Phiên giao dịch sáng 11/5: Dòng tiền run sợ, thị trường quay đầu giảm

Phiên giao dịch sáng 11/5: Dòng tiền run sợ, thị trường quay đầu giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không như kỳ vọng thị trường sẽ tiếp đà hồi phục sau phiên đảo chiều ngoạn mục hôm qua, việc dòng tiền lo sợ đứng ngoài đã khiến VN-Index quay đầu giảm trở lại trong phiên sáng nay. Tác nhân chính vẫn là nhóm VN30.

Kịch bản của tuần trước kỳ nghỉ lễ dường như lặp lại trong tuần này khi thị trường lao dốc ngay trong ngày đầu tuần khiến nhiều nhà đầu tư hoảng loạn. Sau đó là phiên đảo chiều ngoạn mục với việc VN-Index được kéo tăng hơn 60 điểm, từ mức giảm 37 điểm lên đóng cửa ở mức cao nhất ngày với mức tăng gần 24 điểm.

Theo CTCK SHS, với phiên hồi phục này, thị trường đã xác nhận đáy thứ 2 trong vùng hỗ trợ 1.225 - 1.250 điểm (đáy tháng 7/2021) và đà hồi phục này có thể duy trì trong phiên tiếp theo khi mà tâm lý các nhà đầu tư trở nên tích cực hơn. Tuy nhiên, việc VN-Index chưa thể chinh phục trở lại mốc 1.350 điểm, thì đây đơn thuần chỉ là các phiên hồi kỹ thuật, trong sóng giảm với ngưỡng hỗ trợ mục tiêu là 1.200 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, tâm lý thận trọng vẫn được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu dù thị trường có phiên hồi phục tích cực hôm qua, nên thị trường giằng co quanh ngưỡng 1.290 điểm.

Tuy nhiên, diễn biến của VN-Index thời gian gần đây bị chi phối bởi VN30, bởi trên bảng điện tử, có phiên VN-Index bật tăng nhưng sắc đỏ chiếm thế áp đảo, có phiên lại ngược lại, VN-Index giảm nhưng sắc xanh chiếm ưu thế và phiên sáng nay là một trong những phiên như thế. Dù VN-Index chỉ le lói sắc xanh trong thời gian đầu phiên, còn lại chủ yếu dao động trong sắc đỏ, nhưng số mã tăng nhiều hơn gấp rưỡi số mã giảm.

Trong số mã tăng, đáng chú ý là các mã có tính thị trường - là địa chỉ ưa thích của dòng tiền đầu cơ – sáng nay hồi phục tích cực. Đặc biệt, ROS sáng nay được kéo lên mức trần 5.160 đồng với thanh khoản tốt nhất sàn.

Các cổ phiếu khác trong họ FLC có thêm ART (sàn HNX) cũng được kéo kịch trần lên 6.600 đồng, còn lại FLC tăng mạnh gần 6%, AMD tăng hơn 5%, HAI hơn 4%, còn trên sàn HNX, KLF cũng tăng gần 7%.

Nhóm Louis cũng tăng mạnh với TGG hơn 5%, BII trên sàn HNX tăng kịch trần. Ngoài ra, các mã khác như HDC, HQC, DLG, DIG, LDG, CII, NBB…, cũng tăng tốt, trong đó HDC kịch trần.

Các nhóm có tác động mạnh tới chỉ số đều phân hóa như ngân hàng, chứng khoán, thép, trong khi nhóm phân bón hồi phục sau nhiều phiên giảm sâu.

Tuy nhiên, lực cầu thận trọng, trong khi nhóm VN30 chỉ có 2 sắc xanh nhạt tại CTG và VRE, còn lại có tới 28 mã giảm khiến VN-Index quay đầu giảm sâu xuống vùng 1.280 điểm. Độ rộng của thị trường cũng nghiêng dần sang sắc đỏ khi chốt phiên số mã giảm lại nhiều hơn gấp rưỡi số mã tăng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 11,95 điểm (-0,92%) xuống 1.281,61 điểm với 163 mã tăng (3 mã trần là EMC, VMD và YEG và đều có thanh khoản thấp), trong khi số mã giảm nhiều thêm hơn 100 mã thành 266 mã, nhưng cũng chỉ có 2 mã sàn là HU1 và VFG, cũng là các mã có thanh khoản rất thấp. Tổng khối lượng giao dịch đạt 213,5 triệu đơn vị, giá trị 5.808,5 tỷ đồng, giảm tới 45,6% về khối lượng và 43,6% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,8 triệu đơn vị, giá trị 729 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn là tác nhân chính khiến Vn-Index quay đầu giảm khi VN30-Index giảm 16,83 điểm (-1,25%), xuống 1.328,63 điểm với chỉ 2 mã tăng, trong khi có tới 28 mã giảm. Trong đó, TPB, MSN và STB giảm hơn 3%. VJC, PDR, BVH giảm hơn 2%. Trong khi ở chiều ngược lại, VRE tăng 3% lên 28.950 đồng và CTG tăng khiêm tốn 0,6% lên 25.350 đồng.

Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ CTG, có thêm EIB, OCB, VIB tăng giá, trong đó EIB tăng 2,9% lên 30.250 đồng, còn lại ở mức rất khiêm tốn.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường nhiều mã cũng đảo chiều, số còn lại thì hạn chế đà tăng. Trong đó, ROS mất sắc tím, chỉ còn tăng 5,4% lên 5.090 đồng, FLC tăng 3,2% lên 7.480 đồng, AMD tăng 3,1% lên 4.280 đồng, HAI tăng 2,3% lên 3.940 đồng. Nhóm Louis cũng hạ nhiệt và chỉ còn tăng nhẹ.

DIG cũng chỉ còn tăng 2,3% lên 54.200 đồng, khớp 7,85 triệu đơn vị, HQC tăng 1,4% lên 5.630 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ASM giảm 2,1% xuống 18.250 đồng, IDI giảm 3,8% xuống 23.050 đồng, OCG giảm 2,1% xuống 13.900 đồng…

Trong khi đó, HNX lại nhận được sự hỗ trợ của nhóm HNX30 nên chỉ dao động trong sắc xanh trong phiên sáng nay, dù vậy đà tăng hạ nhiệt nhiều vào cuối phiên.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,25 điểm (+0,38%), lên 331,27 điểm với 91 mã tăng và 82 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,6 triệu đơn vị, giá trị 613 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,5 triệu đơn vị, giá trị 60 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu mã họ FLC hạ độ cao với ART mất sắc tím, đóng cửa 8,3% lên 6.500 đồng, 1,8 triệu đơn vị. KLF tăng 4,5% lên 4.600 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị.

Các mã bluechip trên sàn này có PVS tăng 3,7% lên 25.100 đồng, khớp 5,88 triệu đơn vị; CEO tăng 5,5% lên 34.800 đồng, khớp 1,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm liên quan đến APEC tăng tốt như APS tăng trần lên 18.800 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị. IDJ tăng 6,5% lên 18.100 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.

UPCoM cũng chỉ duy trì đà tăng nhẹ trong nửa đầu phiên sáng rồi quay đầu giảm mạnh cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,72 điểm (-0,72%), xuống 98,34 điểm với 188 mã tăng và 63 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,2 triệu đơn vị, giá trị 212,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,3 triệu đơn vị, giá trị 16 tỷ đồng.

Các mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM đều tăng giá khi đóng cửa phiên sáng, nhưng chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, PAS tăng 1,7% lên 17.800 đồng, khớp 1,56 triệu đơn vị; VHG tăng 6% lên 5.300 đồng, khớp 1,45 triệu đơn vị. BSR tăng 2,5% lên 20.400 đồng, khớp 0,93 triệu đơn vị. C4G tăng 2,2% lên 13.900 đồng…

Tin bài liên quan