Thông tin về việc Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm việc với Novaland (NVL) để tháo gỡ vướng mắc cho dự án Aqua City của Công ty tại Đồng Nai đã biến cổ phiếu NVL thành thỏi nam châm hút dòng tiền trong phiên hôm qua. Chốt phiên, cổ phiếu này đóng cửa ở mức kịch trần 15.600 đồng với thanh khoản lên tới 77,6 triệu đơn vị, phiên cao nhất kể từ cuối tháng 11/2022 và ghi nhận phiên có thanh khoản lớn thứ 3 của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết, sau 2 phiên 22/11/2022 (hơn 128,5 triệu cổ phiếu) và 28/11/2022 (hơn 104 triệu cổ phiếu).
Cụ thể, chia sẻ với phóng viên sau họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngày 13/6, tại trụ sở Bộ Xây dựng ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) và các doanh nghiệp có dự án tại Đồng Nai.
Theo đó, nội dung buổi làm việc là tháo gỡ khó khăn cho Novaland, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tháo gỡ lớn nhất của Bộ Xây dựng là hướng dẫn Novaland về vấn đề quy hoạch.
“Chúng tôi nhận diện khó khăn vướng mắc thứ nhất liên quan đến nội dung về quy hoạch, sự không phù hợp giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết của các dự án. Về vấn đề này, chúng tôi đã thống nhất cùng UBND tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp để tháo gỡ”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.
Đồng thời, ông Sinh cũng cho biết, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Sức hút của NVL sáng nay đã có phần hạ nhiệt khi nhiều nhà đầu tư đã thận trọng hơn trong việc mua vào do e sợ “tin ra là bán”. Ngoài ra, cổ phiếu NVL cũng đã có mức tăng khá tốt 14% trong 1 tuần tính tới phiên hôm qua. Trong khi đó, lượng cổ phiếu khớp hôm qua sẽ được giải phóng ngày mai, nên nhiều nhà đầu tư sợ mua vào phiên hôm nay sẽ không kịp chốt lời thì cổ phiếu đã đảo chiều.
Trong khi đó, không ồn ào như NVL hay PDR, cổ phiếu QCG lại âm thầm tăng trần liên tiếp 13 phiên liên tiếp và hôm nay tiếp tục có sắc tím để hướng tới phiên tăng trần liên tiếp. Nếu giữ được mức tăng kịch trần 12.850 đồng của phiên hôm nay, cổ phiếu QCG đã có mức tăng 153% sau 14 phiên tăng trần liên tiếp.
Ngoài thông tin Bộ Xây dựng và các địa phương bắt tay vào gỡ khó cho thị trường bất động sản, cũng như các doanh nghiệp bất động sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một thông tin tốt trong nước nữa là các ngân hàng bắt đầu rục rịch giảm lãi suất 0,5 - 1% cho các khoản vay cũ, giúp giảm áp lực chi phí vốn cho các doanh nghiệp.
Ở bên ngoài biên giới, thông tin được cả giới đầu tư toàn cầu quan tâm chính là kinh tế Mỹ. Theo dữ liệu vừa được công bố, chỉ số CPI trong tháng 5 của Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể khi chỉ còn tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 4,1% như dự báo và thấp hơn nhiều so với mức 4,9% trong tháng 4. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Dữ liệu này càng củng cố thêm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp thường kỳ tháng 6 diễn ra trong tuần này.
Nếu Fed không tăng thêm lãi suất, sẽ giúp giảm áp lực tới các ngân hàng, cũng như các thị trường tài sản trên toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán. Điều này đã được thể hiện khi giới đầu tư phố Wall phản ứng tích cực với dữ liệu CPI tháng 5 khi cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều tăng khá tốt trong phiên 13/6 theo giờ Mỹ. Không chỉ chứng khoán Mỹ, thông tin này cũng có tác động tích cực tới các thị trường chứng khoán khác khi áp lực rút tiền từ các thị trường mới nổi và cận biên của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm bớt. Các thị trường chứng khoán châu Á mở cửa sáng nay cũng khoác áo xanh, sau đó quay đầu giảm nhẹ, ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng tốt.
Với các thông tin tích cực cả trong nước và bên ngoài, chứng khoán Việt Nam cũng mở cửa với sắc xanh và đà tăng của VN-Index được nới rộng hơn, hướng đến chinh phục mốc 1.130 điểm. Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử và dòng tiền hoạt động cũng khá tích cực.
Tuy nhiên, tại ngưỡng 1.130 điểm, áp lực bán xuất hiện đã đẩy VN-Index thoái lui và đóng cửa gần như không đổi, nhiều mã bất động sản tăng mạnh thời gian qua đang chịu sức ép chốt lời và điều chỉnh.
Chốt phiên, VN-Index đứng ở mức 1.122,53 điểm, tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,01%) với 149 mã tăng, trong khi có 217 mã giảm, đảo ngược hoàn toàn so với nửa đầu phiên. Tổng khối lượng giao dịch đạt 424,4 triệu đơn vị, giá trị 7.574,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,1 triệu đơn vị, giá trị 499 tỷ đồng.
Cổ phiếu NVL chịu áp lực bán mạnh sau phiên bùng nổ hôm qua nên quay đầu điều chỉnh 1% xuống 15.450 đồng, khớp 20,1 triệu đơn vị, đứng sau SHB. PDR cũng giảm 1,7% xuống 17.400 đồng, khớp 6,27 triệu đơn vị; LDG giảm 1,9% xuống 5.180 đồng, khớp 6,43 triệu đơn vị. Đặc biệt, QCG sau khi có phiên tăng trần thứ 14 liên tiếp sáng nay, với tổng mức tăng 153%, đã bị chốt lời ồ ạt, nên quay đầu lao thẳng xuống mức sàn 11.250 đồng, khớp 2,76 triệu đơn vị và còn dư bán sàn tới 1,98 triệu đơn vị.
Một mã bất động sản khác tăng nóng thời gian qua là EVG cũng đã bị chốt lời từ cuối tuần trước, sau khi hồi nhẹ trở lại phiên hôm qua, đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại sáng nay với mức giảm 3,3% xuống 7.610 đồng.
Nhiều mã bất động sản khác cũng chìm trong sắc đỏ sáng nay là ITA, HQC, DXS, HAR, NHA, DRH, TDH, SJS…
Trong khi đó, nhóm ngân hàng lúc nửa đầu phiên giao dịch tích cực khi chỉ có “anh cả” VCB giảm giá, cũng đã chịu sức ép sau đó và sắc đỏ lan ra thêm tại BID, EIB, STB và MSB, nhưng mức giảm của các mã này khiêm tốn.
Trong khi đó, CTG là mã tăng mạnh nhất với 2,1% lên 28.900 đồng, còn SHB tăng 0,8% lên 12.350 đồng, nhưng có thanh khoản tốt nhất thị trường với 25,68 triệu đơn vị. VPB cũng tăng tốt 1,8% lên 19.850 đồng, khớp 17,78 triệu đơn vị.
Trong nhóm chứng khoán, VND là mã có giao dịch tích cực nhất với khối lượng 19,88 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,3% lên 18.900 đồng. Các mã bluechip khác trong nhóm cũng tăng, nhưng mức tăng khiêm tốn hơn nhiều. Trong nhóm này chỉ có APG và CTS giảm nhẹ, TVB, AGR và VDS đứng tham chiếu.
Nhóm thép, 3 mã chính là HPG, NKG và HSG điều chỉnh nhẹ, nhưng sau đó HPG đã trở lại được tham chiếu, còn lại HSG giảm 1,5% xuống 16.950 đồng, NKG giảm 1,4% xuống 17.200 đồng. Trong đó, HPG khớp lớn nhất với 9,4 triệu đơn vị.
Sàn HNX cũng có giao dịch tương tự khi bật tăng mạnh đầu phiên, nhưng chịu áp lực chốt lời nên quay đầu trở lại gần tham chiếu.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,08%), lên 230,43 điểm với 66 mã tăng và 96 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 58,6 triệu đơn vị, giá trị 885,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm không đáng kể.
SHS là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 11,72 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,7% xuống 13.400 đồng. Trong khi đồng nghiệp MBS lại tăng 2,7% lên 19.000 đồng, khớp 5,17 triệu đơn vị. Ba mã có thanh khoản tốt tiếp theo là PVS, HUT và CEO, trong đó CEO giảm 0,8% xuống 25.400 đồng, còn lại PVS và HUT tăng nhẹ.
UPCoM cũng chịu rung lắc mạnh sáng nay, nhưng cuối cùng cũng giữ được sắc xanh trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,09%), lên 85,08 điểm với 131 mã tăng và 116 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 37,5 triệu đơn vị, giá trị 365 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 9,55 triệu đơn vị, giá trị 106,1 tỷ đồng.
VHG vượt trên BSR trở thành mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM với 5,76 triệu đơn vị so với 3,17 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cả 2 mã này đều đóng cửa tăng giá với mức tăng 2,7% lên 3.800 đồng và 0,6% lên 17.300 đồng.
Ngoài ra, LMH cũng khớp tốt 2,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,8% lên 4.700 đồng, có lúc lên mức trần 5.000 đồng.