Trong phiên giao dịch hôm qua, lực cung giá thấp tiết giảm giúp nhiều cổ phiếu lấy lại đà tăng, trong đó đáng chú ý là nhóm ngân hàng, qua đó kéo VN-Index lấy lại hơn 20 điểm sau phiên mất gần 30 điểm trong phiên trước đó, nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy nhà đầu tư vẫn có sự thận trọng trong việc giải ngân.
Điểm đáng chú ý trong phiên chính là pha “giải cứu” HAG đầy ngoạn mục trong phiên chiều. Chốt phiên sáng, HAG còn dư bán sàn tới hơn 24 triệu đơn vị, lệnh mua nhỏ giọt, nhưng chỉ ít phút đầu giờ chiều, với những lệnh mua lớn, 12 triệu cổ phiếu đã được giải quyết, tạo lệnh mồi, đẩy lực cầu bắt đáy HAG chảy mạnh, hấp thụ hết lượng dư bán sàn, thậm chí kéo mã này lên sát mức giá trần, trước khi đóng cửa có sắc xanh nhạt.
Sau phiên giải cứu ngoạn mục này, HAG tiếp tục có sắc xanh khi mở cửa phiên sáng nay, nhưng lực bán ra vẫn khá lớn khiến mã này chỉ lình xình quanh tham chiếu.
Vấn đề có hủy niêm yết HAG hay không đang tạo làn sóng tranh luận trái chiều rất lớn trên thị trường. Từ cuối tuần trước đến nay, nhiều cổ đông của doanh nghiệp gửi đơn lên các cơ quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và cả các cơ quan truyền thông để đề nghị có thông tin rõ ràng hơn về trường hợp “đi hay ở” của cổ phiếu HAG trên HOSE.
Trên thị trường, hiện có nhiều luồng quan điểm về trường hợp này. Một số luật sư cho rằng, không đủ căn cứ pháp lý để hủy niêm yết HAG, đồng thời để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mua vào cổ phiếu HAG gần đây với niềm tin rằng doanh nghiệp đang có chuyển biến tốt.
Trong khi lãnh đạo một số quỹ đầu tư lại nhìn nhận, luật đưa ra không phải để bảo vệ cổ đông hiện tại mà để bảo vệ các nhà đầu tư tương lai. Nghĩa là khi hủy niêm yết bắt buộc một cổ phiếu nào đó, các nhà đầu tư được cảnh báo để không mua cổ phiếu chất lượng xấu. Bản thân chất lượng HAG thể hiện ở việc phải hồi tố báo cáo tài chính với kết quả lỗ, thì phải hủy niêm yết theo quy định để bảo vệ các nhà đầu tư khác. Nếu HAGL hoạt động tốt, có lãi trở lại, đủ điều kiện thì sẽ sớm trở lại HOSE.
Trở lại với diễn của thị trường, thông tin Nga rút bớt quân ở khu vực gần biên giới với Ukraine như một trận mưa rào trong cơn hạn hán thông tin tốt của giới đầu tư, giúp phố Wall khởi sắc, lấy lại hết những gì đã mất trong 3 phiên trước đó, trong khi khiến vàng và giá dầu thô lao dốc. Giá dầu thô chốt phiên rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam) giảm hơn 3%.
Đà lao dốc của giá dầu thô khiến nhóm cổ phiếu dầu khí vốn gắn chặt với giá dầu thô thế giới cũng tắt sóng sau thời gian dài tăng tốt nhờ hưởng lợi từ đà tăng của giá “vàng đen”.
Trong phiên sáng nay, các cổ phiếu dầu khí trên 3 sàn chỉ còn 2 sắc xanh le lói, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó mã vốn hóa lớn nhất là GAS giảm 2,9% về 114.000 đồng, PVD cũng giảm gần 1% xuống 30.300 đồng…
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản lại trở lại một cách đầy mạnh mẽ, với sắc tím được duy trì ở DIG và có thêm LDG, SCR, DRH, thậm chí CII và NBB cũng có sắc tím và trước đó là CCI, hay ngấp nghé trần có DRH, QCG, HAR...
Ở các nhóm đáng chú ý khác, cổ phiếu “vua” vẫn đỏng đảnh như thường lệ từ gần 1 năm nay khi chỉ vụt sáng rồi chợt tắt. Sau phiên hồi tốt hôm qua, đồng loạt cổ phiếu ngân hàng đã quay đầu giảm trở lại trong phiên sáng nay, chỉ còn SHB và STB có sắc xanh nhạt. Trong đó, BID vẫn giảm mạnh 2,4% xuống 45.100 đồng, chỉ đứng sau EIB (-3% xuống 36.100 đồng).
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tích cực hơn khi sắc xanh chiếm ưu thế, các mã lớn tăng trên dưới 2%, chỉ có APG giảm nhẹ 0,5%.
Diễn biến chung của chỉ số, dù số mã tăng chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhưng chủ yếu là các mã vừa và nhỏ, trong khi các mã lớn đều giảm như GAS, BID, VIC, thậm chí MSN cũng quay đầu sau phiên khởi sắc hôm qua khiến VN-Index chỉ lình xình quanh tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,95 điểm (-0,13%), xuống 1.490,8 điểm với 214 mã tăng (13 mã trần) và 191 mã giảm, chỉ có PDN giảm sàn, nhưng chỉ với 1 lệnh tối thiểu duy nhất. Tổng khối lượng giao dịch đạt 411,5 triệu đơn vị, giá trị 12.151,8 tỷ đồng, tăng 19% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24 triệu đơn vị, giá trị 935 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản vẫn là nhóm đáng chú ý nhất sáng nay khi tăng mạnh cả về giá và thanh khoản cũng vượt trội so với các nhóm khác. Trong đó, FLC là mã có thanh khoản tốt nhất với 17,88 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,4% lên 12.100 đồng. SCR khớp 10,6 triệu đơn vị, đứng ở mức trần 20.950 đồng. HQC khớp 9,16 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,9% lên 7.440 đồng. CII và LDG khớp trên dưới 9 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức trần 29.200 đồng, 18.050 đồng và đều còn dư mua giá trần từ hơn 1 triệu đơn vị đến gần 2 triệu đơn vị.
Tương tự, ITA, BCG, ROS cũng có mức tăng tốt và thanh khoản khá với mức tăng và thanh khoản lần lượt là 3,7% lên 16.900 đồng, thanh khoản 7,57 triệu đơn vị, 2,8% lên 23.650 đồng, thanh khoản 7,55 triệu đơn vị và 4,3% lên 7.780 đồng, khớp 6,81 triệu đơn vị.
Các mã khác có giao dịch tích cực sáng nay có GEX tăng 5% lên 38.800 đồng, khớp 13,38 triệu đơn vị. POW tăng 1,4% lên 18.350 đồng, khớp 10,33 triệu đơn vị. TCH tăng 5,5% lên 21.900 đồng, khớp 10,14 triệu đơn vị.
Trong khi đó, HAG sau phiên được cứu hôm qua, đã không thể chạy tiếp, mà đóng cửa giảm nhẹ 0,4% xuống 11.600 đồng, khớp 5,5 triệu đơn vị, khiêm tốn hơn rất nhiều so với phiên chiều qua.
Trong khi HOSE gặp khó do các mã lớn cản đường, thì HNX lại bay cao khi nhận được trở lực từ nhóm bất động sản, chứng khoán, vốn có vốn hóa lớn trên sàn này. Trong đó, đóng góp lớn nhất cho HNX là CEO với mức tăng 8,4% lên 66.000 đồng, khớp 4,1 triệu đơn vị. Tiếp đến là L14 với mức tăng 6,8% lên 390.000 đồng, nhưng thanh khoản rất thấp, dưới 100.000 đơn vị. IDC tăng 1,9% lên 69.000 đồng, khớp hơn 1,1 triệu đơn vị.
Các mã chứng khoán có SHS tăng 1,7% lên 41.800 đồng, khớp 1,72 triệu đơn vị, MBS tăng 2,1% lên 33.800 đồng, khớp hơn 430.000 đơn vị.
Trong khi đó, nhóm dầu khí với tiêu biểu là PVS là lực cản lớn nhất với mức giảm 2% xuống 28.700 đồng, khớp 5,82 triệu đơn vị, cao nhất sàn. Các mã lớn khác tăng giảm không đáng kể.
Kết quả, HNX-Index chốt phiên sáng tăng 4,18 điểm (+0,99%), lên 428,02 điểm với 116 mã tăng (8 mã trần) và 88 mã giảm (1 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,3 triệu đơn vị, giá trị 1.477 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,8 triệu đơn vị, giá trị 209 tỷ đồng.
Các mã đáng chú ý khác có KLF tăng 1,7% lên 6.100 đồng, khớp 4,65 triệu đơn vị. IDJ tăng 1,7% lên 41.800 đồng, khớp 1,72 triệu đơn vị. PVL tăng trần lên 12.900 đồng, khớp 1,55 triệu đơn vị và còn dư mua trần.
UPCoM có diễn biến khá giống sàn HOSE khi chỉ số chính tăng mạnh ngay khi mở cửa, sau đó nhanh chóng điều chỉnh và lình xình quanh tham chiếu, chỉ có điểm khác là thị trường này đóng cửa có được sắc xanh nhạt, không như VN-Index.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,11%), lên 111,34 điểm với 151 mã tăng (5 mã trần) và 108 mã giảm (5 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,4 triệu đơn vị, giá trị 818,5 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Nhóm dầu khí trên thị trường này cũng đồng loạt giảm mạnh, trong đó BSR giảm 3,7% xuống 26.000 đồng, khớp 14,62 triệu đơn vị. OIL giảm 2,2% xuống 18.000 đồng, khớp 1,34 triệu đơn vị.
Trong khi đó, VHG tăng 5,9% lên 9.000 đồng, khớp 3,3 triệu đơn vị, PAS tăng 1,8% lên 22.200 đồng, khớp 1,57 triệu đơn vị, C4G tăng 3,5% lên 20.600 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị, SBS tăng 1,5% lên 13.600 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị.