Thị trường chứng khoán đã trải qua tuần đầu tiên của năm mới 2016 không mấy tích cực bởi tác động của các yếu tố bên ngoài như ảnh hưởng của thị trường chứng khoán Trung Quốc, biến động giá dầu thô thế giới tiếp tục lao dốc… Cùng với đó, tâm lý kỳ nghỉ vẫn còn tiếp diễn khiến giao dịch thị trường vẫn còn khá trầm lắng.
Trong khi giao dịch nhà đầu tư trong nước khá tiêu cực và có những phiên tháo chạy khiến VN-Index giảm mất hơn 9 điểm thì khối ngoại lại khá thờ ơ. Mặc dù các cổ phiếu đã xuống khá thấp, kể cả những mã có vốn hóa lớn nhưng khối ngoại vẫn chỉ nhúc nhắc mua vào và đã thực hiện bán ròng tới 4 phiên liên tiếp trong tuần, ngoại trừ phiên mua ròng nhẹ cuối tuần.
Với lo ngại câu chuyện từ Trung Quốc vẫn chưa dừng lại trong khi khối nội và ngoại không hỗ trợ nhiều khiến rủi ro thị trường càng tăng cao. Hầu hết các công ty chứng khoán đều cho rằng triển vọng cao là thị trường sẽ tìm vùng đáy mới để tiến hành tích lũy lại.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường tiếp tục duy trì đà giảm, chỉ số Vn-Index nhanh chóng lùi dưới mốc 560 điểm.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm 1 điểm (-0,18%) xuống 559,05 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,63 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 59,73 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường chưa thấy dấu hiệu hồi phục khi đà bán vẫn chưa dừng lại, số mã đỏ điểm tiếp tục chiếm áp đảo trên cả hai sàn. Trong khi đó, dòng tiền tham gia khá yếu khiến thị trường thiếu nội lực để hồi phục. Sau 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn chỉ khoảng 360 tỷ đồng.
Các cổ phiếu bluechip hầu hết cũng đang giao dịch trong sắc đỏ, tuy nhiên, đà giảm của các mã này không quá lớn nên VN-Index không giảm quá dâu.
Tuần qua, HAG tạo chú ý tới thị trường khi giảm xuống dưới mệnh giá và tạo đáy thấp nhất kể từ ngày niêm yết.
Sau khi rớt xuống dưới mệnh giá, HAG đã hồi phục trong 3 phiên liên tiếp sau đó nhờ lực cầu hấp thụ mạnh. Sang phiên giao dịch đầu tuần này (11/1), HAG tiếp tục tăng giá lên 10.500 đồng/CP và mới khớp hơn 3,3 triệu đơn vị sau gần 1 giờ giao dịch.
Dòng tiền rút khỏi các cổ phiếu đầu cơ từ cuối tuần trước vẫn còn tiếp diễn. Tiêu biểu, JVC tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 6,25% xuống 4.500 đồng/Cp với khối lượng khớp hơn 0,3 triệu đơn vị và dư bán sàn tới 1,68 triệu đơn vị. Ngoài ra, BGM cũng giảm sàn, DLG và VHG lùi về sát mốc sàn…
Sự hồi phục tích cực của các cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường khởi sắc, chỉ số Vn-Index vượt qua ngưỡng 562 điểm. Chính sự phụ thuộc vào một vài “ông lớn” trong khi thanh khoản vẫn ở mức thấp khiến đà tăng thị trường không mấy bền vững. Càng về cuối phiên, lực cầu càng suy yếu, trong khi áp lực đẩy bán có phần chiếm ưu thế hơn khiến VN-Index một lần nữa lùi xuống dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 0,36 điểm (-0,06%) xuống 559,69 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 60,12 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 882,31 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,41 triệu đơn vị, trị giá 63,89 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,15%) xuống 76,22 điểm. Thanh khoản suy giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 15,21 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị chỉ đạt 153,96 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chỉ 0,04 tỷ đồng.
Việc rơi xuống dưới mệnh giá, mức giá thấp nhất kể từ khi niêm yết khiến HAG trở thành hiện tượng của tuần qua, tuy nhiên, đà giảm của HAG đã diễn ra trong hơn 2 tháng qua, khi mức giá từ gần 15x hồi đầu tháng 11. Sau chuỗi ngày ảm đảm, trong phiên sáng nay, HAG đã bùng nổ nhờ lực cầu hấp thụ mạnh. Chốt phiên, HAG đã tăng 6,9% lên mức giá trần 10.900 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 10,9 triệu đơn vị.
Ngoại trừ HAG, một số cổ phiếu bluechip hỗ trợ giúp VN-Index tìm đến sắc xanh trước đó cũng dần hạ nhiệt như BID, CTG, VIC, SSI, HCM giữ mức tăng dưới 500 đồng/CP. Chính đà tăng hãm lại của các mã này cũng là một trong những tác nhân khiến thị trường rớt lại giá đỏ.
Bên cạnh đó, cổ phiếu lớn MSN tiếp tục gia tăng gánh nặng lên thị trường khi giảm 1,96% xuống mức giá thấp nhất của phiên 75.000 đồng.
Dòng tiền tham gia vào nhóm cổ phiếu thị trường vẫn chưa mấy cải thiện. Ngoại trừ FLC vẫn giữ mức giá tham chiếu và khớp 7,82 triệu đơn vị; HAR giảm khá mạnh với hơn 1,9 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công; DLG, HQC, VHG cũng khớp hơn 1 triệu đơn vị. Đáng chú ý, JVC tiếp tục duy trì mức giá sàn với lượng khớp hơn nửa triệu đơn vị và dư bán sàn gần 1,8 triệu đơn vị.
Trong khi, DRH sau chuỗi ngày hơn nửa tháng tăng điểm đã bắt đầu chịu áp lực chốt lời từ phiên cuối tuần trước (8/1) và chính thức giảm sàn trong phiên sáng nay. Hiện DRH giảm 6,8% xuống mức sàn 22.000 đồng/CP và khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngành mía đường, trong khi "đại gia" SBT mới điều chỉnh phiên thứ 2 liên tiếp với mức giảm 2% xuống 25.000 đồng/CP và khớp 1,34 triệu đơn vị thì BHS đã ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp, hiện BHS giảm 6,1% xuống sát sàn 16.900 đồng/CP và khớp 1,57 triệu đơn vị.