Bước vào phiên giao dịch chiều, thêm nhiều nỗ lực nữa để đưa VN-Index vượt qua được ngưỡng cản khó 615 điểm, nhưng cũng như phiên sáng và các phiên cuối tuần trước, mọi nỗ lực đều thất bại.
Áp lực bán ở một số mã lớn như VNM, VCB, CTG, EIB khiến VN-Index khó khăn trong việc chinh phục mốc 615 điểm, bất chấp sắc xanh gấp hơn 3 lần sắc đỏ.
Trước áp lực bán lớn vào những phút cuối phiên khiến nhiều người đã nghĩ tới kịch bán xả hàng ồ ạt trong đợt ATC lại được lặp lại, nhấn chìm VN-Index. Tuy nhiên, trái ngược với lo ngại của nhiều người và kịch bản thường được áp dụng ở nhiều phiên vừa qua, đợt ATC chiều này, lực mua lại nâng đỡ lại tỏ ra vượt trội, giúp VN-Index bật ngược trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch chiều, VN-Index tăng 2,87 điểm (+0,47%), lên 614,42 điểm. VN30-Index cũng tăng 3,18 điểm (+0,48%), lên 662,43 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 168,96 triệu đơn vị, giá trị 2.870,84 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,7 triệu đơn vị, giá trị 136 tỷ đồng.
Trên HNX, đường đi của HNX-Index cũng bị võng xuống trong phiên chiều và không thể giữ được mốc 91 điểm khi chốt phiên. Kết thúc phiên, HNX-Index tăng 0,61 điểm (+0,67%), lên 90,93 điểm. HNX30-Index 1,9 điểm (+1,03%), lên 186,9 điểm. Ngoài ra, toàn bộ các chỉ số thành phần khác cũng đều tăng.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,96 triệu đơn vị, giá trị 1.022,94 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,47 triệu đơn vị, giá trị 19,26 tỷ đồng.
Lực mua mạnh vào những nhóm cổ phiếu tiềm năng tạo sóng tiếp tục được tung vào trong phiên chiều, giúp sắc tím ở các mã này xuất hiện nhiều hơn, số khác dù không thể lên mức giá trần, nhưng đà tăng cũng được nới rộng. Tuy nhiên, với việc một số mã lớn chịu sức ép bán mạnh, VN-Index không thể bứt phá để vượt qua cái bóng khó chịu 615 điểm.
Kết thúc phiên, trong khi VNM, CTG, DPM, EIB thoát hiểm, thì VCB vẫn có mức giảm 300 đồng như phiên sáng. Trong khi đó, HPG thậm chí còn đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 57.500 đồng.
Tuy nhiên, chỉ số được hỗ trợ của các mã lớn khác như VIC tăng 1.000 đồng, MSN tăng 500 đồng.
Trong nhóm cổ phiếu được dự báo sẽ có sóng là vận tải biển, bất động sản, xây lắp, vật liệu xây dựng đều nhận được dòng tiền và tăng mạnh, nhiều sắc tím đã xuất hiện ở các nhóm này trên cả 2 sàn. Trong khi đó, nhóm chứng khoán dường như đã điều chỉnh xong trong phiên hôm nay.
FLC, ITA, HAG, HQC, KBC, OGC chính là những mã có thanh khoản tốt nhất trên sàn HOSE. Tuy nhiên, đây không phải là những mã tăng mạnh nhất khi lực bán vẫn còn rất cao.
Đặc biệt, HAG dù nhận được lực cầu rất tốt của khối ngoại khi khối này mua vào tới hơn 33% tổng khối lượng khớp của HAG, nhưng cổ phiếu này lình xình ở sát mốc tham chiếu và đóng cửa với mức tăng tối thiểu.
Ngoài các nhóm cổ phiếu đã nhắc ở trên, nhóm dầu khí và thủy sản cũng đã trở lại trong phiên hôm nay.
Thị trường chỉ còn thiếu sự đồng thuận ở một số mã lớn để có thể bứt phá qua ngưỡng cản 615 điểm và tiến tới mốc tiếp theo là 630 điểm.
Trên HNX, giao dịch trong phiên chiều cũng có diễn biến khác tương đồng trên HOSE khi dòng tiền cũng tập trung vào các nhóm cổ phiếu như kể ở trên. SCR vẫn là mã được khớp lớn nhất với 9,8 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức như phiên sáng 11.000 đồng, tăng 500 đồng. Ngoài SCR, nhiều mã bất động sản khác cũng tăng mạnh với thanh khoản tốt.
Nhóm dầu khí với sự dẫn dắt của PVC và PVS cũng đã trở lại, hỗ trợ cho đà tăng của HNX-Index.
FIT sau những phút rung lắc đầu giờ sáng, đã kịp trở lại cuối phiên sáng và tăng vững trong phiên chiều khi kết thúc phiên tăng 500 đồng (+1,94%), lên 26.300 đồng với 3,36 triệu đơn vị được khớp. Trong khi KLF chỉ có được mức tăng tối thiểu 100 đồng với gần 6 triệu đơn vị được khớp.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 400.000 đơn vị, giá trị gần 6 tỷ đồng trên HNX, trong khi trên HOSE, họ mua ròng nhẹ hơn 1,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 4 tỷ đồng.