Sau giai đoạn điều chỉnh mạnh giữa tháng 4, thị trường đã hồi trở lại từ tuần cuối cùng của tháng 4 và duy trì đà tăng trong sau kỳ nghỉ lễ kéo dài. Tuy nhiên, yếu tố để mang lại niềm tin cho đà tăng vững chắc là dòng tiền vẫn chưa cải thiện.
Trong 2 phiên đầu tuần này, thị trường vẫn duy trì đà tăng tốt, đưa VN-Index trở lại ngưỡng 1.250 điểm, nhưng dòng tiền không đủ mạnh nên mốc điểm này đang trở thành ngưỡng cản khá khó với VN-Index.
Trong phiên hôm qua (7/5), khi chạm mốc 1.250 điểm, lực cung gia tăng đã khiến VN-Index hạ nhiệt. Mở cửa phiên phiên sáng nay, lực bán chốt lời ở nhiều mã sau chuỗi hồi phục vừa qua khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ nhóm cổ phiếu dầu khí. Nếu không có nhóm cổ phiếu này, VN-Index có thể đã lùi về hỏi thăm ngưỡng 1.230 điểm.
Nhóm cổ phiếu dầu khí bật tăng khá tốt phiên hôm qua và khởi sắc trong phiên sáng nay, bất chấp giá dầu thế giới giảm, có thể là nhờ thông tin Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) vừa có 2 phát hiện quan trọng tại giếng R79, mỏ Rồng thuộc Lô 09-1 và giếng BA-1X, mỏ Bunga Aster, Lô PM3 CAA.
Tại giếng R79, người điều hành Vietsovpetro đã tiến hành thử vỉa đối tượng móng và đã nhận được dòng dầu tự phun với lưu lượng đạt gần 6.300 thùng/ngày.
Theo kết quả đánh giá sơ bộ, dự kiến gia tăng tiềm năng dầu khí tại chỗ đạt khoảng 16,5 triệu thùng dầu và ước tính trữ lượng tăng thêm từ giếng khoan R-79 khoảng 4,6 triệu thùng.
Tại giếng BA-1X, kết quả tính toán sơ bộ tài nguyên dầu tại chỗ khoảng 84 triệu thùng (tăng gần gấp đôi dự báo ban đầu) dự kiến gia tăng trữ lượng cho toàn bộ vỉa là khoảng 20,2 triệu thùng.
Trở lại với nhóm cổ phiếu dầu khí, sáng nay các cổ phiếu của nhóm này trên cả 2 sàn đều tăng mạnh, trong đó có PXI (UPCoM), PVB (HNX), PVT (HOSE) tăng kịch trần, các mã khác tăng mạnh như PGS (HNX tăng hơn 9%), PVC và PVS (HNX tăng trên dưới 6%). Với các mã trụ trên sàn HOSE, PVD tăng 3,6% lên 31.650 đồng, PLX tăng 3% lên 39.850 đồng, GAS tăng 1,3% lên 77.300 đồng.
Tuy nhiên, lực bán chốt lời diễn ra ở nhiều nhóm ngành khác khiến VN-Index mở cửa giảm khá mạnh khi có lúc mất 13 điểm. Mặc dù vậy, nhờ hiệu ứng của nhóm dầu khí, lực cầu sau đó đã trở lại ở nhiều nhóm ngành khác, giúp nhiều mã thu hẹp đà giảm, thậm chí đảo chiều tăng, qua đó cũng kéo VN-Index trở lại và có được sắc xanh, dù đà tăng chỉ khiêm tốn và cũng không duy trì được lâu do áp lực chốt lời ở các nhóm khác vẫn lớn.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,43 điểm (-0,11%), xuống 1.247,2 điểm với 148 mã tăng, trong khi có 269 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 504 triệu đơn vị, giá trị 11.618,2 tỷ đồng, tăng 58% về khối lượng và 44,5% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 49,9 triệu đơn vị, giá trị 1.105,5 tỷ đồng.
Ở các nhóm dẫn dắt khác, nhóm ngân hàng có 4 sắc xanh, LPB đứng giá tham chiếu, còn lại là sắc đỏ. Trong đó, SHB tăng mạnh nhất 2,15% lên 11.900 đồng, tiếp đến là EIB tăng 1,97% lên 18.100 đồng, TCB tăng 1,04% lên 48.400 đồng, BID tăng 0,4% lên 50.200 đồng. Ở chiều ngược lại có 3 mã giảm hơn 1% là HDB, MBB và OCB.
Nhóm chứng khoán tích cực hơn với chỉ 4 sắc đỏ tại TVS, VND, VIX và ORS, nhưng mức giảm nhẹ, dưới 1% (ngoài TVS giảm 1,03%). Ở chiều ngược lại, TVB là mã tăng tốt nhất 2,47% lên 8.300 đồng, tiếp đến là CTS, FTS và AGR tăng từ gần 1,4% đến hơn 1,8%. Các mã còn lại tăng nhẹ dưới 1%.
Nhóm bất động sản giống nhóm ngân hàng khi sắc đỏ chiếm ưu thế, với mã giảm mạnh nhất là NVL khi mất 5,48% xuống 13.800 đồng sau thông tin liên quan tới dự án Aqua City tại Đồng Nai. Ngoài ra, DXG, SCR, FIR, PDR giảm trên dưới 2%. Các mã giảm trên dưới 1,5% có KDH, NLG, VRE. Ở chiều ngược lại, NHA tăng mạnh 6,37% lên 21.700 đồng, LGL tăng 3,24% lên 3.500 đồng, DHG tăng 2,04% lên 27.450 đồng.
Nhóm thép chỉ có duy nhất POM tăng nhẹ 0,35% lên 2.830 đồng và DTL đứng tham chiếu, còn lại đều giảm. Trong đó, NKG giảm 1,27% xuống 23.250 đồng, HSG giảm 0,97% xuống 20.300 đồng, HPG giảm 0,5% xuống 30.000 đồng, SMC giảm 0,83% xuống 12.000 đồng…
Về thanh khoản, SHB có thanh khoản tốt nhất sáng nay với 44,15 triệu đơn vị, tiếp đó là NVL với 43 triệu đơn vị, có lúc bị đẩy xuống mức sàn 13.600 đồng, nhưng lực cầu bắt đáy giúp NVL hãm đà giảm và có giao dịch sôi động. Sáu mã có thanh khoản tốt tiếp theo chỉ hơn 10 triệu đơn vị là VIX, DIG, MBB, TCH, EIB và HAG, trong đó sắc xanh đỏ chia đều.
Trong khi đó, sàn HNX và UPCoM, sau ít phút đầu phiên giao dịch trong sắc đỏ, với sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, dòng tiền cũng lan tỏa dần và kéo HNX-Index và UPCoM-Index nhanh chóng đảo chiều và giữ được đà tăng khi chốt phiên.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,97 điểm (+0,42%), lên 233,93 điểm với 80 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,8 triệu đơn vị, giá trị 1.475,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị 88 tỷ đồng.
Trên HNX, ngoài PVB, còn có một số mã tăng kịch trần đáng chú ý khác là AAV lên 6.200 đồng, khớp 1,29 triệu đơn vị còn dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị; DDG lên 4.200 đồng, khớp 1,14 triệu đơn vị, còn dư mua trần. Trong khi PVB khớp 1,45 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức 28.000 đồng và còn dư mua trần.
Trong các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị sáng nay trên HNX, chỉ có 2 mã giảm là CEO giảm 1,62% xuống 18.200 đồng, khớp 4,18 triệu đơn vị và IDC giảm 0,32% xuống 61.800 đồng, khớp 1,13 triệu đơn vị. Trong khi đó, 2 mã khớp lớn nhất là SHS và PVS với thanh khoản lần lượt là 13,66 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,06% lên 19.000 đồng và 12,37 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,15% lên 42.900 đồng.
Mã dầu khí PVC tăng 4,17% lên 15.000 đồng, khớp 3,59 triệu đơn vị.
Tương tự, chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,46%), lên 91,52 điểm với 137 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35 triệu đơn vị, giá trị 439,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
UPCoM sáng nay có 3 mã khớp trên 5 triệu đơn vị, trong đó VGT vượt qua BSR để đứng đầu với 5,84 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 13,08% lên 14.700 đồng, BSR khớp 5,82 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,59% lên 19.200 đồng, AAH tăng kịch trần lên 4.000 đồng, khớp 5,52 triệu đơn vị.