Trong phiên giao dịch hôm qua, khối tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại lại có phiên giao dịch trái chiều nhau. Trong khi khối ngoại bán ròng nhẹ trở lại, thì tự doanh lại có phiên mua vào rất mạnh, đây chính là một trong những lý do giúp thị trường sôi động trong phiên đầu tuần mới.
Tuy nhiên, do áp lực cung lớn, đẩy một số mã vốn hóa lớn giảm giá cuối phiên, nên cả 2 sàn đóng cửa trong sắc đỏ, dù gần như toàn bộ phiên giao dịch đầu tuần, 2 chỉ số chính của thị trường dao động trên tham chiếu.
Nhận định về thị trường phiên hôm nay, sự thận trọng vẫn được các công ty chứng khoán đặt lên hàng đầu, đa số đều cho rằng xu hướng tích lũy sẽ tiếp tục được duy trì.
Đúng như nhận định và giống như xu hướng quen thuộc trong mấy tuần gần đây, cả 2 sàn mở cửa trong sự thận trọng.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,36 điểm (+0,23%), lên 603,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,64 triệu đơn vị, giá trị 209,66 tỷ đồng.
Cũng giống như phiên đầu tuần, giá trị giao dịch đột biến trong đợt 1 đến chủ yếu từ giao dịch thỏa thuận lô lớn. Trong phiên sáng nay, đóng góp vào sự đột biến này là VNM với gần 1,76 triệu đơn vị, giá trị 171,5 tỷ đồng. Nếu loại trừ đi lượng giao dịch thỏa thuận này, giao dịch của đợt 1 sáng nay trên HOSE chỉ 1,74 triệu đơn vị, giá trị 32,3 tỷ đồng cho thấy sự thận trọng đang được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu.
Trong khi đó, HNX-Index cũng có sắc xanh ngay từ đầu và sau ít phút rung lắc nhẹ, chỉ số này đã vọt tăng với sự hỗ trợ bất ngờ đến từ ACB, 1 trong 2 mã có vốn hóa lớn nhất sàn. Cùng với đó là sự đột phá đến từ KLF khi mã này nhận được lực mua rất lớn, kéo giá lên mức trần.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục của HOSE, diễn biến giao dịch trên sàn này vẫn diễn ra chậm, số mã tăng giá ít hơn số mã giảm giá. Tuy nhiên, với việc GAS tăng 2.000 đồng, cùng với đó là sự hồi phục của PVD, DPM và BVH tăng khá đã giúp VN-Index duy trì sắc xanh.
VN-Index sau đó dao động trong khoảng hẹp 603 - 605 điểm trong khoảng 30 phút trước khi nhích dần lên mốc 606 điểm và thực sự bứt phá trong khoảng hơn 10 phút cuối phiên nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bất động sản và sự trở lại của các mã dầu khí lớn như GAS, PVD, DPM.
HNX-Index sau khi bị kéo về gần mốc tham chiếu cũng bật ngược trở lại nhờ tín hiệu tích cực từ HOSE. Chỉ số này sau đó thêm 1 lần thử sức với ngưỡng cản 90 điểm, nhưng vẫn thất bại.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 5,23 điểm (+0,87%), lên 607,35 điểm với 96 mã tăng và 84 mã giảm. VN30-Index tăng khiêm tốn hơn với 3,65 điểm (+0,57%), lên 646,55 điểm, dù có tới 17 mã tăng, trong khi chỉ có 3 mã giảm. Nguyên nhân chính là do VN30-Index không có sự hỗ trợ của “gã khổng lồ” GAS.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,1 triệu đơn vị, giá trị 1.588,23 tỷ đồng, giảm so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 3 triệu đơn vị, giá trị 223 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ giao dịch gần 1,76 triệu cổ phiếu VNM, giá trị gần 171,5 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,39 điểm (+0,44%), lên 89,91 điểm với 67 mã tăng, trong số mã giảm lên tới 90 mã. Đà tăng của HNX-Index chủ yếu dựa vào các mã lớn trong HNX30 khi chỉ số HNX30-Index tăng 1,69 điểm (+0,93%), lên 182,31 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch 49,6 triệu đơn vị, giá trị 682,76 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 6 tỷ đồng.
Về diễn biến của các cổ phiếu, sàn HOSE lúc không có nhiều điểm đáng chú ý khi các mã, chủ yếu các giao dịch diễn ra chậm, biên độ dao động giá không lớn, kể cả các mã dẫn dắt.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, về cuối phiên, dòng tiền bắt đầu trở lại và nhắm đến nhóm bất động sản, giúp nhóm ngành này giao dịch sôi động, nhiều cổ phiếu cũng lấy lại sắc xanh, thậm chí sắc tím cũng đã xuất hiện.
Kết thúc phiên, FLC được khớp hơn 16 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 100 đồng, lên 12.100 đồng, trong khi ITA cũng được khớp hơn 10 triệu đơn vị, tăng 200 đồng, lên 8.900 đồng. KBC có thêm 300 đồng, lên 17.900 đồng với 5,9 triệu đơn vị được khớp, trong khi HQC cũng có mức tăng 200 đồng, lên 8.100 đồng với 4,4 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đà tăng và thanh khoản của HAR đã giảm khá nhiều trong phiên sáng nay, còn những mã khác chưa kịp khởi động.
Ngoài nhóm bất động sản, nhóm dầu khí cũng được nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng sẽ trở lại giúp VN-Index thoát khỏi thế sideway hiện tại. Tuy nhiên, trong khi các mã lớn trở lại sau phiên giảm nhẹ hôm qua, thì nhóm nhỏ hơn lại hãm đà tăng.
GAS tăng 3.000 đồng (+2,88%), lên 107.000 đồng, PVD tăng 1.500 đồng (+1,64%), lên 93.000 đồng, DPM tăng 200 đồng (+0,67%), lên 30.000 đồng. Nhóm nhỏ hơn thì PET, PXI giảm giá, các mã khác chỉ duy trì mức tăng nhẹ.
Trong khi đó, trên HNX, ACB gây bất ngờ trong những phút đầu phiên và đây là mã giúp châm ngòi cho đà tăng của HNX-Index. ACB là mã ít có biến động lớn về giá khi chỉ dao động quanh tham chiếu 1 - 2 bước giá với thanh khoản lẹt đẹt. Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, mã này bất ngờ nhận được lực cầu lớn từ khối ngoại, khi mã này mua tới hơn 87% tổng khối lượng khớp của ACB. Nhờ đó, giá của ACB được kéo tăng 600 đồng (+3,90%), lên 16.000 đồng. Tuy nhiên, cách mua của khối ngoại rất khôn ngoan, khối này không mấy khi để hiện tượng quá “nóng” xảy ra, nên ACB nhanh chóng hạ nhiệt và hiện chỉ còn giữ mức tăng tối thiểu với gần 120.000 đơn vị được khớp.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất trên HNX trong phiên sáng nay chính là KLF. Sau phiên có giao dịch sôi động đầu tuần với hơn 20 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa ở mức cao nhất ngày trong phiên đầu tuần, trong phiên sáng nay, KLF tiếp tục nhận được lực cầu lớn và đã kéo cổ phiếu này lên mức giá trần 13.000 đồng, với 24,1 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 6,8 triệu đơn vị. Trong khi đó, FIT không còn tăng mạnh như phiên đầu tuần khi chỉ có thêm 200 đồng.
Nhóm dầu khí cũng dần lấy lại được sắc xanh với PVX tăng 100 đồng, PVS đảo chiều tăng 300 đồng, PVC tăng 200 đồng…, trong đó, PVX được khớp 4,5 triệu đơn vị, kém xa mã đứng đầu là KLF.