Trong phiên giao dịch sáng, sau ít phút rung lắc đầu phiên do áp lực chốt lời sau 6 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã bứt phá trở lại và thanh khoản tăng mạnh khi lực cầu tỏ ra mạnh mẽ, hấp thụ tốt lượng cung chốt lời, nhất là lượng cung giá thấp.
Sự tự tin của bên nắm giữ tiền mặt giúp nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ có bứt phá mạnh hơn nữa trong phiên chiều để vượt qua ngưỡng 660 điểm, hướng tới ngưỡng 680 điểm như dự đoán của một số công ty chứng khoán và chuyên gia chứng khoán trước đó.
Bước vào phiên chiều, kỳ vọng này càng được nhen nhóm khi lực cầu tiếp tục được duy trì, trong khi bên bán ở trạng thái thăm dò. VN-Index vì thế thẳng tiến, vượt qua ngưỡng 658 điểm và nhiều người nghĩ đến mốc 660 điểm sẽ là điểm đến tiếp theo. Tuy nhiên, sau thời gian thăm dò, lực cung chốt lời lại gia tăng khi nhiều nhà đầu tư đã đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng, đẩy VN-Index thoái lui trở lại.
Chỉ số này lùi nhanh về gần mốc tham chiếu trong thời gian còn lại của phiên chiều khi nhóm cổ phiếu dầu khi trở lại đà giảm mạnh như đầu phiên sáng, trong khi nhóm chứng khoán cũng hạ nhiệt.
Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng và một vài mã bluechip khác, VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh và giữ được mốc 650 điểm.
Cụ thể, chốt phiên, VN-Index tăng 2,92 điểm (+0,45%), lên 650,88 điểm với độ rộng khá cân bằng, 118 mã tăng và 117 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 149,33 triệu đơn vị, giá trị 3.064,88 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 8,8 triệu đơn vị, giá trị 224,3 tỷ đồng.
HNX-Index cũng chỉ có được sắc xanh nhạt với mức tăng 0,1 điểm (+012%), lên 85,91 điểm với 121 mã tăng và 99 mã giảm. tổng khối lượng giao dịch đạt 68,88 triệu đơn vị, giá trị 935,84 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,85 triệu đơn vị, giá trị 24,3 tỷ đồng.
Nhóm dầu khí đã không thể duy trì đà tăng mạnh như phiên sáng, khi đóng cửa ở mức giá gần thấp nhất ngày. Cụ thể, SSI chỉ còn tăng 1,82%, lên 22.400 đồng với 6,6 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 về thanh khoản trên HOSE sau FLC. HCM tăng 4,04%, lên 33.500 đồng, cũng là mức giá mở cửa hôm nay với 2,76 triệu đơn vị được khớp. Mức giá cao nhất phiên hôm nay của SSI và HCM là 22.900 đồng và 34.100 đồng.
Nhóm ngân hàng dù VCB hạ nhiệt đôi chút, nhưng CTG và BID lại nới rộng đà tăng, hỗ trợ cho thị trường. Trong đó, VCB tăng 2,64%, lên 50.500 đồng với 1,66 triệu đơn vị được khớp, BID tăng 2,86%, lên 18.000 đồng với 2,07 triệu đơn vị được khớp và CTG tăng 1,75%, lên 17.400 đồng với 0,8 triệu đơn vị được khớp.
Trong nhóm bất động sản có sự phân hóa khá rõ nét, trong khi VIC quay đầu lùi về mức tham chiếu, cũng là mức giá thấp nhất ngày, một số mã cũng giảm hoặc lình xình ở tham chiếu như NTL, DPR, LDG, NLG, NBB, KDH, KAC, ITD…, thì SJS lại tăng trần lên 23.200 đồng, TDH và DXG cũng tăng mạnh.
Trong nhóm thị trường, FIT, VHG, TSC vẫn duy trì đà tăng, nhưng không còn lên mức trần như phiên sáng, thậm chí VHG, TSC chỉ còn mức tăng tối thiểu. Trong khi FLC có giao dịch khá sôi động trong phiên chiều, nhưng cũng chỉ đóng cửa ở tham chiếu với hơn 7 triệu đơn vị được khớp.
Ở một số mã khác, TLH có phiên khởi sắc khi đóng cửa ở mức trần 10.300 đồng với 3,38 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần, trong khi KSA còn dư bán sàn hơn 23 triệu đơn vị, trong khi chỉ được khớp 82.160 đơn vị. Lượng dư bán sàn của KSA giảm khoảng 8 triệu đơn vị so với phiên sáng là do nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn hủy lệnh bán sàn để chuyển sang bán ATC, nhưng nhiều người vẫn không thể thoát được hàng.
Trên HNX, nhóm dầu khí cũng trở lại đà giảm như đầu phiên sáng, cùng với một số mã lớn khác VCC, AAA, tạo sức ép lên HNX-Index. May mắn là ACB về được mức tham chiếu và một số mã chứng khoán lớn duy trì được sắc xanh, dù đà tăng hẹp hơn so với phiên sáng.
Mã có thanh khoản tốt nhất HNX hôm nay là SCR với 5,93 triệu đơn vị được khớp, tiếp đến là VCG và VIX với hơn 4 triệu đơn vị, trong đó VCG không còn giữ được sắc xanh, trong khi VIX tăng 2,7%.