Trong phiên giao dịch sáng, thị trường cũng gặp rung lắc đầu phiên khi bên mua tỏ ra dè dặt trong khi lượng cung giá thấp vẫn còn sót lại từ 3 phiên giảm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, trong nửa cuối phiên sáng, lực cầu bắt đáy dù không quá mạnh, nhưng cũng đã tự tin hơn, trong khi lực cung giá thấp đã cạn kiện, giúp nhiều mã đảo chiều tăng giá và VN-Index nới rộng đà tăng.
Dù diễn biến nửa cuối phiên sáng tích cực, nhưng tâm lý nghi ngờ vẫn hiện hữu ở nhà đầu tư, khiến thanh khoản đứng ở mức thấp. Nhiều nhà đầu tư lo sợ bên nắm giữ cổ phiếu kéo các chỉ số lên trong phiên sáng, tạo cảm thị trường đã điều chỉnh xong, nhằm thu hút các nhà đầu tư bắt đáy để thoát hàng.
Kịch bản này đã từng diễn ra ở rất nhiều trong quá khứ và nhà đầu tư có lý do để nghi ngờ về bulltrap trong phiên hôm nay.
Chính tâm lý ái ngại đó khiến lực mua tỏ ra dè dặt khi bước vào phiên chiều, kéo VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu sau 30 phút giao dịch. Tuy nhiên, nhận thấy lực bán giá thấp không xuất hiện, nên dòng tiền bắt đáy lại tự tin nhập cuộc, kéo VN-Index bật mạnh và càng về cuối phiên, đà tăng càng được nới rộng.
Trong đợt ATC, thêm một chút động lực nữa đã giúp chỉ số này đóng cửa ở mức cao nhất ngày, vượt qua được ngưỡng 560 điểm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 4,5 điểm (+0,81%), lên 560,32 điểm với 145 mã tăng, trong khi chỉ có 78 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 140,38 triệu đơn vị, giá trị 2.245,34 tỷ đồng, trong đógiao dịch thỏa thuận đóng góp tới 28,2 triệu đơn vị, giá trị 811,11 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận sôi động chủ yếu có sự sang tay của 13,32 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 634 tỷ đồng và 11 triệu cổ phiếu HQC, giá trị 64,8 tỷ đồng.
Tương tự, HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,51%), lên 78,89 điểm với 126 mã tăng và cũng chỉ có 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,85 triệu đơn vị, giá trị 527 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,8 triệu đơn vị, giá trị 64,9 tỷ đồng.
Một số ý kiến cho rằng, việc thị trường tăng điểm với thanh khoản thấp cho thấy, nhiều khả năng thị trường đang tích lũy tạo đáy để bứt phá trở lại. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư thận trong trên diễn đàn lại đánh giá, do dòng tiền chưa tìm được lý do khả quan để gia nhập thị trường.
Trở lại với diễn biến của một số cổ phiếu trên sàn. Sự tích cực trong phiên hôm nay được lan tỏa khắp các nhóm ngành, thậm chí cổ phiếu dầu khí cũng đã đảo chiều thành công, trong đó GAS và PVD đều đóng cửa ở mức cao nhất ngày với mức tăng lần lượt 1,49% và 0,45%. Một số cổ phiếu lớn như VNM, MSN, BVH cũng duy trì được sắc xanh, trong đó VNM, BVH cũng nới rộng đà tăng và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng lại có sự phân hóa khá rõ khi VCB, BID, MBB, thậm chí là EIB có sắc xanh, trong khi STB và CTG đóng cửa giảm nhẹ.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, sắc tím vẫn được duy trì tốt ở HHS, FIT, ATA và có thêm LDG, PPI gia nhập.
Trong khi số khác như FLC, HAI, HAR, HNG, VHG cũng đã có mức tăng tương đối tốt. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là HAI với 12,6 triệu đơn vị được khớp, tiếp đến là FLC với 7,28 triệu đơn vị được khớp.
Sau khi nhận được lực cầu bắt đáy khá tốt cuối phiên sáng, giúp đưa mức giá TSC lên cao nhất phiên khi chốt phiên, tưởng chừng với đà trên sẽ giúp cổ phiếu này đảo chiều thành công sau chuỗi giảm liên tục. Tuy nhiên, bài học của phiên 30/3 còn đó, nên nhà đầu tư không dám mạo hiểm để thử vận may, mà chuyển hướng dòng tiền sang các mã khác đang có sóng. Chốt phiên, TSC đóng cửa ở mức 8.600 đồng, giảm 4,44% với 3,69 triệu đơn vị được khớp. Tính từ đầu tháng 3, cổ phiếu này đã mất hơn 50% giá trị.
Trên HNX, KLS tiếp tục tăng điểm mạnh khi chốt phiên ở mức 8.800 đồng, tăng 6,82% với hơn 4 triệu đơn vị được khớp. KVC cũng duy trì được mức giá như phiên đóng cửa buổi sáng. Trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn này như PVB, PVS không thể đảo chiều thành công, may mắn hơn, PVC cũng chỉ về tham chiếu.