Trong phiên giao dịch sáng, với sự khởi sắc cuối phiên của nhóm cổ phiếu dầu khí, VN-Index đã bứt lên mạnh mẽ. Với đà tăng của phiên sáng, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ mang đến tâm lý tích cực cho nhà đầu tư và lan tỏa ra thị trường trong phiên giao dịch chiều.
Tuy nhiên, ngoài nhóm cổ phiếu dầu khí và HSG, diễn biến trong phiên giao dịch chiều không có nhiều thay đổi so với phiên sáng khi tâm lý thận trọng vẫn chưa được cởi bỏ hoàn toàn. Việc thị trường hồi phục trong 3 phiên vừa qua chủ yếu dựa vào các mã lớn, nên tâm lý lo sợ những tay to kéo chỉ số lên để chốt hàng, nên nhiều nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài quan sát. Điều này khiến VN-Index chỉ giằng co nhẹ trong phần lớn thời gian của phiên chiều với giao dịch không mấy sôi động. Trong đợt khớp lệnh ATC, khi VN-Index đang ở ngưỡng 620 điểm, áp lực bán đã xuất hiện ở nhiều mã, trong đó có không ít bluechip, khiến VN-Index mất đi hơn 30% số điểm trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa.
Cụ thể, chốt phiên hôm nay, VN-Index tăng 3,94 điểm (+0,64%), lên 618,44 điểm với 119 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 121,5 triệu đơn vị, giá trị 2.179 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,5 triệu đơn vị, giá trị 389 tỷ đồng.
HNX-Index dù nỗ lực trong phiên chiều, nhưng cũng không thể chiến thắng được mốc 82 điểm. Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,39 điểm (+0,48%), lên 81,92 điểm với 128 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 75,2 triệu đơn vị, giá trị 792 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận phiên chiều rất sôi động, đóng góp 20,45 triệu đơn vị, giá trị 203 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì được phong đó, thậm chí PVD và GAS có lúc đã chạm mức giá trần 31.700 đồng và 60.500 đồng, trước khi chốt phiên ở mức 31.600 đồng, tăng 6,4% với 3,37 triệu đơn vị được khớp và 60.000 đồng, tăng 5,26% với gần 1 triệu đơn vị được khớp. PVT với sự hỗ trợ của lực cầu ngoại khi khối này mua vào gần 42% tổng khối lượng khớp của PVT, giúp PVT tăng mạnh 4,84%, lên 13.000 đồng, mức giá cao nhất ngày với 2,68 triệu đơn vị được khớp, khối ngoại mua ròng 1,12 triệu đơn vị.
Giá dầu thô thế giới hiện vẫn đang đứng vững ở trên mức 50 USD/thùng là lý do giúp nhóm dầu khi tạo sóng.
HSG và IJC vẫn duy trì đà tăng trần với giao dịch chậm trong phiên chiều do bên mua găm hàng.
Việc VN-Index thu hẹp đà tăng trong phiên chiều do tác động của một số mã lớn như VCB, VIC giảm giá cuối phiên, VNM về tham chiếu.
Nhóm ngân hàng có sự phân hóa, ngoài VCB, phía giảm giá còn có sự góp mặt của STB, trong khi MBB đứng giá tham chiếu, trong khi ở chiều ngược lại BID, CTG, EIB đóng cửa với sắc xanh.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ xu thế mua ròng trong phiên chiều với khối lượng tương đương phiên sáng, nâng tổng khối lượng mua ròng cả phiên lên 2,35 triệu đơn vị. Trong đó, PVT là mã được mua ròng mạnh nhất với 1,12 triệu đơn vị, tiếp đó là DCM với 1 triệu đơn vị, trong khi khối ngoại bán ròng mạnh HNG với 1,27 triệu đơn vị, STB và DPM trên dưới 700.000 đơn vị.
Do bên bán găm hàng, nền HSG đã nhường vị trí số 1 về thanh khoản trên HOSE cho HPG. Chốt phiên HPG khớp 3,5 triệu đơn vị, tiếp đó là FLC và PVD với 3,37 triệu đơn vị.
Trên HNX, trong khi PVC thu hẹp đà tăng, thì PVB và PVB nhích thêm 1 bước so với phiên sáng. Ngoài ra, đà tăng của HNX-Index còn nhận được sự hỗ trợ của VCG khi mã này đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày, hay LAS, trong khi ACB đảo chiều và AAA bị chốt lời khá mạnh cản trở HNX-Index giữ mốc 82 điểm.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng 786.050 đơn vị trên HNX, trong đó PVS, VND và PLC là 3 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, trong khi PGS là mã bị bán ròng mạnh nhất.
Dẫn đầu về thanh khoản trên HNX vẫn là SCR với 8,22 triệu đơn vị được khớp, chốt phiên tăng 1,08%, lên 9.400 đồng, DCS vẫn ở vị trí thứ 2 với 5,19 triệu đơn vị được khớp và chốt phiên với mức giá trần 4.600 đồng. Tiếp đó là các mã VCG, PVS, SHB với trên dưới 3 triệu đơn vị được khớp.