Với phiên giảm thứ 3 liên tiếp ngày hôm qua (10/11), VN-Index đã chính thức mất mốc 610 điểm và lùi sát về mốc 605 điểm. Ở phiên giảm khá mạnh này, những thông tin vĩ mô tích cực về kế hoạch kinh tế xã hội 2016 được Quốc hội thông qua cũng không thể ổn định lại tâm lý nhà đầu tư khi mà nỗi lo giải chấp bùng phát bởi thông tin về số dư margin tại các công ty chứng khoán đang ở mức cao, gần với mức đỉnh được xác lập hồi tháng 3 năm nay.
Ngoài ra, những lo ngại về căng thẳng trên thị trường ngoại hối đang có dấu hiệu xuất hiện trở cũng đã ảnh hưởng tới tâm lý thị trường.
Liên quan đến margin, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, lượng margin cao hiện chỉ tập trung tại một số công ty chứng khoán lớn như SSI, HSC, ACB, VSCC, VNDS... nhưng mức độ vẫn ở ngưỡng an toàn.
Các công ty này cũng cho biết, giao dịch margin tập trung vào các mã cổ phiếu đầu ngành, vốn hóa lớn nên mức độ ảnh hưởng đến toàn thị trường không nhiều và ít có khả năng xảy ra tình trạng giải chấp nếu thị trường có diễn biến xấu. Những phiên giao dịch vừa qua, dù thị trường giảm điểm, nhưng rất ít công ty thực hiện giải chấp cổ phiếu vì tỷ lệ margin vẫn đảm bảo, nằm trong vùng cho phép.
Theo đó, với những diễn biến vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng xu hướng tăng ngắn hạn chưa bị phá vỡ, nhưng xung lực tăng đã giảm đi rõ rệt, cùng với đó là rủi ro đang ở mức cao khi các thông tin bên ngoài vẫn tác động mạnh lên tâm lý nhà đầu tư.
Bước vào phiên giao dịch sáng 11/10, dư âm của sự hốt hoảng hôm trước vẫn còn ảnh hưởng khiến các chỉ số đều khởi đầu trong sắc đỏ, sự thận trọng được đề cao khiến thanh khoản chỉ ở mức thấp.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,14 điểm (-0,19%) xuống 604,13 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 2,84 triệu đơn vị, giá trị 38,43 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, dường như tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại, lượng cung giá thấp đã không còn, thay vào đó là những lệnh giá cao liên tục được đẩy vào. Dù vậy, bên mua vẫn đang giữ thái độ thận trọng nên giao dịch diễn ra khá nhúc nhắc.
VN-Index đang giằng co khá mạnh quanh mốc tham chiếu khi nhóm cổ phiếu có sự phân hóa mạnh. Bên cạnh những VIC, VCB, KDC, HAG, BVH, SSI, MBB, HCM, GMD,... đang có được sắc xanh nhẹ, thì FPT, MSN, GAS, VNM... lại giảm điểm trước sức ép bán ra này một tăng.
Sức ép ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đang tăng dần nên đa phần đứng giá tham chiếu hoặc giảm điểm. Sau một vài phiên tăng tốt, FLC bắt đầu bị bán dần nên đang giảm 100 đồng xuống 7.500 đồng/CP, thanh khoản cũng yếu hẳn khi mới khớp 1,1 triệu đơn vị sau 1 tiếng giao dịch.
Trên HNX, sắc xanh cũng dang dần thu hẹp khi nhiều mã bluechips trên sàn này như PVS, PVG, PVB, PGS, NTP, DBC, BVS... giữ sắc đỏ nhẹ.
Trong khi đó, ACB, SHS, PLC, VND là các mã đang giữ nhịp cho chỉ số với mức tăng nhẹ từ 1-3 bước giá. TIG là mã duy nhất có được thanh khoản trên 1 triệu đơn vị sau 1 giờ giao dịch và đang đứng giá tham chiếu 10.800 đồng/CP.
Tâm lý thận trọng tiếp tục bao trùm lên thị trường trong thời gian còn lại của phiên sáng khiến thị trường giao dịch ảm đạm. Nếu không có thỏa thuận “khủng” của VNM, thanh khoản thị trường phiên sáng nay có thể gọi là “thê thảm”.
Sự tích cực từ VNM cũng như tại các mã ở trong diện SCIC thoái vốn như FPT, NTP... đã lan tỏa ra ra một số mã lớn khác, nhờ đó mà sắc xanh đã trở lại với các chỉ số.
Kết thúc phiên sáng 11/11, với 97 mã tăng và 82 mã giảm, VN-Index tăng 1,35 điểm (+0,22%) lên 606,62 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 1,53 điểm (+0,25%) lên 616,09 điểm với 12 mã giảm và 5 mã tăng.
Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 49,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.189 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,9 triệu đơn vị, giá trị 381,41 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của hơn 2,5 triệu cổ phiếu VNM ở mức giá trần 136.000 đồng/CP, giá trị 341 tỷ đồn và 1 triệu cổ phiếu SHI, giá trị 14 tỷ đồng.
Còn với 77 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,13%) lên 80,94 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,29 điểm (+0,19%) lên 149,4 điểm với 13 mã giảm và 6 mã tăng.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,95 triệu đơn vị, giá trị 189,99 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
Sức cầu tốt ở các mã lớn ở nửa cuối phiên giúp VN-Index có lúc đã tăng về gần mốc 610 điểm, trước khi áp lực bán gia tăng trở lại.
Các mã như VNM, FPT, BVH, GMD, KDC, PVT, HSG, CTG... đều tăng điểm, nhưng chỉ FPT là khớp được hơn 1 triệu đơn vị và tăng 500 đồng lên 51.500 đồng/CP. VNM ngoài thỏa thuận mạnh, cũng khớp hơn 0,69 triệu đơn vị và tăng 2.000 đồng lên 130.000 đồng/CP.
Ngược lại, GAS, PVD, MSN, REE, HAG, EIB... vẫn giảm điểm, nhưng mức giảm không mạnh nên gây sức ép ít hơn lên chỉ số.
Dòng tiền thận trọng khiến giao dịch ở các mã vừa và nhỏ suy giảm mạnh. Chỉ một số mã được giao dịch tốt, đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị như CII, FLC, ITA, BGM, BHS, DLG, FIT, HQC, LDG, SHI, SBT.
FLC vẫn dẫn đầu thanh khoản của HOSE khi khớp được hơn 4,8 triệu đơn vị, nhưng so với 2 phiên đầu tuần thì đã giảm sút rất nhiều. Kết phiên đứng giá tham chiếu 7.600 đồng.
LDG giảm sàn xuống còn 14.300 đồng/CP và khớp được 1,58 triệu đơn vị.
Trên HNX, trong khi ACB, VND đã lùi về tham chiếu thì NPT, PVC đã tăng nhẹ trở lại, cùng với SHS, PLC, BVS duy trì sắc xanh cho HNX-Index. NTP tăng 500 đồng lên 58.000 đồng/CP.
Trong nhóm HNX30, chỉ SCR khớp được hơn 1 triệu đơn vị (1,3 triệu), kết phiên giảm 100 đồng xuống 8.000 đồng/CP.
Ngoài ra, cũng chỉ có thêm KVC và TIG là cùng khớp được hơn 1,3 triệu đơn và cùng tăng điểm. TIG tăng 100 đồng lên 10.900 đồng/CP, còn KVC tăng 600 đồng lên 9.400 đồng/CP.