. Chỉ số HNX30 với 12 mã tawngm 6 mã giảm, 11 mã đứng giá tăng 0,45 điểm (+0,3%) lên 148,84 điểm.

Về thanh khoản, HOSE giao dịch được 77,33 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.319 tỷ đồng (giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 105 tỷ đồng). Trong khi trên HNX, hơn 40,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng, trị giá 371 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý trong nhóm VN30 là VCB, với lực mua mạnh từ khối ngoại, đạt 389.740 đơn vị, chiếm đến gần 68% tổng khối lượng giao dịch của mã này, giúp VCB tăng mạnh 2,12%, lên mức giá 28.300 đồng/cp.

Các mã bluechip khác cũng đồng loạt tăng như GAS (tăng 2,6%); BVH (tăng 1,5%); SSI (tăng 1,7%); HPG, HSG (cùng tăng 1,6%)… hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index.

Nhóm bất động sản tiếp tục khẳng định vị thế với nhiều mã tăng trần như MCG, NBB, PTL, VRC. Tham gia vào đội quân áo tím sáng nay còn có cái tên quen thuộc của giới đầu cơ trước đây là KMR.

NKG với khuyến nghị mua vào của CTCK Maybank KimEng cũng được nhà đầu tư tin tưởng xuống tiền, giúp mã này tăng trần lên 11.500 đồng/cổ phiếu.

Dĩ nhiên, với phiên sôi động này, FLC không có lý do gì để không tạo sóng. Trong phiên sáng nay, lực mua ồ ạt đổ vào FLC giúp mã này được khớp gần 6,4 triệu đơn vị, đạt mức 9.900 đồng (tăng 5,3%). Nếu lực bán không quá lớn trong phiên chiều, nhiều khả năng, FLC sẽ được kéo lên mức trần 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tiếp đến là ITA với 4,3 triệu đơn vị. Mặc dù có thanh khoản tốt, nhưng mã này vẫn lình xình quanh mốc tham chiếu.

Trong khi đó, trên sàn HNX, với lực cầu tốt SCR khớp tiếp được 4,7 triệu đơn vị và duy trì đà tăng nhẹ 100 đồng. VCG dù mất mức trần, nhưng vẫn giữ được đà tăng tốt với 0,5 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, sau 2 phiên ngập ngừng với thông tin có khả năng có thể bị hủy niêm yết, PVX đã vụt tăng trở lại khi giới "lướt lát" vẫn tìm thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn ở mã này. Tuy nhiên, lực bán cũng khá lớn khiến PVX yếu dần và chỉ còn đủ duy trì sắc xanh nhạt với mức tăng 1 bước giá, tổng khối lượng khớp đạt 6,32 triệu đơn vị.

Sau thông tin Giám đốc và thành viên HĐQT đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu, KSD đã nhà đầu tư đón đầu gom mạnh, kéo mã này tăng trần. Tương tự, sau thông tin Chủ tịch HĐQT Vũ Dương Hiển đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu, HPC cũng được lôi thẳng lên mức trần với dư mua khá lớn.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 87 mã trên HOSE với khối lượng 2,65 triệu đơn vị và 49 mã trên HNX với khối lượng 477.900 đơn vị. Đồng thời bán ra 25 mã với khối lượng 198.628 đơn vị.

Tin bài liên quan