Phiên giao dịch chứng khoán sáng 26/10: Các ông lớn giúp VN-Index tiếp tục bay cao

Phiên giao dịch chứng khoán sáng 26/10: Các ông lớn giúp VN-Index tiếp tục bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù thị trường phân hóa khá mạnh nhưng một số mã lớn như VIC, VHM, VNM và TCB đang hỗ trợ tốt giúp VN-Index hướng tới mốc 970 điểm.

Việc khối ngoại nối dài chuỗi ngày bán ròng với giá trị không ngừng tăng mạnh đã không ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong nước. Dòng tiền nội vẫn tham gia sôi động là điểm sáng thị trường trong thời gian gần đây.

Về diễn biến chỉ số chung, một điểm đáng chú ý là sau khi lừng khừng dưới mốc 950 điểm suốt từ giữa tháng 10, những phiên gần cuối tuần qua (phiên 22-23/10), chỉ số VN-Index đã bất ngờ tăng mạnh.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), thị trường đã thay đổi cục diện xu hướng sau khi thông tin thị trường Việt Nam có thể được gia tăng tỷ trọng sau khi Kuwait được nâng hạng. Nhờ thông tin đó mà dòng tiền vào thị trường đã gia tăng trở lại trong 2 phiên cuối.

Tuy nhiên, ông Khanh lưu ý, các thông tin dạng này chỉ mang tính hỗ trợ nhất thời ngắn hạn trong khi nhà đầu tư vẫn hướng trọng tâm vào hoạt động kinh doanh nội tại doanh nghiệp và diễn biến vĩ mô.

Hiện tại, các báo cáo kinh doanh quý III quan trọng của nhiều doanh nghiệp lớn đã công bố gần hết vì vậy đã không còn nhiều yếu tố bất ngờ. Thị trường được kéo mạnh trong tuần không thể không nhắc đến nhóm cổ phiếu trụ lớn nhưng đặc điểm của nhóm này thường không kéo dài.

Áp lực bán cũng tăng dần khi chỉ số vượt quá kỳ vọng đi vào vùng quá mua như hiện nay do đó trạng thái hưng phấn chung sẽ sớm hạ nhiệt và chỉ số chung sẽ di chuyển chậm lại trong tuần sau.

Bất chấp những lo ngại của giới phân tích về xu hướng điều chỉnh của thị trường, bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 26/10, dù trạng thái phân hóa khá mạnh, nhưng cặp đôi lớn nhà Vingroup là VHM và VIC vẫn là điểm tựa chính giúp VN-Index hướng tới vùng giá mới 970 điểm.

Tuy nhiên, với sự phân hóa của thị trường nói chung và nhóm Vn30 nói riêng, cùng giao dịch có phần thận trọng hơn, khiến thị trường chưa thể bật cao. Chỉ số VN-Index chỉ lình xình trên mốc 965 điểm.

Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng vẫn chịu áp lực bán ra và giao dịch dưới mốc tham chiếu, thì TCB lại khá khởi sắc khi tăng gần 3% cùng thanh khoản vẫn dẫn đầu sàn HOSE.

Ở nhóm cổ phiếu lớn, trong khi VHM có phần đuối sức thì VIC vẫn là trụ đỡ chính tiếp sức cho đà tăng của thị trường. Sau hơn 80 phút giao dịch, VIC đang tăng hơn 4,3%, tạm đứng tại mức giá 108.500 đồng/CP.

Thị trường không có nhiều biến động trong nửa cuối phiên sáng khi chỉ số VN-Index vẫn chưa thể chạm được mốc 970 điểm do diễn biến phân hóa mạnh và lực đỡ chỉ đến từ một số mã lớn.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 188 mã tăng và 207 mã giảm, VN-Index tăng 7,44 điểm (+0,77%), lên 968,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 194,59 triệu đơn vị, giá trị 3.805,96 tỷ đồng, giảm 22,38% về khối lượng và 27,27% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 23/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 223,64 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, các trụ cột vẫn là tốt vai trò nâng đỡ thị trường. Điển hình là VIC đóng góp lớn nhất khi đây là mã tăng tốt nhất trong nhóm VN30 khi chốt phiên sáng +4,42% lên mức 108.600 đồng/CP.

Bên cạnh đó là VNM +1,6% lên 111.800 đồng/Cp, VHM +1,3% lên 80.500 đồng/CP, TCB +3,1% lên 24.750 đồng/CP, SAB +1,2% lên 188.000 đồng/CP.

Ngoại trừ TCB tiếp tục tỏa sáng khi duy trì đà tăng tốt cùng thanh khoản vẫn sôi động nhất sàn HOSE, đạt gần 10 triệu đơn vị, còn lại các mã khác của dòng bank đều giảm nhẹ chưa tới 0,5%.

Dù không tác động mạnh tới chỉ số chung của thị trường nhưng cổ phiếu TCH cũng có phiên giao dịch khởi sắc sau thông tin kết quả kinh doanh khả quan với công bố lợi nhuận trước thuế quý II niên độ 2020 tăng 145% lên 546 tỷ đồng và với con số này, Công ty đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng. Tạm chốt phiên sáng nay, TCH +1% lên 20.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 5,82 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhóm cổ phiếu FLC không còn giao dịch ấn tượng như phiên cuối tuần trước khi FLC, HAI chỉ may mắn giữ sắc xanh nhạt, trong khi AMD quay đầu điều chỉnh.

Bên cạnh đó, cổ phiếu TTF có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp sau chuỗi ngày tăng khá nóng trước đó. Hiện TTF tạm đứng tại mức giá 7.440 đồng/CP, giảm 6,9% với khối lượng khớp lệnh đạt 3,62 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 5,8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng khiến thị trường rung lắc và HNX-Index đã trượt chân trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 40 mã tăng và 64 mã giảm, HNX-Index giảm 0,34 điểm (-0,24%), xuống 141,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,26 triệu đơn vị, giá trị 312,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,56 triệu đơn vị, giá trị 83,98 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường mất điểm là nhiều mã lớn đã quay đầu điều chỉnh và giao dịch trong sắc đỏ như ACB, PVS, VCG, VCS. Ngoài ra, NVB, IDC, VIF, PVI đứng giá tham chiếu.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX, chỉ còn SHB nhích nhẹ 0,74% và NTP tăng 6,7% lên 36.800 đồng/CP.

Thanh khoản trên HNX cũng sụt giảm khi chỉ có 7 mã có khối lượng giao dịch trên 1 triệu đơn vị, trong đó ACB dẫn đầu với 3,69 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiếp theo là KLF khớp gần 2,4 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, trạng thái rung lắc diễn ra với tần suất mạnh hơn, tuy nhiên UPCoM-Index có phần may mắn hơn khi kịp hồi nhẹ cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%), lên 63,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 9,67 triệu đơn vị, giá trị 119,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,59 triệu đơn vị, giá trị 51,22 tỷ đồng.

Việc không còn giao dịch trên UPCoM của LPB khiến thị trường có phần kém sôi động hơn. Nguyên nhân bởi ngày 23/10 vừa qua là ngày giao dịch cuối cùng của LPB trên UPCoM để chuẩn bị niêm yết trên sàn HOSE, dự kiến vào đầu tháng 11/2020.

Trong phiên sáng nay, cổ phiếu BSR vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản khi có hơn 2 triệu đơn vị được giao dịch thành công và chốt phiên giảm nhẹ 1,4% xuống 7.000 đồng/Cp.

Tin bài liên quan