Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần giao dịch khá thành công khi VN-Index đạt mốc cao nhất trong năm, thanh khoản cả 2 sàn cũng được cải thiện. Tuy nhiên, trong khi nhà đầu tư nội tích cực đổ tiền vào thị trường, thì khối ngoại lại có xu hướng ngược lại, với lệnh bán ròng liên tục xuất hiện. Điều này khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch đầu tiên trong tuần thứ 2 của tháng 8.
Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index giảm 2,65 điểm (-0,44%) xuống 602,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,35 triệu đơn vị, tương đương giá trị 42,68 tỷ đồng.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, thị trường dần lấy lại sắc xanh. Những tưởng xu hướng của tuần trước sẽ tiếp tục được thực hiện trong tuần này, giúp VN-Index chinh phục nấc điểm mới. Tuy nhiên, dòng tiền của nhà đầu tư vấn đang loanh quanh, chưa có một nhóm ngành hay nhóm cổ phiếu nào đủ sức hấp dẫn để dẫn dắt dòng tiền, cột chỉ số trên sàn nhanh chóng được thay thế bằng sắc đỏ.
“Thị trường có cơ hội tăng giá nếu như dòng tiền dịch chuyển mạnh sang nhóm cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ. Thế nhưng, trong tâm trí NĐT vẫn lo sợ rủi ro đảo chiều nên không dám mạnh tay chuyển sang nhóm cổ phiếu này, bởi nếu như đảo chiều thì đây sẽ là nhóm cổ phiếu có nguy cơ giảm giá mạnh. Vì thế, thị trường vẫn chưa có một nhóm ngành nào hay nhóm cổ phiếu nào tạo sức hấp dẫn hay sức hút cụ thể để dẫn dắt dòng tiền. Khi điều đó chưa xảy ra thì kỳ vọng VN-Index bứt phá qua vùng đỉnh là chưa thể và thị trường cũng chưa sẵn sàng”, CTCK IVS nhận định.
Trong khi đó, nhóm buechip, nhân tố hỗ trợ tích cực cho đà tăng cũng không còn duy trì được đà tăng. Trong nhóm “tứ trụ”, GAS và VNM về mốc tham chiếu, trong khi VIC giảm 500 đồng; MSN giảm 1.000 đồng.
Một số cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH giảm 200 đồng; MBB, VCB giảm 100 đồng…
Trên sàn HNX, HNX-Index cũng đảo chiều sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp trong tuần trước. Đến 9h45, chỉ số trên sàn này giảm 0,25 điểm (-0,32%) xuống 80,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11 triệu đơn vị, tương đương giá trị 128,21 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu đầu cơ, chỉ còn duy nhất PVS tăng điểm, với mức tăng 100 đồng. VND và ACB giảm 100 đồng. Phần lớn là đứng giá, như SHB, SCR, PVX, KLS.
Thanh khoản tập trung vào 2 mã PVX và KLF với khối lượng khớp được lần lượt là 2,43 triệu và 2,55 triệu đơn vị.
Sắc đỏ vẫn bao chùm trên cả hai sàn khi kết thúc phiên giao dịch sáng.
Kết thúc phiên, VN-Index giảm 3,11 điểm (-0,51%) xuống 602,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,32 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.022,37 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 8,47 triệu đơn vị, trị giá 296,16 tỷ đồng (chủ yếu là giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu VNS, chiếm đến 263 tỷ đồng).
Nhóm VN30, không có sự tác động từ GAS (giảm 1.000 đồng) và được hỗ trợ từ nhóm chứng khoán HCM, SSI (tăng 100 đồng) và một số cổ phiếu ngân hàng như CTG, EIB, MBB (tăng 100 đồng), nhưng cũng chỉ hạn chế được đà giảm hơn so với VN-Index.
So với thời điểm đầu phiên, đà giảm từ những mã lớn đã lan rộng ra nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Kết thúc phiên giao dịch sáng, số mã giảm điểm đã chiếm áp đảo mã tăng điểm, với 113 mã giảm.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản chứng kiến sự hồi phục của FLC, lên mức giá 14.000 đồng (tăng 100 đồng) với hơn 6 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Về thanh khoản, ngoài FLC, trên HOSE không mã nào có giao dịch đột biến, những mã có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn cũng chỉ đạt trên 1 triệu đơn vị.
Trên HNX, diễn biến cũng không có nhiều khác biệt, giao dịch khá buồn tẻ. Dòng tiền tập trung vào một số mã như KLF (4 triệu); PVX (3,4 triệu) và SCR (2,8 triệu); PVS (1,3 triệu). Còn hầu hết đều có thanh khoản rất thấp, dưới 1 triệu đơn vị.
Về giá, ngay đến nhóm cổ phiếu đầu cơ, hầu hết đều lình xình quanh tham chiếu.
Kết thúc phiên sáng, chỉ số HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,48%) xuống 80,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,8 triệu đơn vị, tương đương giá trị 284,12 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,24 tỷ đồng.
HNX30-Index giảm 0,74 điểm (-0,45%) xuống 161,8 điểm.