Phiên giao dịch chứng khoán chiều 17/9: VN-Index mất điểm trong phiên đáo hạn phái sinh

Phiên giao dịch chứng khoán chiều 17/9: VN-Index mất điểm trong phiên đáo hạn phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù không quá đột ngột, nhưng lực bán mạnh về cuối phiên tập trung ở các mã lớn VN30 trong ngày đáo hạn phái sinh hôm nay (17/9) khiến VN-Index bị vạ lây.

Sau phiên sáng lình xình quanh tham chiếu, áp lực bán đột ngột dâng cao ngay khi bước vào phiên chiều, trong đó nhóm VN30 có hơn 20 mã giảm, khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp.

Chốt phiên, sàn HOSE có 158 mã tăng và 236 mã giảm, VN-Index giảm 3,43 điểm (-0,38%), xuống 894,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 395,4 triệu đơn vị, giá trị 6.544,3 tỷ đồng, tăng hơn 36% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,3 triệu đơn vị, giá trị 662 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất là VIC -1,6% xuống 94.000 đồng và VRE -2,1% xuống 28.300 đồng. Ngoài ra, gây sức ép còn có MSN -1,64% xuống 54.000 đồng; PLX -1,6% xuống 50.000 đồng, và sắc đỏ khác tại nhiều mã như VCB, BID, GAS, TCB, VJC, NVL, VPB, MWG...

Trái lại, tăng điểm, giữ cho chỉ số không giảm sâu hơn đáng kể chỉ còn HPG +2,83% lên 25.400 đồng, và REE +2,3% lên 39.900 đồng. Sắc xanh nhạt còn lại tại VNM, SBT, CTG, SSI và EIB, trong khi SAB và MBB là 2 cổ phiếu đứng tham chiếu.

Thanh khoản HPG vẫn dẫn đầu nhóm và cao nhất sàn với hơn 26,7 triệu đơn vị khớp lệnh; STB có 11,36 triệu đơn vị; MBB có 7,4 triệu đơn vị; ROS và SSI có hơn 6 triệu đơn vị. Nhóm VRE, POW, VPB, TCB, CTG có từ 2,6 triệu đến 4 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi ASM và IDI hạ nhiệt, khi đều không giữ được sắc tím. Kết phiên ASM +4,9% lên 8.360 đồng, khớp hơn 11,26 triệu đơn vị, còn IDI +4,8% lên 5.290 đồng, khớp gần 7,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BCG và LSS lại tăng hết biên độ lên 7.890 đồng và 5.850 đồng, khớp lần lượt 2,8 triệu và 0,63 triệu đơn vị.

Tăng tốt còn phải kể đến ITA, khi +4,3% lên 4.600 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau HPG trên bảng điện tử với hơn 24,12 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, đại diện giảm đáng kể nhất là OGC, khi lùi xuống mức giá sàn -6,9% xuống 6.180 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 2,76 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng chịu áp lực chung từ thị trường, khi lao xuống dưới tham chiếu ngay khi giao dịch trở lại, nhưng nhờ ACB đứng vững nên chỉ số đã bật trở lại là đóng cửa tăng nhẹ.

Chốt phiên, sàn HNX có 44 mã tăng và 44 mã giảm, HNX-Index tăng 0,6 điểm (+0,47%), lên 128,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,3 triệu đơn vị, giá trị 710,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,1 triệu đơn vị, giá trị 68,1 tỷ đồng.

Đóng góp chính là cổ phiếu lớn nhất ACB, khi +1,42% lên 21.500 đồng. Cùng SHB +0,7% lên 14.400 đồng; VCG +1,1% lên 36.400 đồng; PLC +1,8% lên 23.100 đồng.

Khá nhiều mã giảm như PVS -0,8% xuống 12.800 đồng; VCS -0,9% xuống 66.500 đồng; NVB -1,2% xuống 8.600 đồng; CEO -1,4% xuống 7.100 đồng; TAR -0,5% xuống 21.800 đồng.

Nhóm cổ phiếu nhỏ DST, BII vẫn ở mức giá sàn và phiên chiều gia nhập thêm còn có KTT, HHG, NSH, VHE.

Thanh khoản ACB vẫn dẫn đầu với hơn 12,3 triệu đơn vị khớp lệnh; PVS có 4,3 triệu đơn vị; SHB có 3,22 triệu đơn vị; MBG có 3,08 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự HNX-Index, khi chỉ số UpCoM-Index lùi nhanh xuống sắc đỏ, trước khi bật nhẹ trở lại và kết phiên trong sắc xanh nhạt.

Giao dịch vẫn tập trung ở LPB với hơn 12,3 triệu đơn vị khớp lệnh, chiếm 1/3 thanh khoản trên UpCoM. Kết phiên LPB +2% lên 10.100 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu nhỏ KSH theo sau với hơn 6 triệu đơn vị được khớp và tăng kịch trần lên 1.000 đồng.

Các mã PPI, BVB, BSR khớp từ hơn 1 triệu đến 1,83 triệu đơn vị, và cả 3 đều dừng chân ở tham chiếu.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,19%), lên 59,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,83 triệu đơn vị, giá trị 355,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,62 triệu đơn vị, giá trị 11,56 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2009 đáo hạn hôm nay giảm 0,43% xuống 831 điểm, với khối lượng khớp lệnh hơn 70.000 đơn vị, khối lượng mở 23.266 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CHPG2010 thanh khoản cao nhất với hơn 683.000 đơn vị khớp lệnh, và mã này tăng 2,56% lên 1.200 đồng/cq. Tiếp theo cũng là 1 mã HPG khác là CHPG2008 với hơn 550.000 đơn vị khớp lệnh, tăng 13,2% lên 4.290 đồng/cq.

Tin bài liên quan