Trong phiên giao dịch chiều, lực bán vẫn rất mạnh, trong khi bên mua cũng tỏ ra khá bình tĩnh và bên bỉ mua vào, nên thị trường vẫn giữ được sự thăng bằng dù xu hướng giảm vẫn là chủ yếu.
Tuy nhiên, vào nửa cuối phiên chiều lực bán giá thấp bắt đầu mạnh, áp đảo hoàn toàn bên mua. Đặc biệt, trong đợt ATC, lực bán xối xả được tung vào, y hệt cách giao dịch của các quỹ ETFs khiến thị trường lao mạnh về cuối phiên và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/1, VN-Index giảm 7,99 điểm (-1,43%), xuống 551,92 điểm. VN30-Index giảm 8,04 điểm (-1,27%), xuống 626,04 điểm.
Thanh khoản thị trường cả giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận đều tăng đột biến. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt 114,74 triệu đơn vị, giá trị 1.871,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận cũng không kém với 10,55 triệu đơn vị, giá trị 518,1 tỷ đồng. Trong đó, KDC đóng góp tới 8,425 triệu đơn vị, giá trị 435,59 tỷ đồng và đây là lệnh bán của nhà đầu tư nước ngoài.
HNX cũng không còn giữ được sắc xanh khi tâm lý nhà đầu tư cũng chịu tác động mạnh từ diễn biến trong đợt ATC của sàn HOSE. Lực bán cũng vội vã được tung ra trong đợt ATC kéo HNX giảm điểm.
Kết thúc phiên chiều, HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,2%), xuống 73,42 điểm. HNX30-Index giảm 0,14 điểm (-0,1%), xuống 114,39 điểm.
Thanh khoản cũng khá tốt với 60 triệu đơn vị, giá trị 603,95 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không mấy sôi động với 5,56 triệu đơn vị, giá trị 63,7 tỷ đồng.
Phiên giảm điểm hôm nay của thị trường là do lực chốt lời các mã bluechips. Theo dõi diễn biến phiên hôm nay, nhà đầu từ nước ngoài vẫn chủ yếu là mua vào. Nếu ngoại trừ giao dịch KDC, thì trên sàn HOSE khối ngoại cũng tiếp tục xu thế mua ròng với gần 7,8 triệu cổ phiếu, tổng giá trị mua ròng cũng trên 178 tỷ đồng.
Như vậy, việc chốt lời bluechip trong phiên hôm nay xuất phát từ các nhà đầu tư trong nước, không ngoại trừ phân lớn trong số đó là từ tài khoản tự doanh của các công ty chứng khoán.
“Góp sức” đẩy VN-Index giảm sâu trong phiên hôm nay đều có mặt của “bộ tứ quyền lực” GAS, VNM, VIC và VCB. Ngoài ra, còn phải kể đến các mã lớn khác như HPG, HAG, PVD, SSI, DPM…
Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ đang có xu hướng chuyển dịch sang các mã midcap, có nhiều biến động trước đó.
Trong khi đó, ITA tiếp tục có giao dịch bùng nổ với hơn 19,45 triệu đơn vị được khớp, trong khi hôm qua là 14,4 triệu đơn vị. Kết thúc phiên, dù không giữ được sắc tím, nhưng ITA cũng tăng 300 đồng (+4,29%), lên sát mức trần, đóng cửa tại 7.300 đồng/cổ phiếu.
Các mã khác đều có sự phân hóa theo kết quả kinh doanh quý IV vừa được công bố. Nhóm cổ phiếu khoáng sản vẫn duy trì được đà tăng khá, trong khi nhóm chứng khoán gần như đã “hết vị”.
SHN tiếp tục chịu phiên giảm sàn khi lực chốt lời vẫn còn rất lớn. Kết thúc phiên, SHN được khớp 2,2 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn và ATC hơn 2,1 triệu đơn vị.
SHB được khớp khá lớn với hơn 8,3 triệu đơn vị, nhờ lực mua mạnh của khối ngoại khi họ mua vào gần 1,27 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lực bán từ trong nước khá lớn, nên SHB chỉ cầm cự ở mức tham chiếu.