Ngay sau giờ nghỉ trưa, VN-Index đã có dấu hiệu tích cực hơn khi nhân tố tạo lực cản trong phiên sáng là nhóm cổ phiếu lớn có sự hồi phục. Chẳng hạn, VNM chỉ còn giảm tối thiểu, còn MSN và GAS thì tăng điểm nhẹ…
Tuy nhiên, thị trường vẫn chịu áp lực khá lớn và tâm lý nhà đầu vẫn thận trọng, chính vì vậy, diễn biến giằng co mạnh tiếp tục chi phối. Song, khác với phiên sáng, VN-Index đã từng bước nhích qua tham chiếu nhờ sự hồi phục của các mã lớn trên.
Những tưởng nhịp hồi phục này sẽ được duy trì cho đến khi đóng cửa và VN-Index có phiên cuối tuần vui vẻ, qua đó có chọn tuần giao dịch “vui vẻ”. Tuy nhiên, ngay khi bươc vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, áp lực bán đã bất ngờ tăng trở lại, nhất là ở các mã lớn. Vì vậy, VN-Index đã bị đẩy lùi trở lại về gần mốc 620 điểm.
Trong khi đó, với lực đỡ khá vững của một số mã lớn, HNX-Index vẫn duy trì được sắc xanh, cho dù đã ít nhiều bị ảnh hưởng.
Mặc dù thị trường không như kỳ vọng, song điểm tích cực là dòng tiền vẫn duy trì ổn định trên nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đồng thời chảy tích cực hơn vào nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Nhờ đó, dù VN-Index giảm điểm, song độ rộng trên HOSE lại cân bằng với 106 mã tăng và 105 mã giảm, trong khi còn khá tích cực trên HNX với 122 mã tăng và 104 mã giảm. Thanh khoản thị trường chung cũng được cải thiện tương đối tốt.
Đóng cửa phiên cuối tuần 3/6, VN-Index giảm 1,49 điểm (-0,24%) về 621,88 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 0,13 điểm (-0,03%) về 621,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 123,17 triệu đơn vị, giá trị 2.118,97 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,6 triệu đơn vị, giá trị 295,3 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1,314 triệu cổ phiếu VNM, giá trị gần 187 tỷ đồng.
Ngược lại, HNX tăng 0,21 điểm (+0,25%) lên 82,66 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,92 điểm (+0,62%) lên 149,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,22 triệu đơn vị, giá trị 617,73 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,66 triệu đơn vị, giá trị 29,33 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 1,355 triệu cổ phiếu VIX, giá trị gần 11 tỷ đồng.
Không chỉ khiến VNM, BVH, FPT, KDC, … hay BID, MBB, CTG không thể cải thiện sắc đỏ, mà áp lực bán còn khiến các trụ đỡ khác của thị trường là nhóm dầu khí và chứng khoán quay đầu giảm điểm.
GAS giảm 1.000 đồng, PVT giảm 300 đồng, HCM và SSI cùng giảm 100 đồng, trong đó SSI khớp được 1,09 triệu đơn vị. HSG cũng giảm 100 đồng về 37.200 đồng/CP và khớp 1,39 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, các mã VIC, VCB, STB, PVD, HPG… có được sắc xanh, nên VN-Index hãm bớt được đà giảm.
VIC lình xình cả phiên giao dịch, song đóng cửa vẫn tăng 500 đồng lên 54.000 đồng/CP. Được biết, lãi ròng quý I của VIC đã tăng 27% sau soát xét nhờ giảm dự phòng giá vốn, đạt gần 779 tỷ đồng.
HPG tăng 400 đồng lên 35.600 đồng/CP, nhưng thanh khoản đã tăng vọt trong phiên giao dịch chiều, cả phiên khớp lệnh 6,46 triệu đơn vị, cao thứ 2 thị trường.
Như đã nêu trên, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là các mã có tính đầu cơ, dòng tiền vẫn duy trì sự tích cực. Theo đó, số lượng các mã tăng điểm và có thanh khoản cao tiếp tục được mở rộng lên tới vài chục mã, góp phần giúp thị trường cân bằng trở lại, cũng như có sự cải thiện khá đáng kể về thanh khoản.
Đáng chú ý trong nhóm này chính là HHS khi đã tăng kịch trần lên 8.800 đồng/CP, đồng thời khớp được 7,06 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường.
Ngoài HPG, có sự gia tăng mạnh cả về thanh khoản lẫn điểm số trong phiên chiều nay còn có TDH, LDG, LSS, VNS.
Trên sàn HNX, dòng tiền tiếp tục tập trung chủ yếu tại các mã trong nhóm HNX30 như VCG, SHB, SCR, PVS, PVC, KLF, HUT, DCS, VND và NDN
Trong đó, VCG vẫn khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 5,97 triệu đơn vị được khớp, tăng 600 đồng lên 12.200 đồng/CP.
SCR khớp 5,12 triệu đơn vị được khớp, nhưng quay đầu giảm 100 đồng xuống 9.500 đồng/CP.
Ngoài các mã trên, đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị còn có VIX, TIG, PVL và TVC.