Trong phiên giao dịch hôm qua 24/8, sau nhịp giảm 75 điểm 2 phiên trước, VN-Index đã có nhịp hồi trở lại đầu phiên, nhưng lực cung chực chờ ở các nhịp hồi khá lớn khiến VN-Index không thể duy trì sắc xanh lâu.
Dù vậy, áp lực bán giá thấp không lớn, trong khi lực cầu bắt đáy kỹ thuật hoạt động rất tích cực khi VN-Index về vùng 1.280 +/-, giúp VN-Index đóng cửa gần như không đổi.
Trong phiên 24/8, sau chuỗi phiên tăng mạnh, ngược với xu hướng thị trường, nhóm chứng khoán và phân bón bị chốt lời, nên đồng loạt quay đầu. Tuy nhiên, thị trường vẫn giữ được sự cân bằng khi nhóm ngân hàng, thép bị bán mạnh trước đó đã quay đầu hồi phục, cùng với đó là một số mã trụ khác như VHM, MSN, FPT, PDR.
Về kỹ thuật, phiên giao dịch hôm qua, đồ thị ngày của VN-Index tạo cây nến rút chân với thân ngắn và vùng hỗ trợ 1.280 - 1.290 điểm phát huy tác dụng, tạo kỳ vọng về việc thị trường sẽ có nhịp hồi trở lại với ngưỡng cần chinh phục đầu tiên là 1.300 - 1.310 điểm.
Những phút giao dịch đầu của phiên giao dịch sáng nay 25/8 dường như đã phản ánh đúng với kỳ vọng trên khi VN-Index được kéo tăng trở lại. Các nhóm dẫn dắt không còn có sự đồng thuận như trước, mà có sự phân hóa.
Trong nhóm ngân hàng, “anh cả” VCB là đầu tàu kéo VN-Index trở lại khi có lúc leo lên mức 99.000 đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến một số mã khác như VIB, VPB, STB, HDB và có lúc có sự có mặt của BID. Tuy nhiên, giống như phiên hôm qua, nhiều nhà đầu tư tận dụng nhịp hồi của VN-Index để giảm tỷ trọng cổ phiếu khiến đà tăng của các mã này hạ nhiệt, trong đó BID quay đầu giảm trở lại. Cùng với đó, nhiều mã khác cũng quay đầu giảm sau phiên hồi nhẹ hôm qua như MBB, CTG, ACB…
Nhóm chứng khoán sau ít phút le lới sắc xanh cũng quay đầu giảm trở lại, chỉ còn VCI giữ được đà tăng nhẹ.
Tương tự, nhóm thép các mã lúc đầu cũng có sắc xanh, nhưng lực bán sau đó khiến HPG quay về tham chiếu, HSG, SMC chỉ còn tăng nhẹ.
Trong nhóm bất động sản và xây dựng, VHM sau ít phút le lói sắc xanh cũng đã quay đầu, trong khi VIC tiếp tục là tác nhân cản trở mạnh nhất nhịp hồi của VN-Index. Trong khi đó, PDR lại duy trì đà tăng khá tốt, cùng với sự góp mặt của NGL, SJS, DIG.
Trong nhóm bán lẻ, MWG duy trì đà tăng khá, trong khi các mã còn lại giảm giá. Trong nhóm sản xuất, MSN, VNM, GVR, SAB tiếp tục duy trì đà tăng, hỗ trợ cho thị trường. Cùng với đó phải kể tới nhóm dầu khí như GAS, PLX, hay nhóm cổ phiếu điện như POM, PPC, VSH, SJD…
Nhóm cổ phiếu vận tải hàng không cặp đôi VJC và HVN đều tăng tốt.
Lực bán sau đó tăng lên, trong khi bên mua tỏ ra thận trọng khiến các mã lớn như VCB trở lại tham chiếu, HPG, VNM quay đầu, đà tăng của các mã khác cũng hãm bớt, khiến VN-Index đóng cửa phiên sáng trong sắc đỏ với thanh khoản thấp.
Chốt phiên, VN-Index giảm 4,36 điểm (-0,34%), xuống 1.294,38 điểm với 112 mã tăng, trong khi có tới 246 mã giảm, 39 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 268,9 triệu đơn vị, giá trị 8.293 tỷ đồng, giảm tới 41% về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,8 triệu đơn vị, giá trị 732,8 tỷ đồng
Trong nhóm ngân hàng, chỉ còn VIB, STB, VPB, HDB, EIB có sắc xanh, trong đó VIB là mã tăng mạnh nhất 2,23% lên 36.650 đồng, còn lại chỉ tăng dưới 0,5%.
Trong các mã giảm, giảm mạnh nhất là CTG với 2,44% xuống 31.950 đồng, khớp hơn 11 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HOSE và là mã lấy đi của VN-Index nhiều thứ 2 sau VIC.
Tiếp đến là MBB giảm 1,58% xuống 28.100 đồng, các mã còn lại giảm dưới 1%, cùng VCB và MSB đứng giá tham chiếu.
Nhóm thép cũng đồng loạt quay đầu khi HPG giảm 0,31% xuống 47.600 đồng, khớp 5,78 triệu đơn vị; HSG giảm 0,13% xuống 37.550 đồng, khớp 2,17 triệu đơn vị; các mã TLH, POM, DTL cũng đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm rất khiêm tốn, chỉ có NKG tăng 1,79% lên 34.100 đồng, khớp 3,66 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn VCI giữ sắc xanh nhạt, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó các mã nhỏ giảm mạnh hơn các mã lớn giống như lúc tăng, như AGR, TVS, VDS, CTS, VIX…, giảm hơn 3%, riêng VIX giảm hơn 5%, FTS cũng giảm hơn 2%, còn SSI và HCM giảm dưới 1%. Thanh khoản lớn nhất là SSI nhưng cũng chỉ khớp 4,78 triệu đơn vị, tiếp đến là VIX hơn 3 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản có sự phân hóa, trong đó PDR dẫn dắt nhóm tăng với 1,86% lên 87.600 đồng, cùng với SJS, DIG, HDC, CRE, SCR…, trong khi các mã lớn đều giảm hoặc đứng giá tham chiếu.
Trong đó, VIC giảm 1,99% xuống 93.500 đồng và là mã có tác động tiêu cực nhất tới VN-Index, số điểm mà VIC lấy đi của VN-Index còn nhiều hơn 4 mã đóng góp lớn nhất cho chỉ số cộng lại.
Ngoài ra, còn phải kể đến VHM, BCM, VCG…, cũng góp phần kéo VN-Index trở lại sắc đỏ.
Nhóm phân bón cũng tiếp tục bị chốt lời giống như nhóm chứng khoán, trong đó 2 mã lớn trong nhóm là DPM và DCM giảm mạnh, trong đó DPM giảm 5,9% xuống 33.300 đồng, khớp 5,35 triệu đơn vị, DCM giảm 4,7% xuống 22.500 đồng, khớp 2,7 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, BFC giảm 5% xuống 33.150 đồng, SFG giảm 1% xuống 10.250 đồng.
Trên HNX, diễn biến của thị trường cũng khá giống sàn HOSE, nhưng may mắn là HNX-Index giữ được sắc xanh nhạt khi tạm nghĩ giữa giờ.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,05%), lên 331,95 điểm với 70 mã tăng và 113 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 68,1 triệu đơn vị, giá trị 1.526,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,7 triệu đơn vị, giá trị 319,1 tỷ đồng.
HNX-Index giữ được sắc xanh nhạt là nhờ THD, SHB, PVS có sắc xanh nhạt, bên cạnh NVB, DXS.
Cụ thể, SHB tăng 0,4% lên 27.100 đồng, khớp 4,19 triệu đơn vị, PVS tăng 0,8% lên 24.300 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị, NVB tăng 2,8% lên 28.900 đồng, khớp chỉ 0,17 triệu đơn vị. THD tăng nhẹ 0,2% lên 214.400 đồng, thanh khoản cũng dưới 0,3 triệu đơn vị.
Điểm sáng nhất trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu khai thác than với hàng loạt mã tăng trần như TVD, NBC, TC6, THT, TDN, các mã khác dù không có sắc tím nhưng cũng tăng mạnh hơn 6% như HLC, MDC.
Thị trường UPCoM sáng nay chủ yếu giao dịch dưới tham chiếu, chỉ có một vài thời điểm ngoi lên sắc xanh.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,28%), xuống 90,87 điểm với 84 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,8 triệu đơn vị, giá trị 632 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 31,5 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu họ Masan, MCH tăng 5,76% lên 131.900 đồng, MML tăng 0,95% lên 74.100 đồng, trong khi MSR giảm nhẹ 0,51% xuống 19.400 đồng. Nhóm Viettel có giao dịch tiêu cực hơn, trong đó VGI giảm 3,36% xuống 28.900 đồng, CTR giảm 0,76% xuống 78.500 đồng…
Điểm đáng chú ý, sáng nay thanh khoản của BSR sáng nay lại rất khiêm tốn, đứng thứ 5, khác xa với vị trí số 1 thường thấy trước đây với 2,64 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 17.500 đồng. Trong khi đó, DDV lại vươn lên dẫn đầu thanh khoản với 3,73 triệu đơn vị, đóng cửa giảm mạnh 7,2% xuống 16.800 đồng, tiếp đến là C4G với 3,51 triệu đơn vị và đóng cửa cũng giảm 6,5% xuống 10.100 đồng. VHG thậm chí giảm sàn xuống 2.600 đồng, thanh khoản 3,43 triệu đơn vị. Đứng trên BSR là HHV với 2,76 triệu đơn vị và cũng đóng cửa giảm 5% xuống 19.100 đồng.