Phiên giao dịch chứng khoán chiều 13/1: Nhà đầu tư tháo chạy, hơn 120 mã giảm sàn

Phiên giao dịch chứng khoán chiều 13/1: Nhà đầu tư tháo chạy, hơn 120 mã giảm sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực bán ồ ạt đã khiến hơn 100 mã trên cả 3 sàn giảm sàn phiên hôm nay, nhưng nhờ nỗ lực kéo trụ ngân hàng, VN-Index tránh được phiên giảm sốc.

Trong phiên sáng, ngay khi mở cửa, lệnh bán tháo ở hàng loạt mã vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là ở nhóm bất động sản đã túc trực sẵn, khiến 45 mã giảm sàn. Nỗ lực kéo trụ giúp VN-Index vẫn giữ được sắc xanh, lên trên 1.520 điểm, nhưng chỉ mỗi dòng bank không đủ sức để giữ cho VN-Index có được sắc xanh khi đóng cửa.

Bước sang phiên chiều, ảnh hưởng nhóm cổ phiếu bất động sản đã tạo hiệu ứng domino, khiến hàng loạt mã khác cũng bị xả ồ ạt với lượng dư bán sàn ở nhiều mã lên tới cả chục triệu đơn vị. Với hơn 120 mã giảm sàn (80 mã trên HOSE và 44 mã trên HNX, chưa kể 19 mã trên UPCoM) hôm nay, nếu trong một vài phiên tới, dòng tiền lớn không nhập cuộc bắt đáy, tình hình có thể còn tồi tệ hơn khi nhiều tài khoản đến ngưỡng bị force sell.

Qua các thông tin phân tích từ đầu tuần tới nay về hệ lụy vụ bỏ cọc ở Thủ Thiêm có thể thấy nhiều câu chuyện đáng quan ngại, việc giá đất giảm không chỉ khiến giá cổ phiếu bất động sản giảm mà còn khiến thị trường xáo trộn, nhiều dự án bị ảnh hưởng theo, quan trọng hơn là việc bán nợ xấu các ngân hàng cũng trở lên khó khăn nếu thị trường này gặp vấn đề. Nợ xấu thực của ngân hàng vốn đang ở ngưỡng khá cao do tác động của đại dịch Covid-19.

Trở lại phiên chiều nay, nỗ lực kéo trụ giúp VN-Index có thời gian đã trở lại, nhưng trước lực bán quá mạnh, lan nhanh ra khắp bảng điện tử, thậm chí nhiều mã ngân hàng và đa số mã công ty chứng khoán quay đầu giảm khiến VN-Index mất hơn 14 điểm, nhưng điểm tích cực là vẫn giữ được trên đường MA20.

Chốt phiên, VN-Index giảm 14,46 điểm (-0,96%), xuống 1.496,05 điểm với 327 mã giảm (80 mã giảm sàn, nhiều hơn gần gấp đôi so với phiên sáng), trong khi chỉ có 146 mã tăng (chỉ có 4 mã trần). Tổng khối lượng giao dịch đạt 995,8 triệu đơn vị, giá trị 30.845 tỷ đồng, giảm 12,4% về khối lượng và 14,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,7 triệu đơn vị, giá trị 1.329,5 tỷ đồng.

Dòng ngân hàng đã không còn giữ được sự đồng thuận như hôm qua và sáng nay, áp lực bán ra đã khiến 6 mã quay đầu giảm, trong đó giảm mạnh nhất là TPB và STB với mức giảm 1,98% xuống 42.150 đồng và 1,15% xuống 34.300 đồng. Đây là 2 mã đã tăng trần hôm qua và đã có chuỗi tăng ấn tượng từ cuối tháng 12.

Trong khi đó, BID cũng không còn giữ được sắc tím, dù vẫn là mã tăng mạnh nhất nhóm 4,39% lên 44.000 đồng. BID cũng phát tín hiệu tăng mạnh ngay khi bước vào năm mới 2022. Bên cạnh đó, bộ 2 cổ phiếu nhà nước khác là CTG và VCB cũng tăng tốt 2,93% lên 35.150 đồng và 2,38% lên 81.900 đồng. Bộ 3 này đã đóng góp cho VN-Index gần 6 điểm.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán chỉ còn 1 sắc xanh le lói ở FTS. Nhóm thép tích cực hơn khi chỉ có TNI và TNA giảm giá và là giảm sàn xuống 8.100 đồng và 18.600 đồng. Các mã lớn trong nhóm đều tăng giá như HPG tăng 1,08% lên 46.700 đồng, HSG tăng 2,56% lên 36.100 đồng, NKG tăng 2,29% lên 37.900 đồng…

Ngoài các điểm sáng hiếm hoi trên, phần lớn còn lại đều chìm trong sắc đỏ, các mã vừa và nhỏ tăng mạnh thời gian qua đều chịu chung cảnh ngộ là giảm sàn. Ngoài nhóm FLC còn dư bán sàn hàng chục, thậm chí với ROS là hơn 100 triệu đơn vị, nhiều cổ phiếu khác cũng có dư bán sàn lớn như HQC dư bán sàn 18,3 triệu đơn vị, LDG hơn 13,3 triệu đơn vị, CII hơn 24,5 triệu đơn vị, HNG 13,7 triệu đơn vị, DLG 7,7 triệu đơn vị, SCR hơn 4,2 triệu đơn vị, DIG 3,7 triệu đơn vị, DRH và HAR hơn 3,3 triệu đơn vị, FCN gần 4 triệu đơn vị…

Về thanh khoản, HAG dẫn đầu với 51,2 triệu đơn vị, lực cầu bắt đáy lớn giúp mã này thoát mức sàn 13.850 đồng khi đóng cửa ở mức 14.000 đồng, giảm 5,7%; tiếp đến là STB với 43,9 triệu đơn vị. POW cũng có thanh khoản tốt với 39,3 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức sàn 16.900 đồng, còn dư bán sàn, nhưng không lớn. Các mã ngân hàng CTG và MBB đứng kế tiếp với hơn 35 triệu và hơn 34 triệu đơn vị…

Sàn HNX không có một lực đỡ nào nên giảm dần đầu và đóng cửa ở mức gần thấp nhất ngày, giảm mạnh hơn nhiều VN-Index.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 12,81 điểm (-2,70%), xuống 460,83 điểm với 201 mã tăng (44 mã sàn), trong khi chỉ có 65 mã giảm (15 mã trần). Tổng khối lượng giao dịch đạt 117 triệu đơn vị, giá trị 3.586,5 tỷ đồng, giảm 21% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,9 triệu đơn vị, giá trị 266 tỷ đồng.

Ngoài 2 mã họ FLC là KLF và ART còn dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị, còn có CEO giảm sàn xuống 74.300 đồng, khớp 5,8 triệu đơn vị, dư bán sàn 4,3 triệu đơn vị, PVL giảm sàn xuống 15.400 đồng, dư bán sàn 1,7 triệu đơn vị.

Trong các mã lớn, ngoài CEO, còn có IDC giảm sàn xuống 64.400 đồng, khớp gần 5 triệu đơn vị; L14 cũng giảm kịch biên độ xuống 396.000 đồng. Ngoài ra, PVS giảm 3,51% xuống 27.500 đồng, khớp 9 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX; SHS giảm 3,45% xuống 47.600 đồng, khớp 5 triệu đơn vị; THD cũng giảm 2,6% xuống 251.300 đồng. Bên cạnh đó, DTK, IPA, MBS, PHP, VIF, HUT… cũng là các mã giảm.

Ở chiều ngược lại, KSF đi ngược dòng khi tăng trần lên 85.500 đồng, nhưng thanh khoản thấp, chỉ hơn 140.000 đơn vị. Ngoài ra, còn có 2 mã ngân hàng BAB tăng 3,11% lên 23.200 đồng và 1,54% lên 39.600 đồng, nhưng thanh khoản cũng thấp, chỉ hơn 100.000 đơn vị.

UPCoM cũng không thoát khỏi phiên giảm sâu theo 2 sàn niêm yết. Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 1,52 điểm (-1,33%), xuống 112,67 điểm với 228 mã giảm (19 mã sàn) và 122 mã tăng (14 mã trần). Tổng khối lượng giao dịch đạt 102,8 triệu đơn vị, giá trị 2.189,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,7 triệu đơn vị, giá trị 479 tỷ đồng.

VHG tiếp tục bị xả mạnh và có thêm phiên giảm sàn xuống 10.600 đồng, khớp 10,9 triệu đơn vị, còn dư bán sàn hơn 5 triệu đơn vị.

BSR cũng giảm 1,3% xuống 23.400 đồng, khớp 9,5 triệu đơn vị, C4G giảm 9,4% xuống 27.800 đồng, khớp 4,2 triệu đơn vị, VGT giảm 1,5% xuống 26.800 đồng, khớp 3,9 triệu đơn vị.

Trong khi đó, dòng ngân hàng tích cực với BVB tăng 1,8% lên 22.300 đồng, khớp 4,7 triệu đơn vị, VAB tăng 2,2% lên 18.200 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị, ABB tăng 1,9% lên 21.400 đồng, khớp 2,9 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, lực đỡ của nhóm ngân hàng giúp VN30-Index chỉ giảm nhẹ 3,61 điểm (-0,24%), xuống 1.526,43 điểm. Theo đó, đa số các hợp đồng tương lai chỉ số này cũng chỉ giảm ở mức tương ứng, ngoại trừ hợp đồng đáo hạn tháng 2 tăng nhẹ. Hợp đồng đáo hạn tháng 1 này giảm 3,2 điểm (-0,21%), xuống 1.525,7 điểm với 151.710 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 28.088 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh lại chiêm chút ưu thế so với sắc đỏ, trong đó mã tăng mạnh nhất là CMBB2104 do SSI phát hành tăng 100% lên 10 đồng, thanh khoản 804.900 đơn vị. Có 6 mã khác tăng hơn 20%, trong đó có 3 mã là chứng quyền của FPT với thanh khoản lớn nhất là CFPT2107 do VND phát hành, gần 1,11 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 28,6% lên 9 đồng.

Ở chiều ngược lại, CVPB2106 do SSI phát hành là mã giảm mạnh nhất 36% xuống 160 đồng, thanh khoản 411.400 đơn vị. Về thanh khoản, các mã thanh khoản nhất đều là chứng quyền của các mã chứng khoán STB, MBB, TCB, trong đó có 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan